Những câu chuyện ít người biết về Hiệp định Paris

Ít ai hiểu vì sao và bằng cách nào Paris lại được lựa chọn là địa điểm diễn ra cuộc đàm phán để đi đến Hiệp định lịch sử 40 năm trước.
Trong khoảng thời gian gần 5 năm đàm phán Hiệp định Paris, ít ai biết đến những người lính bảo vệ cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên chặng đường hoạt động và đấu tranh tại Pháp.

Cũng ít ai hiểu rằng vì sao và bằng cách nào Paris lại được lựa chọn là địa điểm diễn ra cuộc đàm phán... Những ký ức ấy vẫn đậm sâu trong tâm trí những "người trong cuộc," những nhân chứng lịch sử của một sự kiện ngoại giao lớn.
 
Gặp người bảo vệ đoàn đàm phán
 
Dù 40 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh các đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn in đậm trong tâm tưởng của ông Lê Việt Hưng (Lê Việt Bắc), nguyên Đại tá, nguyên trưởng phòng Bộ Tư lệnh cảnh vệ, nguyên thành viên đội bảo vệ đoàn đám phán.
 
Cuối tháng 4/1968, là một trong năm người được Cục cảnh vệ (nay Bộ Tư lệnh cảnh vệ - Bộ Công an) giao nhiệm vụ bảo vệ đoàn đàm phán Hiệp định Paris (với 5 bí danh: Bắc, Trung, Nam, Thống, Nhất), ông được mang bí danh Lê Việt Bắc. Ngày 9/5/1968, đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris. Lúc đầu, đoàn được bố trí ở khách sạn Lutetia, số 45 Đại lộ Raspail, quận 16 Paris.
 
Vài ngày sau, vì nhiều lý do, đoàn đã chuyển đến ở tại Trường Đảng Choisy Le Roi. Đối với ông, được làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, giành lại hòa bình ở Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng và vinh dự lớn.

Trong suốt thời gian đó, Choisy le Roi đã được giữ bí mật, tới mức không có mấy người dân ở chính thành phố này biết chỗ đoàn sống và hoạt động. Lực lượng bảo vệ trưởng đoàn Xuân Thủy, đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa gồm 5 người, lực lượng cảnh sát bảo vệ vòng ngoài do Cảnh sát Pháp, với 2 trạm gác đảm nhận.
 
Do thất bại ở hai miền Việt Nam, nhất là sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đồng ý hội nghị đàm phán với đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó với đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, ông Lê Việt Hưng được chuyển qua bảo vệ cho đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
 
Sau gần 3 năm làm nhiệm vụ, ông Hưng vinh dự tự hào đã góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hai đoàn đàm phán, giành thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao... Trong quá trình công tác, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Tự do, do Chính phủ Lào tặng và nhiều huân, huy chương khác... Năm 1993, ông nghỉ hưu tại xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn (Nghệ An) với quân hàm Đại tá. Nay ông đã tròn 80 tuổi đời, 50 tuổi Đảng.
 
Paris, địa điểm tốt cho cuộc đàm phán
 
Ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ L.B Johnson tuyên bố ngừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói chuyện. Ngày 3/4/1968, Chính phủ ta tuyên bố đồng ý cử đại diện tiếp xúc với phía Mỹ nhằm xác định việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để hai bên có thể bắt đầu các cuộc nói chuyện về thực chất. Từ ngày 4/4 cho đến cuối tháng 4/1968, hai bên đưa ra những địa điểm để cùng chọn cho cuộc nói chuyện.
 
Từng tham gia nhiều công việc trước và sau Hiệp định Paris, trong đàm phán “bí mật” và đàm phán công khai, chứng kiến nhiều sự kiện thể hiện những thuận lợi cho ta của địa điểm Paris, ông Võ Văn Sung, nguyên Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp trong thời gian đàm phán Paris, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết: "Paris là địa điểm đàm phán mà ta và Mỹ đã nhất trí lựa chọn theo đề xuất của ta. Qua những gì xảy ra, cho đến giờ, tôi càng thấy Paris quả là địa điểm rất tốt cho ta trong cuộc đàm phán với Mỹ.

Phía Mỹ từng đồng ý với ta họp ở Paris hai bên, rồi bốn bên, nhưng sau ngày 27 tháng Giêng 1973, họ lại tỏ ra không thích địa điểm này lắm. Khi cùng ta bàn việc họp Hội nghị Quốc tế về Việt Nam cuối tháng 2 năm 1973, ban đầu Mỹ không muốn chọn Paris làm địa điểm. Nhưng do ta kiên trì và vì những lý do khác, cuối cùng phía Mỹ mới chịu đồng ý."
 
Theo nhận định của ông Võ Văn Sung, nhìn tổng quát, có thể nói Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai Đoàn đàm phán của ta, trong đó những yếu tố thuận lợi là: chính giới Pháp, phong trào quần chúng, lực lượng cánh tả, báo giới và đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Pháp.

Chính phủ Pháp đã rất hoan nghênh việc ta đề nghị chọn Paris làm địa điểm đàm phán và đã tạo mọi thuận lợi cho các cuộc đàm phán (đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ năm 1968; đàm phán bốn bên từ năm 1969 đến 1973; đàm phán “bí mật” Lê Đức Thọ-Kissinger từ năm 1970 đến 1973 và cuộc đàm phán hai bên miền Nam Việt Nam ở La Celle-Saint Cloud từ tháng 3/1973 đến tháng 4/1974).
 
Nhớ những kỷ niệm trong 12 ngày đêm Mỹ dội bom Hà Nội năm 1972, ông Võ Văn Sung kể lại: "Trong những ngày đó, gần như ngày nào ông Bộ trưởng Ngoại giao Pháp lúc đó là Maurice Schuman và tôi cũng có những cuộc gặp, có lúc còn gọi điện thoại cho nhau cả vào đêm khuya để thông tin tình hình và trao đổi ý kiến vì phía Pháp cần có thông tin để có thái độ và phía ta cũng mong muốn phía Pháp góp phần lên án cuộc ném bom của Mỹ vào Hà Nội. Đối với cuộc đàm phán, Chính phủ Pháp đã tạo mọi thuận lợi cho các đoàn, đặc biệt là cảnh sát Pháp đã rất vất vả để lo an ninh cho các đoàn trong năm năm.

Theo tôi biết, trong lịch sử của Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Kleber, chưa hề có cuộc thương lượng quốc tế nào chiếm dụng phòng họp của Trung tâm liên tục gần 5 năm như cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ"./.

Viết Hùng-Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục