Những bước tiếp theo để cung cấp vaccine ngừa COVID-19

Mặc dù khẳng định Mỹ “tin tưởng mạnh vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,” song chính quyền Biden tuyên bố “để chấm dứt dịch này, Mỹ ủng hộ từ bỏ những bảo vệ này với vaccine ngừa COVID-19.
Những bước tiếp theo để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin project-syndicate.org đưa tin, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định ngừng phản đối đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 là một động thái đáng hoan nghênh.

Đại diện Thương mại Mỹ thừa nhận rằng "tình huống khác thường của đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp khác thường." Mặc dù khẳng định rằng Mỹ “tin tưởng mạnh mẽ vào các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,” song chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố rằng “để chấm dứt đại dịch này, Mỹ ủng hộ việc từ bỏ những bảo vệ này đối với vaccine ngừa COVID-19.”

Quyết định của Mỹ có thể sẽ thuyết phục các quốc gia giàu có khác ở châu Âu và các nơi khác, vốn vẫn đang phản đối đề xuất này, làm theo. Mặc dù sự phát triển nhanh chóng của vaccine ngừa COVID-19 là một thành tựu thực sự ấn tượng, song thành tựu này đã bị lù mờ bởi những hạn chế về nguồn cung vaccine trên toàn cầu và sự bất bình đẳng trong quá trình phân phối.

Tính đến ngày 4/5, chưa đến 8% dân số thế giới được tiêm dù chỉ một liều vaccine ngừa COVID-19 bất kỳ, trong đó 10 quốc gia giàu có chiếm tới 80% tổng số người đã được tiêm vaccine. Lý do không chỉ là các nước giàu đã mua hết số lượng vaccine sẵn có, mà còn đơn giản là bởi không có đủ số lượng vaccine để phân phối cho các nước khác. Tuy nhiên, sự khan hiếm này chủ yếu là do con người gây ra.

Việc sản xuất vaccine đã bị hạn chế do các công ty dược phẩm từ chối chia sẻ kiến thức và công nghệ. Mặc dù các công ty sản xuất các loại vaccine đã được phê duyệt này được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp và tài trợ nghiên cứu của nhà nước, nhưng họ vẫn tận dụng các biện pháp bảo vệ bằng sáng chế để duy trì sự độc quyền, hạn chế việc sản xuất chỉ ở các nhà máy của họ và một số công ty khác được họ cấp giấy phép.

Các bằng sáng chế này được tôn trọng và bắt buộc phải được bảo vệ trên bình diện quốc tế thông qua Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hiệp định này cho phép thực hiện các hành động chống lại các quốc gia cấp giấy phép để cho phép “người khác sản xuất một sản phẩm hoặc áp dụng một phương pháp đã được cấp bằng sáng chế mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế đó.”

[Mỹ nhấn mạnh mục tiêu bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19]

Chính mối đe dọa về khả năng sẽ có những hành động pháp lý này đã khiến đa số các thành viên WTO đề xuất tạm thời áp dụng miễn trừ đối với thuốc điều trị, vaccine, phép chuẩn đoán bệnh COVID-19 và các công nghệ khác cần thiết để chống lại đại dịch. Tuy nhiên, ngay cả bước đi nhỏ này cũng đã bị chặn đứng tại Hội đồng TRIPS của WTO, bởi vì (hầu hết) các nước giàu đang ưu tiên lợi ích của các công ty dược phẩm lớn hơn là sức khỏe toàn cầu.

Việc áp dụng miễn trừ đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh virus gây COVID-19 đang hoành hành khắp Nam Mỹ và Ấn Độ, nơi các dịch vụ y tế bị quá tải đã gần như hoàn toàn sụp đổ, dẫn đến tình trạng thảm khốc khi rất nhiều người bị thiệt mạng. Tệ hơn nữa, sự lây lan nhanh chóng của loại virus này đã làm phát sinh các biến thể mới nguy hiểm. Chúng ta phải tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt trước khi các biến thể kháng vaccine xuất hiện.

Tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là điều cần thiết, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên. Một thỏa thuận miễn trừ sẽ giải quyết khía cạnh pháp lý mà trước đây không thể vượt qua được của vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để làm cho vaccine ngừa COVID-19 được phổ biến trên toàn cầu càng sớm càng tốt.

Bước tiếp theo là thúc đẩy các biện pháp cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kiến thức và công nghệ. Từ Canada đến Bangladesh, nhiều nhà sản xuất vaccine tiềm năng sở hữu các cơ sở cần thiết cho đến nay đã bị từ chối cấp phép và không được chuyển giao các kiến thức về kỹ thuật để tiến hành sản xuất (vaccine COVID-19). Không một công ty dược phẩm nào tham gia quỹ tự nguyện chia sẻ công nghệ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mang tên Quỹ Tiếp cận Công nghệ Phòng chống COVID-19 (C-TAP).

Các chính phủ ở Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác - những chính phủ đã cung cấp các khoản trợ cấp lớn để phát triển các loại vaccine đã được phê duyệt - có thể và nên gây áp lực để buộc các công ty phải chia sẻ những kiến thức mà nhà nước đã đổ ngân sách vào để giúp thu được những kiến thúc đó. Điều này hoàn toàn có thể làm được, bởi vì chính quyền Biden đã thuyết phục được Johnson & Johnson chia sẻ công nghệ của mình với công ty dược phẩm Merck để thúc đẩy việc sản xuất ở ngay trong nước loại vaccine chỉ cần một mũi tiêm duy nhất của hãng này.

Chắc chắn rằng có thể gây sức ép để buộc các công ty khác vốn được hưởng lợi từ sự ủng hộ của nhà nước phải làm điều tương tự với các nhà sản xuất trên khắp thế giới. Trong khi đó, việc miễn trừ TRIPS (đối với vaccine ngừa COVID-19) cũng có thể tăng khả năng sản xuất vaccine theo những cách khác.

Những bước tiếp theo để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 ảnh 2Vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm Moderna Inc của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Moderna, công ty phụ thuộc gần như hoàn toàn vào tài trợ của chính phủ Mỹ, đã tuyên bố rằng họ sẽ không bắt ép phải tôn trọng bằng sáng chế của họ. Tuy nhiên, vaccine áp dụng công nghệ mRNA của họ sử dụng một số kiến thức mà họ đã được cấp phép (và phải trả tiền để mua) từ các công ty khác, do đó họ có thể kiện bất kỳ nhà sản xuất nào khác sử dụng công nghệ tương tự này.

Việc miễn trừ TRIPS (đối với vaccine ngừa COVID-19) sẽ loại bỏ khả năng này, cho phép mở rộng quy mô sản xuất một cách nhanh chóng. Với việc Moderna tuyên bố sẽ sản xuất ba tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 chỉ riêng trong năm 2022, có thể thấy các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA dường như khá phù hợp để sản xuất mở rộng. Loại vaccine này cũng được cho là dễ dàng điều chỉnh để phù hợp với các biến thể mới.

Sự cần thiết của việc nhà nước phải trực tiếp nắm quyền sản xuất các loại vaccine như vậy là rất rõ ràng. Tổ chức vận động trong lĩnh vực y tế PrEP4All lưu ý: “Để chính phủ Mỹ có thể chi tiêu ít hơn cho việc đối phó với đại dịch COVID-19 hàng ngày, họ có thể xây dựng một cơ sở để sản xuất đủ lượng vaccine sử dụng công nghệ mRNA để tiêm chủng cho toàn thế giới trong một năm, với mỗi liều có giá chỉ 2 USD.”

Việc nhà nước cần trực tiếp nắm quyền sản xuất vaccine ngừa COVID-19 càng trở nên rõ ràng hơn khi xem xét tới việc các nhà sản xuất vaccine tư nhân hầu như không có động lực tài chính để đáp ứng nhu cầu vaccine hiện nay của toàn cầu.

Một khi đại dịch được kiềm chế, nhu cầu về vaccine chắc chắn sẽ trở lại mức “bình thường” vốn thấp hơn nhiều so với hiện nay. Để giành chiến thắng trong cuộc đua chống lại đại dịch COVID-19, chúng ta phải xây dựng được các năng lực sản xuất vaccine của nhà nước ở Mỹ và các quốc gia khác. Và khi COVID-19 được kiểm soát, các cơ sở này nên được duy trì cho các đại dịch trong tương lai.

Thế giới đang rất cần việc áp dụng miễn trừ TRIPS (đối với vaccine ngừa COVID-19) và các biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo việc chuyển giao kiến thức và công nghệ sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần bắt đầu chuẩn bị cho những trường hợp đặc biệt không kém trong tương lai. Kiến thức mà sức khỏe và sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc vào đó phải được nhà nước cung cấp tài trợ và được nhà nước khai thác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục