Nằm trong khu vực rừng quốc gia Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương là nơi chăm sóc, cứu hộ và chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam để trả chúng về với môi trường sống tự nhiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tâm có khoảng 50 chuồng nuôi và 2 khu vực bán hoang dã của 14 loài, với số lượng 178 cá thể. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tâm đang là nơi làm việc của 29 cán bộ, nhân viên với nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các cá thể linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây, trong đó có những loài rất đặc biệt như Voọc chà vá chân nâu được tôn vinh là 'nữ hoàng' của các loài thú linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Trần Quang Phương, điều phối viên Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam cho biết với diện tích 3,5 ha, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương sẽ giúp các loài được sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã được lực lượng kiểm lâm bắt giữ, có nhiều cá thể đang trong tình trạng bị thương tích rất nặng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dù vậy, chỉ sau một thời gian được chăm sóc, hầu hết các cá thể linh trưởng đã dần phục hồi sức khỏe. Mỗi loài có một đặc tính khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là rất thân thiện với những 'bảo mẫu' của mình - đó là các cán bộ thú y ngày đêm chăm chút cho chúng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thức ăn của linh trưởng là các loại lá cây có vị đắng, chát, có nhựa như vả, sung, phượng, nhãn… (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi ngày, số linh trưởng ở đây ăn từ 300-400 kg lá, thuộc hơn 100 loài cây. Nguồn thức ăn này được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái. Vườn thực vật, vườn ươm với hơn 360 loài, là nơi bảo tồn các nguồn gen thực vật quý hiếm của rừng Cúc Phương và Việt Nam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)h
Trước 8 giờ mỗi ngày, các nhân viên thú y phải dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho các loài linh trưởng. Thực đơn và khẩu phần được ghi rõ và đầy đủ.
Để góp phần bảo tồn nguồn gene cho các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, những cán bộ thú y đã tự nguyện bỏ phố vào rừng sinh sống để làm công việc của người 'bảo mẫu' chăm sóc, hồi sinh sự sống cho các loài linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Phương cho biết những loài linh trưởng ở đây được cho ăn theo một cách rất đặc biệt. Đồ ăn được để vào những quả bóng, hốc cây để loài linh trưởng học cách tìm được đồ ăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các loài linh trưởng đang được quản lý và chăm sóc, theo dõi sức khỏe bởi hơn 29 nhân viên thú y, cán bộ kỹ thuật và chuyên gia nghiên cứu người nước ngoài. Trong số đó, có những người đã gắn bó 28 năm, cũng có những bạn trẻ vừa ra trường mới vào trung tâm được 4-5 tháng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung là đều làm công việc của người 'bảo mẫu' và dành tình yêu đặc biệt cho các loài thú linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đây được coi là nơi 'tập huấn' cho các loài linh trưởng trước khi được thả về với tự nhiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các loài linh trưởng sẽ phải tự tìm, tự lấy đồ ăn theo bản năng trước khi chúng được về với tự nhiên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Đỗ Đăng Khoa, một trong những 'bảo mẫu' thổ lộ gần 13 năm gắn bó với Trung tâm, điều khiến anh tự hào là đã được nhìn thấy sự hồi sinh của các loài linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
'Bao năm qua, cứ mỗi sáng sớm thức dậy, nhìn các bạn ấy vui chơi, phát triển khỏe mạnh là bao nhiêu lo âu, mệt mỏi trong người tan biến hết,' anh Khoa chia sẻ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu không có tình yêu thiên nhiên thực sự, những cán bộ ở đây không thể tận tụy với công việc đồng thời góp phần bảo tồn những loài thú quý hiếm, đưa chúng trở về với cuộc sống tự nhiên vốn có. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công việc của những 'bảo mẫu' nơi đây có thể nói rất vất vả khi vừa phải chuẩn bị đồ ăn cho các loài linh trưởng đồng thời chăm sóc, kiểm tra tình hình sức khỏe thường xuyên. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Mỗi loài linh trưởng lại có một thực đơn khác nhau, chính vì vậy việc lên thực đơn mỗi ngày cho các loài là việc không hề dễ dàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nếu Vườn quốc gia Cúc Phương được đánh giá là một trong những vườn thực vật tầm cỡ của thế giới, thì Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương đang trở thành một trong những nơi cứu hộ và nuôi dưỡng động vật hoang dã lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sau bữa ăn, các nhân viên lại đi đến từng khu chăm sóc kiểm tra tình hình sức khỏe của động vật, làm vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho các loài thú. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thường thì công việc kết thúc vào lúc 18 giờ, nhưng có nhiều hôm các các bộ nhân viên phải thức trắng đêm để chăm sóc các cá thể bị bệnh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công việc hàng ngày các cán bộ nhân viên tại đây gồm chuẩn bị đồ ăn, chia khẩu phần thức ăn và quét dọn chuồng trại, tắm rửa cho linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều năm nay, Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tới đây, du khách được ngắm nhìn vẻ đẹp của các loài thú linh trưởng đang bị đe dọa bởi nạn săn bắt và thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)