Theo trang mạng foreignaffairs.com, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia đã khiến cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ bàn tán xôn xao.
Một số phản ứng, bao gồm cả các chính trị gia có ảnh hưởng của Đảng Dân chủ, là hoàn toàn tiêu cực.
Hạ nghị sỹ Dân chủ Adam Schiff nói: “Cho đến khi Saudi Arabia có sự thay đổi triệt để về nhân quyền, tôi không muốn làm bất cứ điều gì liên quan đến ông ấy,” ám chỉ tới Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, còn được gọi tắt là MBS.
Tuy nhiên, những người bảo vệ quyết định của Biden công du tới Saudi Arabia lại lập luận rằng lợi ích của Mỹ và thực tế quyền lực ở Trung Đông đòi hỏi Mỹ phải có mối quan hệ chiến lược với Saudi Arabia, bất chấp thành tích kém cỏi của nước này về nhân quyền và dân chủ.
Mức độ bất đồng và tranh cãi này là đáng chú ý và bất thường bởi vì các tổng thống Mỹ đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Saudi Arabia thường xuyên kể từ những năm 1970 - và đôi khi trước đó.
Tuy nhiên, chính quyền Biden đã báo hiệu rõ rằng họ sẽ đối xử với Saudi Arabia khác với các chính quyền trước đây.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ bắt Saudi Arabia phải “trả giá” cho vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vào năm 2018, việc Saudi Arabia tham gia vào cuộc chiến ở Yemen và sẽ coi họ là “kẻ bị cô lập.”
Sau khi nhậm chức, ông Biden đã cho phép công bố một báo cáo tình báo của Mỹ cho rằng MBS chịu trách nhiệm về vụ sát hại Khashoggi do các đặc vụ Saudi Arabia tiến hành trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Ông Biden đã từ chối liên hệ trực tiếp với Thái tử Mohammed bin Salman và có động thái chọc giận người Saudi Arabia, bao gồm cả hủy bỏ việc chính thức xác định người Houthis (đối thủ của Saudi Arabia ở Yemen) là khủng bố, rút các khẩu đội phòng không của Mỹ khỏi Saudi Arabia và bắt đầu lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Vì vậy, chuyến thăm của ông Biden đến Riyadh thể hiện một sự đảo ngược và nhượng bộ của một vị tổng thống đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề chính trị ở quê nhà.
Đầu năm nay, trang Foreign Affairs đã đăng bài bình luận rằng chính sách của Mỹ ở Trung Đông nên ưu tiên trật tự hơn các mục tiêu khác, có nghĩa là phải can dự với các chế độ và nhà lãnh đạo phạm tội nếu điều đó phục vụ lợi ích của Mỹ.
Việc can dự trở lại với Saudi Arabia phù hợp với chương trình nghị sự này. Mặc dù chuyến thăm của Tổng thống Biden có thể không phù hợp với những lời hùng biện và tuyên bố trước đó của ông, nhưng nó sẽ giúp điều chỉnh một mối quan hệ mà nếu được vận hành chính xác thì có thể giúp ổn định thị trường dầu thế giới, kéo dài thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc nội chiến Yemen và kiềm chế tham vọng của Iran.
Sự thay đổi
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden ít nhất đã phần nào sẵn sàng ưu tiên cho trật tự ở Trung Đông hơn các mục tiêu khác, chẳng hạn như bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy dân chủ.
Cuối cùng, ông Biden đã mở lại các cuộc đàm phán với Iran (do người châu Âu làm trung gian) về việc khôi phục Kế hoạch Hành động chung Toàn diện, vốn đã thành công trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran dưới thời chính quyền Barack Obama.
[Mỹ đặt mục tiêu tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Saudi Arabia]
Khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, Iran đã nối lại chương trình hạt nhân và từ đó đã tiến gần hơn đến khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.
Chính quyền Tổng thống Biden đã sẵn sàng gác lại một danh sách dài các vấn đề với Tehran - bao gồm sự ủng hộ của nước này đối với các tổ chức khủng bố và chế độ tàn bạo của Bashar al-Assad ở Syria, cũng như kho vũ khí tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của nước này - để cố gắng ngăn chặn hoặc làm chậm tiến độ chương trình hạt nhân của Iran.
Không điều gì có khả năng dẫn đến gia tăng xung đột và bất ổn trong khu vực hơn viễn cảnh về năng lực vũ khí hạt nhân của Iran.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Saudi Arabia là một bước tiến nữa để đạt được trật tự và ổn định.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn thị trường năng lượng thế giới, vai trò là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất của Riyadh tiếp tục có ý nghĩa quan trọng.
Đơn hàng trên thị trường dầu mỏ đòi hỏi người Saudi Arabia phải sử dụng năng lực sản xuất của họ để bù đắp ít nhất một phần nguồn cung bị mất từ Nga do các lệnh trừng phạt.
Được thúc đẩy một phần nhờ Hiệp định Abraham của chính quyền ông Trump, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab, Saudi Arabia đã bắt đầu thăm dò việc tiếp cận với Israel, một diễn biến cũng sẽ góp phần tạo nên một khu vực Trung Đông có trật tự và dễ đoán định hơn.
Việc đạt được những lợi ích cụ thể này của Mỹ sẽ biện minh cho việc không nhấn mạnh những phản đối của ông Biden đối với việc vi phạm nhân quyền của Saudi Arabia và giảm căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Sự thay đổi này đã mang lại lợi ích. Việc ngừng bắn trong cuộc nội chiến Yemen, một phần là kết quả của chính sách ngoại giao của Mỹ với Saudi Arabia, đã được gia hạn thêm hai tháng hồi tháng Sáu vừa qua. Saudi Arabia cũng đã đồng ý đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng dầu trong mùa Hè.
Không chỉ chính quyền Biden đang gạt các mục tiêu ý thức hệ sang một bên để tìm kiếm một Trung Đông trật tự hơn, mà các chính phủ trong khu vực cũng vậy.
Những tháng gần đây, Saudi Arabia và Iran đã tiến hành một loạt cuộc đàm phán song phương do chính phủ Iraq làm trung gian.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã tái can dự trực tiếp với Iran. Thời gian qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai chỉ trích MBS về vụ sát hại Khashoggi và đã tìm cách thách thức sự lãnh đạo của Saudi Arabia đối với các quốc gia Arab thuộc dòng Sunni ở Trung Đông một cách rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/2022, Erdogan đã tiếp Thái tử Mohammed bin Salman ở Ankara.
Trong một động thái gây tranh cãi hơn, ít nhất là từ quan điểm của Mỹ, chính phủ UAE đã đón Tổng thống Syria vào tháng Ba, sau khi ủng hộ cuộc nổi dậy chống lại ông trong nhiều năm.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Assad tới một nước Arab kể từ khi nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011.
Không có diễn biến nào trong số này mở ra triển vọng hòa bình khu vực. Cơ hội xảy ra xung đột trên một số trục như Iran-Israel, Iran-Saudi Arabia, Israel-Lebanon, Syria-Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia-Yemen... vẫn còn cao.
Tuy nhiên, các bước tiến tới việc thiết lập lại quan hệ hữu nghị cho thấy các nhà lãnh đạo khu vực đang bắt đầu xem xét lại cái giá phải trả của sự bất ổn và lợi ích của trật tự. Ngành ngoại giao Mỹ nên khuyến khích và tham gia vào xu hướng này.
Quay lại lộ trình
Nền tảng của mối quan hệ đôi khi khó khăn, mang tính giao dịch rõ ràng nhưng cùng có lợi giữa Mỹ và Saudi Arabia đã bị xói mòn trong 3 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ gần đây nhất.
Sự kết hợp của việc tăng sản lượng năng lượng của Mỹ, giá dầu thấp trong nửa cuối những năm 2010 và mối lo ngại về biến đổi khí hậu đã khiến nhiều người ở Mỹ kết luận rằng Saudi Arabia và dầu của nước này không còn quan trọng nữa.
Các Tổng thống Obama, Trump và Biden đều đã vận động cho việc chuyển hướng chính sách đối ngoại của Mỹ khỏi Trung Đông. Sự lo sợ của giới lãnh đạo Saudi Arabia về việc Mỹ “rút” khỏi Trung Đông mang tính cường điệu, nếu tính đến sự hiện diện chính trị và quân sự liên tục của Mỹ trong khu vực, nhưng cảm giác này là có thật.
Về phía Mỹ, sự ủng hộ công khai của ông Trump đối với MBS đã đẩy mối quan hệ này vào một nền chính trị đảng phái phân cực; Các đảng viên Dân chủ hiện ngày càng coi Saudi Arabia đứng về phe Cộng hòa.
Sự tham gia của ông Trump vào chính trị nội bộ của Saudi Arabia, khuyến khích sự thăng tiến của Thái tử Mohammed bin Salman, là không phù hợp và không cần thiết.
Khi Jared Kushner, con rể và cố vấn chính sách chủ chốt của ông Trump, và Steve Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính của ông Trump, kêu gọi các khoản đầu tư của Saudi Arabia vào các quỹ đầu cơ của họ ngay sau khi rời nhiệm sở, điều đó đã tạo ra ấn tượng về sự hoán đổi.
Saudi Arabia đáng phải chịu một phần trách nhiệm về điều này và cần thay đổi cách tiếp cận của họ với Washington để đưa mối quan hệ trở lại trên cơ sở lưỡng đảng vững chắc hơn.
Việc ông Biden quyết định "làm lành" với Thái tử Saudi Arabia là một phản ứng cần thiết và dễ hiểu đối với tình hình thế giới trong bối cảnh hiện nay: không chỉ nền chính trị thất thường ở Trung Đông mà còn là sự gián đoạn toàn cầu do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đây là một sự thừa nhận rằng để đạt được phần nào trật tự ở khu vực Trung Đông thì cần phải can dự với lãnh đạo các quốc gia tương đối ổn định và có ảnh hưởng bên ngoài biên giới.
Những người lãnh đạo như vậy có thể được tìm thấy ở Ai Cập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí cả Syria. Và chắc chắn, họ cũng có thể được tìm thấy ở Saudi Arabia./.