Những bài học từ cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka

Việc đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka đối với các khoản vay của Trung Quốc không chỉ sai mà còn ngăn cản việc hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của cuộc khủng hoảng hiện tại.
Những bài học từ cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka ảnh 1Người dân Sri Lanka ngồi chờ để mua dầu. (Nguồn: Reuters)

Sri Lanka hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia Nam Á này giành độc lập vào năm 1948. Tuy nhiên, “khoảnh khắc của sự thật” của Sri Lanka đang mang tới bài học đắt giá cho các nước đang phát triển khác.

“Vật tế thần” của Trung Quốc?

Đây là lần đầu tiên Sri Lanka rơi vào cảnh vỡ nợ. Việc gán tình trạng khó khăn hiện tại cho “bẫy nợ” của Trung Quốc là cách tuyên truyền mới của Chiến tranh Lạnh - điều mà chúng ta chắc chắn sẽ còn nghe thấy nhiều hơn nữa.

Trong câu chuyện này, Sri Lanka là quốc gia bị mắc vào bẫy nợ do các dự án voi trắng được thúc đẩy và tài trợ bởi các khoản vay từ Trung Quốc. Trên thực tế, việc đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka đối với các khoản vay của Trung Quốc không chỉ sai mà còn ngăn cản việc hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của cuộc khủng hoảng hiện tại.

Nợ nước ngoài của Chính phủ Sri Lanka tồn đọng trong tháng 4/2021 là 35,1 tỷ USD. Những sai sót về chính sách đã làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu và doanh thu chính phủ, khiến cơ cấu nợ nước ngoài của nước này thay đổi theo hướng xấu nhất. Ngoài ra, việc đi vay từ thị trường vốn (khoảng 47%) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ không bền vững.

Xét cho cùng, việc vay nợ từ các ngân hàng phát triển đa phương, chủ yếu là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các bên cho vay song phương, chủ yếu theo các điều khoản ưu đãi, trong khi nợ từ các nguồn thương mại phải chịu lãi suất cao hơn.

Các khoản vay thương mại có xu hướng ngắn hạn hơn và tuân theo điều kiện khắt khe hơn. Khi trái phiếu chính phủ hoặc các khoản vay thương mại đến hạn, toàn bộ giá trị tài sản này phải được hoàn trả. Chi phí trả nợ bên ngoài cũng tăng theo.

[Quỹ Tiền tệ quốc tế nêu điều kiện thỏa thuận vay nợ với Sri Lanka]

Tính đến tháng 4/2021, khoảng 60% nợ của Sri Lanka có thời hạn dưới 10 năm. Tỷ trọng nợ bằng USD tăng mạnh từ 36% vào năm 2012 lên 65% vào năm 2019, khi các khoản cho vay bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn ở mức khoảng 2%.

Cùng với các khoản nợ được chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước, tổng các khoản vay từ Trung Quốc tương đương 17,2% tổng nợ công nước ngoài của Sri Lanka năm 2019. Trong khi đó, các khoản vay thương mại tăng nhanh chỉ từ 2,5% nợ nước ngoài năm 2004 lên 56,8% năm 2019.

Lãi suất thực tế đối với các khoản vay thương mại vào tháng 1/2022 là 6,6%, cao hơn gấp đôi so với các khoản nợ của Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên khi chỉ riêng khoản thanh toán lãi suất của Sri Lanka đã chiếm tới 95,4% doanh thu của chính phủ đang sụt giảm vào năm 2021.

Nguồn cơn khủng hoảng

Sau cuộc suy thoái vào năm 2001, Sri Lanka đã phục hồi trước khi tăng trưởng giảm trở lại sau năm 2012 và đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Sri Lanka cũng trải qua quá trình phi công nghiệp hóa sớm với tỷ trọng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ngành sản xuất giảm mức từ 22% của năm 1977 xuống còn 15% trong năm 2017.

Nguồn thu từ thuế của chính phủ giảm từ 18,4% GDP (1990-1992) xuống 12,7% (2017-2019) và 8,4% trong năm 2020. Doanh thu ngoài thuế - chủ yếu là cổ tức và lợi nhuận từ đầu tư công - giảm từ 2,3% trong tổng GDP năm 2000 xuống 0,9% vào năm 2015.

Tỷ lệ xuất khẩu trong tổng GDP của Sri Lanka gần như giảm một nửa từ 39% năm 2000 xuống 20% năm 2010. Lĩnh vực này bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, khiến tỷ lệ tiếp tục giảm xuống còn 17% trong năm 2020. Từ năm 2000, dòng vốn FDI vào Sri Lanka từ 1,1-1,8% trong tổng GDP, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 0,5% năm 2020.

Trong giai đoạn 2012-2019, phần Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong kho nợ của Sri Lanka đã giảm từ 28% xuống 14% khi các khoản vay tăng lên. Cuộc khủng hoảng nợ của Sri Lanka rõ ràng là do sự lựa chọn chính sách của các chính phủ kế tiếp nhau kể từ những năm 1990.

Khủng hoảng hiện hữu

Tháng 2/2022, Sri Lanka chỉ có 2,31 tỷ USD dự trữ ngoại hối để trang trải hóa đơn nhập khẩu và nghĩa vụ trả nợ 4 tỷ USD. 22 triệu người dân Sri Lanka phải đối mặt với tình trạng cắt điện (trong 12 giờ), thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác. Lạm phát ở mức cao nhất trong lịch sử là 17,5% vào tháng 2/2022 với giá thực phẩm tăng 24% từ tháng 1-2/2022. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế không phải là vấn đề mới đối với nước này.

Là nhà sản xuất hàng hóa - chủ yếu xuất khẩu chè, càphê, cao su và gia vị - thu nhập từ xuất khẩu của Sri Lanka lâu nay luôn biến động, dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài. Thu nhập ngoại hối cũng đến từ quần áo may sẵn, du lịch và kiều hối nhưng tỷ trọng của các công ty này tăng khá ít trong nhiều thập kỷ.

Kể từ năm 1965, Sri Lanka đã nhận được 16 khoản vay của IMF với các điều kiện khắt khe, mà lần gần đây nhất là vào năm 2016. Ngoài ra, các biện pháp thắt lưng buộc bụng bắt buộc đã siết chặt đầu tư công, làm tổn hại đến tăng trưởng và phúc lợi của Sri Lanka.

Hai cú sốc gần đây khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với nước này. Đầu tiên là các vụ nổ bom ở các nhà thờ và khách sạn sang trọng tại Colombo vào tháng 4/2019, làm giảm mạnh 80% lượng khách du lịch tới nước này, dẫn đến tình trạng giảm thu nhập ngoại hối.

Thứ hai, đại dịch đã gây thiệt hại không chỉ cho hoạt động kinh tế mà còn cả dự trữ ngoại hối vì thường phải trả giá độc quyền để có thể thực hiện các xét nghiệm COVID-19, phương pháp điều trị, thiết bị, vaccine và các nhu cầu khác.

Giảm thuế ồ ạt

Các chính sách dân túy theo chủ nghĩa dân tộc thiểu số của Chính phủ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - người lên nắm quyền vào năm 2019 - đã đổ thêm dầu vào lửa. Tổng thống Rajapaksa đã tìm kiếm sự ủng hộ chính trị bằng cách cắt giảm thuế đối với "tầng lớp trung lưu."

Chính phủ đã cắt giảm thuế trên diện rộng nhưng chỉ thu về 12,7% GDP trong năm 2017-2019, một trong những tỷ lệ thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình.

Thuế suất giá trị gia tăng của Sri Lanka giảm từ 15% xuống 8% trong khi ngưỡng đăng ký VAT tăng từ 1 triệu lên 25 triệu Sri Lanka rupee hàng tháng. Các loại thuế gián thu khác và hệ thống "trả tiền khi bạn kiếm được" đã bị bãi bỏ. Ngưỡng thuế thu nhập tối thiểu được nâng lên từ 500.000 Sri Lanka rupee hàng năm lên 3 triệu Sri Lanka rupee.

Thuế suất thu nhập doanh nghiệp cắt giảm từ 28% xuống 24%. Với mức giảm 33,5% về số người nộp thuế đã đăng ký (doanh nghiệp và cá nhân) từ năm 2019-2020, cơ sở thuế của Sri Lanka đã giảm xuống.

Do đó, hậu quả là có nhiều người dân được miễn thuế trực thu, làm tăng mức độ phổ biến tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế đã không thể thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng.

Vì vậy, các chính phủ Sri Lanka kế tiếp đã không thể tăng thu thuế, bóp nghẹt nguồn thu của chính phủ. Để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, Sri Lanka vay mượn ngày càng nhiều từ thị trường vốn quốc tế với lãi suất thương mại cao hơn và thời gian đáo hạn ngắn hơn. Khi chính phủ cắt giảm thuế suất và miễn hầu hết việc nộp thuế thu nhập, doanh thu của chính phủ đã giảm xuống. Do doanh thu giảm và xếp hạng tín dụng xấu đi, chính phủ đã phải đi vay nhiều hơn với lãi suất cao hơn.

Đối mặt với những hạn chế về tài chính và ngoại hối, chính phủ đã tuyên bố Sri Lanka là quốc gia 100% nông nghiệp hữu cơ vào tháng 4/2021. Việc cấm nhập khẩu phân bón - bề ngoài là để thúc đẩy canh tác “sinh thái nông nghiệp” như một phần của quá trình chuyển đổi xanh lớn hơn - đã làm gia tăng sự hiện hữu của “cơn bão khủng hoảng.”

Được ban hành vào tháng 11/2021, chính sách cắt giảm mạnh sản lượng nông nghiệp thay bằng nhập khẩu nhiều lương thực hơn trở nên cần thiết. Sản lượng chè và cao su giảm cũng làm giảm thu nhập từ xuất khẩu, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt ngoại hối.

Rõ ràng là Chính phủ Sri Lanka đã giải quyết những thách thức kinh tế mà họ phải đối mặt với các lựa chọn chính sách “dân túy”. Thay vì giải quyết các vấn đề lâu dài, Chính phủ Sri Lanka lại làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng vốn không thể tránh khỏi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục