Chúng tôi đến Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga (VRB) vào một ngày đầu Thu. Mặc dù chưa một lần gặp mặt nhưng ông Đoàn Minh Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng liên doanh Việt-Nga kiêm Bí thư Đảng ủy và chị Thang Thị Hồng Nhung, Phó trưởng phòng Ban Pháp chế của ngân hàng tiếp chúng tôi ân cần, cởi mở như đã từng gặp từ lâu.
Biết chúng tôi tìm hiểu vấn đề liên quan đến phát triển Đảng trong các doanh nghiệp liên doanh, ông Tiến giới thiệu luôn Nhung là người năng nổ, nhiệt tình và hiện làm Đảng ủy viên trong Ban chấp hành Đảng ủy của ngân hàng.
“Mặc dù còn ít tuổi nhưng Nhung đã có những đóng góp to lớn trong phát triển Đảng ở ngân hàng,” ông Tiến chia sẻ.
Ông Tiến cho biết thêm, Nhung vào làm việc tại Ngân hàng Việt-Nga từ năm 2008 đến nay. Tại nơi làm việc Nhung đã phát huy được khả năng của mình, tích cực tham gia vào công tác của ngân hàng, đầu tư vào công tác chuyên môn để nâng cao năng lực trong công việc. Chính vì vậy, Nhung được kết nạp vào Đảng năm 2012.
Gặp đúng người cần tìm, chúng tôi đã nhanh chóng có cuộc trò chuyện với Nhung và được biết Nhung là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng.
Cô gái này đã đỗ Đại học Luật năm 2001 và 1 năm sau thì được nhà trường cử đi học tại Nga theo diện học bổng của Nhà nước vào tháng 9/2002 và tốt nghiệp năm 2008. Khi về nước Nhung mong muốn được làm việc trong môi trường có sử dụng tiếng Nga trong công việc để không bị uổng phí 6 năm học và Nhung đã làm việc tại Ngân hàng Việt-Nga từ năm 2008 đến nay.
“Khi được kết nạp vào Đảng, em thấy đây là điều kiện rất thuận lợi cho mình như được tiếp cận những đường lối chính sách của Đảng, từ đó để biết là cần phải vận dụng như thế nào trong công việc và trong cuộc sống,” Nhung chia sẻ.
Nhung cho biết, cô đã được phân công trong công tác Đảng vụ nên có điều kiện để cọ sát hơn và mới biết được quy trình kết nạp Đảng như thế nào, chuyển Đảng, chuyển sinh hoạt Đảng cho các đồng nghiệp. Khi đọc văn bản thì thấy bình thường nhưng khi làm thực tế thì mới biết hết được quy trình.
Nhung cũng đang nỗ lực tập trung phát triển Đảng cho các đồng nghiệp trong liên doanh, phấn đấu mỗi năm có thêm một Đảng viên dự bị.
Người thứ hai chúng tôi có dịp tiếp xúc là Cao Thị Hà Thanh, Phó trưởng phòng Ban quản lý rủi ro. Thanh là người nhanh nhẹn, hoạt bát ăn nói lưu loát và rất có duyên.
Thanh đã được kết nạp vào Đảng khoảng hơn 1 năm nhưng đến giờ cô vẫn xúc động khi nghĩ về giờ phút thiêng liêng đứng trước lá cờ đỏ sao vàng đọc lời tuyên thệ.
“Đến giờ này em vẫn còn xúc động và run khi đứng trước lá cờ Đảng và giơ tay tuyên thệ. Khi tuyên thệ xong em thấy mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn trong công việc cũng như trong gia đình và với cả những người xung quanh,” Thanh tâm sự.
Thanh nhớ lại hồi mới vào ngân hàng, cảm nhận đầu tiên ở ngân hàng này là có lực lượng trẻ nòng cốt luôn tiên phong trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động nghiệp vụ. Lãnh đạo ngân hàng luôn tạo điều kiện để các đoàn viên trẻ có cơ hội sáng tạo, đưa ra những sáng kiến rút ngắn thời gian quy trình, quy chế, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Thanh cho biết: “Chúng em mới hoàn thành được hai dự án rất quan trọng đó là dự án về Internet Banking cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Hai dự án này đã được chính cán bộ trẻ của ngân hàng đảm nhiệm và đã đem lại lợi ích lớn của hoạt động kinh doanh của ngân hàng.”
Để dẫn dắt các bạn đoàn viên cùng có chí hướng phấn đầu vào Đảng và thấm nhuần tư tưởng của Đảng, Thanh mong muốn được chia sẻ với các bạn, rằng Đảng không phải là cái gì đó xa vời mà thể hiện ngay trong các hoạt động hàng ngày của chúng ta, trong cách giao tiếp và trong công việc.
Thanh cũng có mong muốn hướng các bạn trẻ trong ngân hàng đến với các hoạt động tập thể vì cô cho rằng đây là sân chơi giúp các bạn ấy thể hiện bản lĩnh của mình, cũng như đưa ra được những sáng kiến, ý tưởng chung.
Ông Tiến cho biết, để có những đảng viên ưu tú như Nhung, Thanh và những bạn khác lãnh đạo ngân hàng đã rất vất vả để vận động các bạn trẻ vào Đảng.
Theo ông Tiến, không phải vì các bạn trẻ không mặn mà mà là do tính chất công việc của một liên doanh. Mọi người đều có tâm lý chung là đã xác định làm cho các công ty nước ngoài và liên doanh thì cứ ở đâu lương cao và đãi ngộ tốt thì họ làm, có thể nay công ty này, ngày mai đã làm ở công ty khác. Chính vì vậy, áp lực lớn của các nhân viên là họ sợ vào Đảng sẻ ảnh hưởng đến công việc, gia đình vì phải dành thời gian sinh hoạt chi bộ…
Ngoài ra, đảng phí cũng là một vấn đề ở đây, thường thì ở các công ty liên doanh các nhân viên ít khi biết thu nhập của nhau nhưng khi vào Đảng phải đóng đảng phí thì mọi người nhìn sẽ biết ngay là lương của nhân viên đó được bao nhiêu.
“Ngay cả những câu chuyện liên quan đến sử dụng các nguồn lực của liên doanh, giống như nhà nước để sinh hoạt Đảng là không có, cái đó mình phải khắc phục, tự các Đảng viên phải đóng góp về tiền của, đóng góp về thời gian để thực hiện nội dung này,” ông Tiến cho biết.
Ông Tiến lấy ví dụ, khi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, thường là sinh hoạt ngoài giờ, tầm 17-18 giờ, Đảng bộ chỉ mượn văn phòng của ngân hàng, chứ nhất quyết không ăn bớt “thời gian” trong ngày làm việc.
Kế hoạch kinh doanh hàng năm cũng được đưa ra trong Ban chấp hành và trong Đảng bộ để thảo luận nhưng quyết định cuối cùng lại thuộc về đối tác chứ không giống như các doanh nghiệp trong nước, là phần quyết định thuộc về Ban điều hành và Bí thư. Đấy cũng là một trong những khó khăn.
Mặc dù vậy, ông Tiến cũng chia sẻ thêm, phát triển Đảng ở Ngân hàng liên doanh Việt-Nga có thuận lợi là được sự hậu thuẫn từ Ngân hàng "mẹ" là BIDV, khi thành lập ngân hàng này một số cán bộ chủ chốt đa số đều đã là Đảng viên được kết nạp tại BIDV. Chính vì vậy, những đảng viên ở đây đã quen với nếp sinh hoạt của BIDV vì các đơn vị liên doanh không có Đảng vụ chuyên trách mà chỉ kiêm nhiệm./.
Ngân hàng liên doanh Việt-Nga thành lập năm 2006, là ngân hàng liên doanh giữa 2 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng VTB (trước là Ngân hàng Ngoại thương Nga Vneshtorgbank).Vốn điều lệ của VRB đã tăng từ 10 triệu USD khi mới thành lập lên 30 triệu USD năm 2007, 62,5 triệu USD năm 2008 và 168,5 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng Việt Nam) vào đầu năm 2011 cho đến nay. Sau gần 10 năm hoạt động ổn định và kinh doanh hiệu quả, bằng những sản phẩm, dịch vụ của mình (đặc biệt là dịch vụ thanh toán song phương Việt – Nga) VRB được đánh giá là tổ chức tài chính trung gian vô cùng quan trọng trong việc kết nối, thúc đẩy hoạt động đầu tư của các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của Việt Nam với Liên bang Nga, các nước thuộc khối SNG cũng như các nước thuộc liên minh kinh tế Á Âu. Phục vụ tốt nhất cho cá nhân và cộng động doanh nghiệp, doanh nhân các nước với những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có chất lượng cao, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính đến thời điểm này Đảng bộ của Ngân hàng liên doanh Việt-Nga có 7 chi bộ trực thuộc với 67 Đảng viên.