New York, thành phố sầm uất, lung linh bậc nhất của nước Mỹ và thế giới, trong những ngày tâm dịch COVID-19, trở thành ảm đạm và tê liệt.
Diễn biến dịch bệnh quá nhanh, quá nguy hiểm lên mức "báo động đỏ." Trụ sở Liên hợp quốc tại New York cũng chính thức đóng cửa.
Chỉ có những dòng tin, trang bài, bức ảnh và phóng sự truyền hình của các phóng viên TTXVN, liên tục ghi lại toàn cảnh "những ngày không bình yên" ở New York, thì vẫn nối tiếp "chảy đều" từ tâm dịch của nước Mỹ về Hà Nội.
Và không chỉ New York hay nước Mỹ, từ Bắc Kinh (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, Jakarta (Indonesia) tới London (Anh), Rome (Italy), Moskva (Nga), rồi Pretoria (Nam Phi), Cairo (Ai Cập), Sydney (Australia) hay Mexico, Buenos Aires (Argentina)..., phóng viên TTXVN tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước nhiều tháng nay bám sát, theo đuổi, vượt qua mọi khó khăn để những dòng thông tin nóng hổi nhất, những bức ảnh, khuôn hình chất lượng nhất về tình hình dịch COVID-19 từ địa bàn, ngày đêm không ngừng đến được sớm nhất với độc giả, khán giả Việt Nam.
[Báo chí góp phần loại bỏ thông tin sai sự thật về phòng, chống dịch]
Vừa đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho chính mình và gia đình, đồng thời đảm bảo thông tin nóng từ địa bàn được thông suốt trong thời gian đại dịch - đó là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của các phóng viên TTXVN tại 30 cơ quan thường trú ngoài nước trong bối cảnh cả thế giới gồng mình chống COVID-19.
Khó khăn, thử thách là rất lớn. Nhiều nước, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Italy, Mỹ, Nga, Nam Phi.... dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhiều nơi là tâm dịch, trong tình trạng "báo động đỏ" về số người tử vong và nhiễm virus, nhiều thành phố bị phong tỏa...
Đó chưa phải là tất cả khó khăn của phóng viên TTXVN ở nước ngoài trong những ngày đại dịch.
Chuyện không mua được khẩu trang hay nước sát khuẩn là bình thường bởi thị trường một số nước hoặc "cháy hàng" hoặc không có thói quen bán những mặt hàng như vậy.
Chuyện phóng viên ra đường tác nghiệp đeo khẩu trang chống dịch rồi bị "kỳ thị" tại những nơi người dân chưa hiểu về tác dụng của khẩu trang, như phóng viên Lê Dương ở Singapore, cũng không phải hiếm.
Và khó khăn nhất là bảo đảm thông tin trong điều kiện khủng hoảng và nguy hiểm của dịch bệnh.
Chị Hải Vân từ New York chẳng thể nào quên lần nhóm phóng viên Cơ quan thường trú vừa bước chân ra đường để dẫn hiện trường về tình hình dịch bệnh thì cũng là lúc một xe cấp cứu hú còi lao tới, đỗ cách đó chỉ vài mét, các nhân viên y tế Mỹ bịt kín đồ bảo hộ khẩn trương kéo xe cáng khiêng một bệnh nhân trong tòa nhà gần đó trong tình trạng phải dùng máy trợ thở.
Cái cảm giác "mặt đối mặt" với thứ virus chết người như SARS-CoV-2 đôi khi vẫn khiến người ta lo lắng.
Anh Duy Trinh tại Moskva thì không ít lần gặp cảnh "dở khóc dở cười" khi đại dịch khiến việc tiếp xúc và phỏng vấn trực tiếp chuyên gia không thể thực hiện được, song rất nhiều người lại không sẵn sàng hoặc từ chối phỏng vấn qua video.
Nhưng có lẽ bản lĩnh của các phóng viên TTXVN là càng khó khăn càng không chấp nhận đầu hàng thực tế.
Đều đặn cập nhật thông tin, liên tục dẫn hiện trường, tiến hành phỏng vấn trực tuyến qua mọi loại hình liên lạc cho phép, số lượng tin bài, ảnh, phóng sự truyền hình của phóng viên Cơ quan thường trú ngoài nước trong thời kỳ đại dịch chẳng những không giảm mà còn tăng mạnh, đặc biệt là những thông tin, hình ảnh nóng hổi, chân thực, sống động và có sức thuyết phục cao về tình hình dịch bệnh ở các nước cũng như tình hình bà con người Việt tại các địa bàn.
Chỉ tính riêng số bài viết phân tích, tổng hợp của phóng viên toàn bộ 30 cơ quan thường trú ngoài nước về chủ đề COVID-19 trong 4 tháng (từ tháng 2 đến hết tháng 5/2020) đã lên tới gần 90 bài.
[Những nữ phóng viên và ''cuộc chiến'' ngay giữa tâm dịch COVID-19]
Kinh nghiệm tác nghiệp trong "vùng đỏ," tức những nơi có đông người đã hoặc nghi nhiễm COVID-19, là hết sức cẩn trọng, chuẩn bị kỹ mọi phương án, giả định trước các tình huống và dự phòng hướng giải quyết để vừa có thể ghi hình, chụp ảnh, làm tin hiệu quả vừa đảm bảo an toàn.
Có thể nói không quá, như chia sẻ của chị Hải Vân ở Cơ quan thường trú New York, rằng các phóng viên chuẩn bị tác nghiệp trong mùa dịch như lên "kế hoạch tác chiến."
Sau mỗi lần ra đường làm tin, dẫn hiện trường, trở về trụ sở, ngoài việc nhanh chóng có tin bài, hình, ảnh gửi về nhà, phóng viên lại phải khử trùng máy móc, để toàn bộ đồ đạc, quần áo, găng tay, khẩu trang ở bên ngoài nhà...
Dịch COVID-19 không phải lần đầu tiên các phóng viên Cơ quan thường trú ngoài nước của TTXVN tác nghiệp trong "điều kiện khủng hoảng."
Còn nhớ năm 2015, khủng bố là câu chuyện của châu Âu, mà nước Pháp là tâm điểm.
Từ vụ thảm sát ngày 7/1 ngay tại trung tâm Paris nhằm vào tòa báo Charlie Hebdo, tiếp đó là loạt vụ tấn công làm 17 người thiệt mạng và kết thúc năm bằng thảm kịch đẫm máu tối 13/11, các tay súng cực đoan gần như đồng thời tấn công tại 6 địa điểm ở thủ đô Paris và vùng ngoại ô Saint-Dennis khiến 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương.
Vào thời điểm đó, việc vừa có thông tin nhanh, cập nhật liên tục từ hiện trường, phỏng vấn nhân chứng, cảnh sát, vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho cả êkíp cùng các thiết bị máy móc..., là điều không hề đơn giản.
Tuy nhiên, chỉ với 3 phóng viên, 1 người ở nhà trực tin, 2 người lập tức có mặt tại hiện trường, nhóm 3 phóng viên TTXVN tại Paris đã gửi về những thước phim, bức ảnh và dòng tin gần như tường thuật trực tiếp tại khu vực nhà hát Batalan, nơi xảy ra vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử các vụ khủng bố tại nước Pháp.
Bên cạnh đó là hàng loạt thông tin chính xác và nhanh nhất, nhờ trao đổi với các đồng nghiệp quốc tế, cập nhật từ các hãng truyền thông sở tại tới liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để nắm được tình hình người Việt trong vụ khủng bố, tất cả đã được phóng viên TTXVN kịp thời phát về.
Cũng chính trong đêm 13/11 rạng ngày 14/11 đầy kinh hoàng đó của Paris, liên tiếp hai bài viết phân tích tổng hợp: "Nước Pháp tiếp tục bị thách thức, nhưng không run sợ" và "Cuộc chiến không khoan nhượng" của nhóm phóng viên TTXVN tại Paris đã thành hình và kịp đăng tải ngay trong ngày.
Nhớ lại sự kiện ấy, chị Phạm Bích Hà, thời điểm đó là trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Paris, nay đã nghỉ hưu, vẫn không khỏi bồi hồi xúc động.
Bởi sáng 14/11/2015, khi xem lại đoạn băng ghi cảnh phóng viên TTXVN đứng bên đường tường thuật các vụ tấn công trong ánh đèn ôtô loang loáng làm mọi người lóa mắt, trong tiếng còi hú của hàng trăm xe cảnh sát, xe cứu thương, các anh chị mới hiểu nhóm tác nghiệp hiện trường đã ở trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, phản ứng mau lẹ, khẩn trương, kỹ năng xử lý thông tin bài bản cùng sự phối hợp "hiệp đồng tác chiến" nhịp nhàng của các phóng viên TTXVN trong thời khắc đó đã đem tới cho khán giả những cảm xúc mạnh, gây hiệu ứng thông tin tốt đối với một "sự kiện nóng" đang thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng quốc tế.
Câu chuyện tác nghiệp từ những "điểm nóng" khủng bố hay dịch bệnh của các phóng viên TTXVN hoạt động ở nước ngoài vẫn tiếp tục nối dài, bởi bước chân của họ đã, đang và sẽ còn đi tới nhiều vùng đất mới, phản ánh những thông tin nhanh chóng, chính xác, chân thực nhất.
Như lời chị Bích Hà, sự nhiệt tình, lòng yêu nghề, tinh thần dấn thân, hăng say của những người phóng viên TTXVN đang tác nghiệp tại địa bàn ngoài nước - đó có lẽ luôn là những "trụ đỡ" để họ vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhất, vững vàng trong mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ./.