Những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thời Lý

Buổi hội thảo tại Bắc Ninh giới thiệu những phát hiện mới về khảo cổ, lịch sử, di sản văn hóa thời Lý, phân tích vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thời này.
Những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thời Lý ảnh 1Quang cảnh chùa Phật Tích , huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Ngày 9/2, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Nghệ thuật và văn hóa thời Lý ở Việt Nam, thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Bích Liên khẳng định văn hóa, nghệ thuật thời Lý là chủ đề nghiên cứu được nhiều nhà khoa học Việt Nam và thế giới quan tâm từ nhiều góc độ khác nhau. Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận các vấn đề học thuật bổ ích; đồng thời tạo cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật thời Lý trong xã hội Việt Nam đương đại.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trình bày các nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật thời Lý, những nền tảng hình thành và phát triển các loại hình nghệ thuật của người Việt mang bản sắc riêng bên cạnh những yếu tố hỗn dung văn hóa.

Đặc biệt, một số tham luận trình bày những cách tiếp cận mới trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật thời Lý, giới thiệu những phát hiện mới về khảo cổ, lịch sử, di sản văn hóa thời Lý, phân tích vai trò của Phật giáo đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật thời này. Trong đó có một số tham luận như Văn hóa nghệ thuật thời Lý, vấn đề và suy ngẫm (giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chí Bền); Nhìn lại một lần cái “nền trắng” nơi bức tranh văn hóa nghệ thuật thời Lý “được vẽ nên sau đó” (giáo sư-tiến sỹ Trần Ngọc Vương); Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa thời Lý ở Việt Nam (giáo sư-tiến sỹ Trương Quốc Bình); Đồ gốm Việt Nam tại Singapore: Lịch sử ngắn gọn về bộ sưu tập của Bảo tàng của tiến sỹ Kenson Kwork…

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ được 131 di tích có liên quan đến Vương triều Lý, trong đó còn 23 dấu tích chùa tháp dưới triều Lý. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thiết thực nên nhiều di sản văn hóa thời Lý được bảo tồn và phát huy; trong đó có Dự án chùa Phật Tích (huyện Tiên Du) được triển khai từ năm 2010, nhằm đưa di tích này trở thành khu du lịch văn hóa, tâm linh nổi tiếng; Lăng và đền thờ các vị vua triều Lý (Đền Đô, Từ Sơn); chùa Dạm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh); đình Dương Lôi (Từ Sơn)…

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định Hội thảo góp phần định hướng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc nói chung và công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thời Lý nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc để tỉnh Bắc Ninh sớm thực hiện được mục tiêu xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương - thành phố thông minh trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục