Những bất đồng trong mối quan hệ giữa Pháp và Trung Quốc

Ngoài sự can dự lẫn nhau, một số phát triển chiến lược-chính trị trong khu vực và quốc tế là các lý do giải thích sự bất đồng đang diễn ra của quan hệ Trung-Pháp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc gặp tại Paris hồi thangs3/2019 (Ảnh: EPA/EFE)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc gặp tại Paris hồi thangs3/2019 (Ảnh: EPA/EFE)

Pháp và Trung Quốc muốn tận hưởng thành quả của hợp tác kinh tế, song sự khác biệt rõ rệt về thế giới quan, quan điểm chính trị và giá trị toàn cầu đang làm nảy sinh xung đột ngoại giao và xung đột lợi ích giữa hai nước.

Phóng viên TTXVN tại Sydney khai thác bài phân tích về mối quan hệ Pháp-Trung của tác giả Jelvin Jose đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA).

Nghị quyết yêu cầu một cuộc điều tra độc lập liên quan đến nguồn gốc đại dịch COVID-19 tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) đã được hơn 122 quốc gia ủng hộ cho thấy một ngày đen tối trong lịch sử ngoại giao của Trung Quốc.

Pháp là một trong những quốc gia đi đầu trong chiến dịch này, cáo buộc Trung Quốc về những sai phạm trong xử lý thông tin liên quan đến dịch bệnh khi mới bùng phát.

Đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bước vào cuộc đối đầu với Bắc Kinh, trực tiếp quy trách nhiệm cho Trung Quốc góp phần khiến cho đại dịch bùng phát trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Paris đã mở rộng sự hỗ trợ không ngừng cho New Delhi trong cuộc xung đột biên giới với Bắc Kinh. Đồng thời, Bắc Kinh và Paris đã một lần nữa thể hiện sự đối đầu đối với nguồn cung cấp quốc phòng của Pháp cho vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Ngoài sự can dự lẫn nhau, một số phát triển chiến lược-chính trị trong khu vực và quốc tế là các lý do giải thích quỹ đạo đang diễn ra của quan hệ Trung-Pháp.

Một loạt các yếu tố, bao gồm quan điểm hệ tư tưởng, tầm nhìn toàn cầu, hệ thống giá trị, sự liên kết chiến lược và tương tác kinh tế, quyết định sự tương tác giữa hai quốc gia.

Phạm vi và tương lai của quan hệ Trung-Pháp cần được đánh giá trong bối cảnh mới đang diễn ra này.

Tương tác Trung-Pháp

Mối quan hệ lịch sử hai nước bắt đầu từ cuối thế kỷ 17 giữa Hoàng đế Khang Hy của Trung Quốc và Vua Louis XIV của Pháp. Quan hệ ngoại giao chính thức được thiết lập giữa hai nước là từ ngày 27/01/1964.

Đối thoại chiến lược giữa Paris và Bắc Kinh đã được khởi động vào năm 2001 và các vấn đề như biến đổi khí hậu, sự phát triển trong khu vực và quản trị toàn cầu đã được giải quyết.

Sau đó, vào năm 2004, mối quan hệ chung được nâng cấp lên thành “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn cầu.

Tương tự, Đối thoại Kinh tế và Tài chính Cấp cao giữa lãnh đạo hai nước bắt đầu vào năm 2013 để thảo luận về các mối quan tâm kinh tế.

Năm 2017, Pháp và Trung Quốc đã tham gia một cơ chế song phương bổ sung được gọi là Đối thoại Cấp cao về Trao đổi Con người để thúc đẩy quan hệ đối tác văn hóa và khoa học giữa hai quốc gia.

Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc vào tháng 11/2013.

Trong chuyến thăm này, Công ty Tổ chức Vật tư Hàng không Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận mua 18 máy bay A330 và 42 máy bay A320 từ hãng Airbus của châu Âu.

Tổng thống Hollande và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký kết 18 thỏa thuận trao đổi để hợp tác lẫn nhau và tập đoàn năng lượng nhà nước EDF của Pháp đã bắt tay cùng với Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc để thực hiện dự án điện hạt nhân Hinkley tại Anh vào năm 2016.

Vào tháng 11/2015, Tổng thống Hollande có chuyến thăm song phương chính thức lần thứ hai đến Bắc Kinh ở thời điểm chỉ vài tháng trước khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu quan trọng được ký kết.

Tổng thống Pháp đã kêu gọi sự ủng hộ của Bắc Kinh, quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, để hiện thực hóa nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã có những phản ứng tích cực với lời kêu gọi hành động của ông Hollande.

Sau đó, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron, trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2019, đã bắt tay với Bắc Kinh để chống lại lập trường của Washington về Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thương mại mở.

[Trung Quốc và Pháp tổ chức Đối thoại chiến lược lần thứ 20]

Phát biểu tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc tổ chức ở Thượng Hải, ông Macron tuyên bố rằng không ai là người thắng trong cuộc chiến thương mại, đồng thời cũng đưa ra những chỉ trích các biện pháp bảo hộ thương mại.

Tổng thống Emmanuel Macron đã ghi được một thắng lợi ngoại giao đáng kể, khi ký kết được hợp đồng trị giá 34 tỷ USD cho phép hãng Airbus cung cấp 300 máy bay cho ngành hàng không Trung Quốc.

Những bất đồng trong mối quan hệ giữa Pháp và Trung Quốc ảnh 1Quốc kỳ Trung Quốc và quốc kỳ Pháp. (Nguồn: gouvernement.fr)

Ngoài ra, Trung Quốc và Pháp đã hợp tác nghiên cứu và phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không vũ trụ và các bệnh truyền nhiễm.

Thương mại song phương Pháp-Trung đạt giá trị 11,5 tỷ USD vào năm 2000 và hiện tại đã vượt trên 62 tỷ USD. Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn thứ bảy của Pháp.

Hàng xuất khẩu của Pháp chiếm 1,4% thị phần của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc là nguồn nhập khẩu quan trọng thứ hai của Pháp.

Có sự bất cân xứng lớn trong thương mại song phương khi Trung Quốc sở hữu thặng dư hơn 32 tỷ USD.

Những xúc tác trong mối quan hệ song phương

Trung Quốc và Pháp có những bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề quan trọng khác nhau, mặc dù có sự hợp tác trên nhiều mặt.

Paris đã bán các tàu khu trục nhỏ lớp La Fayette vào năm 1991 và 60 chiếc Mirage 2000-5 vào năm 1992 theo yêu cầu của Chính quyền Đài Loan.

Chính phủ Trung Quốc coi hành động này là vi phạm nghiêm trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này và đã ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Pháp tại Quảng Châu.

Sự bất đồng đã được hàn gắn sau khi chính quyền Pháp cam kết hạn chế các tập đoàn quốc phòng của Pháp cung cấp vũ khí cho Đài Loan vào năm 1994.

Tuy nhiên, tranh cãi về nguồn cung vũ khí đã bùng phát trở lại trong môi trường hiện tại, khi Paris đã quyết định tiến hành các kế hoạch hỗ trợ Đài Loan trong việc đổi mới hệ thống gây nhiễu tên lửa trên các tàu của Pháp mà Đài Loan đã mua vào năm 1991.

Theo thỏa thuận mới, Đài Loan sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa DAGAIE với giá 26,8 triệu USD từ công ty quốc phòng Pháp DCI-DESCO.

Bắc Kinh đã nêu rõ quan điểm phản đối của mình, khẳng định điều này là vi phạm Nguyên tắc Một Trung Quốc, trong đó thỏa thuận này là điều kiện chính để các nước duy trì quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Paris đã làm rõ việc không muốn vi phạm thỏa thuận này mà cho rằng họ chỉ thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán vũ khí đã ký với Đài Loan.

Vào tháng 7/2020, theo báo cáo của Cơ quan An ninh mạng Quốc gia Pháp (ANSSI), thay vì cấm hoàn toàn “người khổng lồ” công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei, các nhà chức trách Pháp đã đưa ra yêu cầu buộc các nhà viễn thông trong nước tránh sử dụng thiết bị Huawei.

Quyết định này có sự khác biệt với quyết định cấm hoàn toàn Huawei của Anh và Australia.

Xương sống thực sự của mối quan hệ song phương Pháp-Trung là hợp tác và gắn kết kinh tế.

Cho đến nay, khía cạnh văn hóa trong trao đổi song phương vẫn chưa được phát triển rộng rãi.

Bất chấp sự liên kết chính trị khác biệt và tầm nhìn toàn cầu khác nhau, Paris và Bắc Kinh vẫn muốn tận hưởng thành quả của sự hợp tác kinh tế.

Trong khi Paris không muốn tham gia vào một cuộc chiến toàn diện với Bắc Kinh, sự khác biệt rõ rệt về thế giới quan, quan điểm chính trị và giá trị toàn cầu giữa cả hai quốc gia đã làm nảy sinh xung đột ngoại giao và xung đột lợi ích.

Mối quan hệ chiến lược Đài Loan-Pháp là sự vi phạm các khuôn khổ chính sách cơ bản của Bắc Kinh. Hơn nữa, sự liên kết chính trị và chiến lược của cả hai quốc gia phần lớn khác biệt với nhau.

Hợp tác quốc phòng ngày càng tăng của Pháp với Ấn Độ và Đài Loan đối lập với lợi ích khu vực của Trung Quốc.

Những mâu thuẫn chiến lược và ý thức hệ này sẽ còn cản trở phạm vi quan hệ đối tác Pháp-Trung vượt quá một giới hạn cụ thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục