Dưới đây là đánh giá của tạp chí danh giá Columbia Journalism Review về những vấn đề nổi bật của báo chí trong năm 2015:
Những câu chuyện báo chí ấn tượng nhất năm 2015
Aylan Kurdi
Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Thổ Nhĩ Kỳ Nilufer Demir về Aylan Kurdi, em bé Syria tị nạn bị chết đuối đã cho thấy mặt tối của cuộc khủng hoảng tị nạn theo cách mà không bài báo nào làm được. Chúng đã nhanh chóng phổ biến trên các mạng xã hội và làm dấy lên một cuộc tranh luận mang tinh quốc tế.
Giống như bức ảnh "Em bé Napalm" từng lột tả được hậu quả của cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, và bức hình chụp con kền kền đứng nhìn một em bé Sudan gầy gò vì nạn đói, bức ảnh về bé Aylan Kurdi đã thể hiện rõ ràng những khó khăn và nguy hiểm trên hành trình tị nạn. Không một hình thức nào khác có thể biểu hiện được bị kịch của loài người một cách nhức nhối như vậy.
Thể thao là một thể chế xã hội
Các nhà báo thể thao thường chỉ được nhìn nhận như những người hô hào cho vui, và trên thực tế là họ thường như vậy.
Tuy nhiên độc giả đã và đang không thể chối bỏ việc coi thể thao như một thể chế xã hội và các liên đoàn thể thao là những đế chế doanh nghiệp, nhờ những phóng sự của ESPN và Sport Illustrated về bê bối tại giải NFL, và phóng sự điều tra của Deadspin về cách ngôi sao bóng đá Mỹ Greg Hardy thoát khỏi hình phạt cho hành vi bạo lực gia đình.
Những tác phẩm khác cũng đã đi sâu điều tra ngân sách thể thao của các trường đại học, những cuộc vật lộn với bệnh tâm lý của các cựu vận động viên ngôi sao, và tình trạng lạm dụng chất gây nghiện của các vận động viên trẻ.
Những nạn nhân của Bill Cosby
Những hình ảnh gây xúc động về 35 nạn nhân của diễn viên hài kịch Bill Cosby đăng trên tạp chí New York có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, bởi chúng đã làm được nhừng gì mà báo chí trước đây chưa thể làm: cho phép phụ nữ kể câu chuyện của họ.
“Lời điều trần” của nhóm này đã phơi bày câu chuyện về việc một người đàn ông đầy quyền lực lợi dụng những cô gái và những phụ nữ đang cố gắng vươn lên trong ngành giải trí như thế nào.
“Những nhà máy thất bại”
Loạt bài của tờ Tampa Bay Times về 5 trường tiểu học kém chất lượng đã mở ra một vấn đề mà truyền thông quốc gia ít có khả năng đề cập. Bài viết thứ nhất mổ xẻ vì sao cách quản lý lộn xộn của ban quản trị trường đã duy trì tình trạng phân biệt chủng tộc một cách có hệ thống, và biến những ngôi trường này trở thành những nỗi hổ thẹn.
Những bài viết tiếp theo đã phân tích về bạo lực, cách giảng dạy và kỷ luật, cùng các vấn đề khác tại các ngôi trường này. Cùng nhiều hình ảnh sống động và những hình đồ họa tương tác, loạt phóng sự gây được sự bất ngờ lớn, và là một minh chứng rằng phóng sự điều tra vẫn có đất sống trong bối cảnh các tờ báo địa phương gặp nhiều khó khăn và phải cắt giảm nhân sự.
Cái nhìn sâu hơn vào đế chế nhà di động của Warren Buffett
Phóng sự điều tra hợp tác của The Seattle Times và Center for Public Integrity (CPI) về công ty xây dựng thuộc sở hữu của tập đoàn Bershire Hathaway đã làm thay đổi hình ảnh về một tỷ phú vị tha của ông Buffett. Nhà tỷ phú sau đó đã buộc phải đứng lên biện minh cho công ty trước những cáo buộc về cách kinh doanh và cho vay theo kiểu chiếm đoạt tại cuộc họp cổ đông vào tháng 5, rồi sau đs thừa nhận tỉ lệ khách hàng đương nhiên lâm vào tình cảnh này có thể cao hơn nhiều so với báo cáo trước đó.
Phóng sự của The Seattle Times-CPI cũng được nhắc tới khi Quốc hội tranh luận về các quy định mới áp dụng với ngành công nghiệp nhà di động - cho thấy một tờ báo địa phương cũng có thể làm dấy lên một cuộc thảo luận tầm cỡ quốc gia.
Kiên cường dưới áp lực
Sau khi hai đồng nghiệp bị sát hại khi đang ghi hình ngày 26/8, các nhà báo tại WDBJ ở Roanoke, Virginia đã cùng nhau tiếp tục những gì đang dang dở. Vụ việc này đặc biệt đau lòng bởi kẻ gây ra nó là một cựu nhân viên bất mãn của hãng tin, và hai nạn nhân Alison Parker và Adam Ward đều đang hẹn hò hoặc đã đính hôn với đồng nghiệp tại cùng cơ quan. Sự kiên cường của các phóng viên WDBJ đòi hỏi rất nhiều can đảm, và xứng đáng được ngưỡng mộ.
Đưa khoa học đến gần với khán giả hơn
Chương trình "Invisibilia" của đài phát thanh NPR đã chiến thắng cả hai thử thách là giải thích khoa học và truyền tải thu hút khán giả. Kênh podcast này - đánh bại cả "Serial" khỏi tốp đầu bảng xếp hạng của iTunes - đã khám phá những nguồn lực vô hình định hình nên hành vi con người.
Lấy ví dụ, để chứng minh những kỳ vọng của xã hội ảnh hưởng đến thành quả của cá nhân, chương trình đã kể câu chuyện về một người khiếm thính, nhờ sự động viên của mẹ mình đã học được cách dùng định vị tiếng vang để nhận biết mọi thứ xung quanh. Những câu chuyện về kỳ quan khoa học như vậy hiện rất khó tìm.
“Bên trong Syria của Assad”
Bộ phim tài liệu "Frontline" đã đi sâu vào những vùng thuộc quyền kiểm soát của chính phủ tại Syria và cung cấp một cái nhìn hiếm có về cuộc sống thường nhật của người dân tại đây trong cuộc nội chiến.
Phóng sự của PBS cho thấy người Syria có cảm nhận rõ ràng về sự nhận biết bản thân: Mặc dù hiểu ông Bashar al-Assad không hoàn hảo, nếu không muốn nói là độc tài chuyên chế, nhưng họ cũng tin rằng ông là khoản đặt cược tốt nhất cho sự an toàn của họ.
Đó là một lời nhắc nhở đầy mâu thuẫn rằng trong bất cứ cuộc giao tranh nào, hầu hết mọi người đều bị thúc đẩy bởi một điều đơn giản: giữ cho gia đình của họ an toàn. Với họ, chọn phe trong một cuộc chiến chính trị đẫm máu là một yêu cầu, không phải một lựa chọn.
Hoạt động báo chí của John Oliver
Một diễn viên hài kịch, chứ không phải một nhà báo, đã tìm ra được sự kết hợp thuyết phục và giàu thông tin giữa giải trí và báo chí. Sự hài hước của John Oliver đã giúp chương trình “Last Week Tonight” dành nhiều thời lượng cho những chủ đề đa dạng, mang lại hiểu biết cho khán giả kênh HBO cùng khán giả theo dõi trên YouTube về cơ sở hạ tầng, kiểm tra tiêu chuẩn, bầu cử tại Canada và nhiều chủ đề khác.
Hồi tháng 4, chương trình với chủ đề việc chính phủ theo dõi người dân còn có cả cuộc phỏng vấn với Edward Snowden. Oliver không phải nhà báo, nhưng anh thường xuyên làm công việc của một nhà báo.
Những câu chuyện báo chí tệ nhất năm 2015
Trí nhớ của Brian William
Trong khi Oliver, một diễn viên hài, tìm được sự cân bằng giữa tính giải trí và thông tin, thì Williams, một nhà báo, lại cho thấy sự nguy hiểm của việc pha trộn này. Cựu biên tập viên của kênh NBC News trong suốt 6 tháng luôn “nhớ nhầm” một giai đoạn của chiến tranh Iraq cùng nhiều cuộc chiến khác. Kể từ đó, Williams đã được chuyển sang phụ trách theo hợp đồng một chương trình khác trên MSNBC, và ít có khả năng quay lại dẫn bản tin như trước.
Loạt tin bài sau các vụ xả súng hàng loạt và bạo lực của cảnh sát
Bất cứ vụ xả súng hàng loạt hay vụ cảnh sát gây bạo lực nào cũng là một tình huống khó với các nhà báo. Mặc dù rất hay đưa tin về hai chủ đề này, nhưng các bài báo dường như không có cải thiện nào. Các sai lầm mắc phải thường rất cơ bản: xác định nhầm nghi phạm, dựa quá nhiều vào ý kiến từ một chiều, miêu tả không đầy đủ về tiểu sử của những người có liên quan, đưa sai tin về hành vi bạo lực của những người biểu tình sau sự việc...
Trách nhiệm của các nhà báo là bảo đảm ngòi bút của họ không bị chi phối bởi sự chú ý của công luận. Đáng tiếc là chúng ta khó có thể nhận thấy sự thay đổi sớm trong tương lai.
Coi thế hệ Thiên niên kỷ là biểu tượng cho sự suy yếu của nước Mỹ
Vẽ ra những kịch bản tận thế về thế hệ Thiên niên kỷ (những người sinh ra từ khoảng năm 1980) dường như đang trở thành xu thế. Có rất nhiều dự đoán kinh hồn, như việc thế hệ này lạm dụng công nghệ dẫn đến băng hoại đạo đức, những hoài nghi về khả năng tham gia “những cuộc thảo luận chính trị của người trưởng thành,” v,v...
Việc đưa tin và bình luận thường xuyên không đề cập đến những điểm khác biệt thật sự của thế hệ Thiên niên kỷ trên các khía cạnh dân số, giáo dục, kinh tế mà chỉ tập trung vào những vấn đề tiêu cực. Lẽ ra báo chí phải tập trung vào cách giới trẻ đang sử dụng công nghệ để làm những việc của người trẻ.
Năm của Trump
Ban đầu, truyền thông chính trị đánh giá thấp ngôi sao truyền hình thực tế này. Sau đó, họ lại o bế ông để tăng lượng người xem. Quá trình vận động tranh cử hoành tráng của ông ta đã kéo sự chú ý của truyền thông khỏi những ứng viên chính thống phù hợp hơn. Hiện tại, sự ủng hộ ông Trump khá ổn định, nên dường như chẳng ảnh hưởng gì trước những phân tích của báo chí chính thống về các trò hề của ông.
Arianna Huffington, chủ sở hữu trang web cùng tên từng xếp các bài viết về ông Trump trong mục “Giải trí,” nhưng giờ đã thay đổi quyết định đó với lời giải thích: “Chúng ta không còn cảm thấy được giải trí nữa."
Nỗi sợ Hồi giáo sau các hành động khủng bố
Hầu hết người Mỹ đều không quen thuộc với đạo Hồi, và truyền thông đã lợi dụng điều đó khi gieo rắc thêm nỗi sợ hãi và đưa ra những câu hỏi không công bằng sau những vụ tấn công khủng bố có yếu tố Hồi giáo.
Phóng viên của nhiều hãng tin đã đưa thông tin không đúng về “các vùng cấm đi qua” của châu Âu, hỏi một luật sư Hồi giáo chuyên về quyền con người có ủng hộ IS không, hỏi một thị trưởng người Mỹ có sợ các công dân Hồi giáo trong thành phố của bà không, và nhấn mạnh lý lịch tôn giáo của các nghi phạm thay vì những hành động bạo lực họ gây nên.
Điều đáng lo ngại là cách tiếp cận như vậy sẽ gây ảnh hưởng khiến các nhà hoạch định chính sách đưa ra biện pháp quyết liệt dưới chiêu bài về nỗi sợ của người dân. Và sự đe dọa này là có thực, nhất là xét đến những phát biểu tranh cử của ông Trump.
Gawker
Sự thô thiển của trang báo lá cải đã đạt một đỉnh cao mới với bài viết ngày 16/7 về cuộc hẹn bất thành giữa một lãnh đạo cấp cao đã có gia đình của Conde Nast và một người đồng tính. Câu chuyện này chẳng có chút giá trị gì với độc giả, và những người điều hành Gawker đã bỏ phiếu gỡ bỏ bài báo trong bối cảnh sự chỉ trích ngày càng lan rộng. Hai biên tập viên hàng đầu của Gawker đã từ chức để phản kháng. Và trang web từ đó đã phải tập trung xây dựng một hình ảnh mới, “tử tế hơn” và tập trung hơn vào chính trị.
Gawker từ lâu đã luôn cố gắng sáng tạo, và điều đó sẽ không bị lãng quên khi biên niên sử của truyền thông đầu thế kỷ 21 được biên soạn. Nhưng câu chuyện tháng 7 cho thấy Gawker cũng có thể trở nên tầm thường đến thế nào - ngay cả mạng Internet cũng có những hạn chế của nó./.