Những bài học quý từ cách Singapore chống COVID-19 trên mạng xã hội

Các biện pháp mà chính phủ Singapore áp dụng trong việc sử dụng mạng xã hội để trấn an người dân và chống lại thông tin thất thiệt đã cho thấy những bài học quý giá.
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một tòa nhà ở Singapore. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo eurasiareview.com, hơn 60 quốc gia hiện đang đối phó với các trường hợp bệnh nghi ngờ và trường hợp bệnh xác định nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Trong đợt dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19) này, đến nay Hàn Quốc, Italy, Iran và Nhật Bản được ghi nhận là các quốc gia có số ca nghi ngờ và xác định nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất bên ngoài Trung Quốc.

Tính đến ngày 5/3, Singapore đã có 117 ca mắc COVID-19, trong đó 80 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Mặc dù chính phủ các nước đang nỗ lực chống dịch COVID-19 bằng các biện pháp y tế, song vẫn thiếu các biện pháp xử lý hành vi ác ý trên không gian mạng cũng như sử dụng hiệu quả truyền thông xã hội nhằm giảm thiểu sự hoảng loạn của người dân.

[Singapore có thể dùng khoản tiền dự trữ nếu diễn biến COVID-19 xấu đi]

Các biện pháp mà chính phủ Singapore áp dụng trong việc sử dụng mạng xã hội để trấn an người dân và chống lại thông tin thất thiệt đã cho thấy những bài học quý giá.

Khi biết tin về dịch bệnh bùng phát, phản ứng tức thì của người dân thường là rơi vào trạng thái tâm lý lo lắng và hoảng loạn. Ngay khi xuất hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp nhằm trấn an người dân thông qua việc cập nhật thường xuyên tình hình thông qua nền tảng mạng xã hội.

Khi Singapore nâng mức cảnh báo Hệ thống ứng phó bùng phát dịch bệnh (DORSCON) từ vàng lên cam - tức nguy cơ lây lan cao hơn, người dân bắt đầu đổ xô đi mua nhu yếu phẩm, giấy vệ sinh, khẩu trang và nhiệt kế.

Tuy nhiên, Chính phủ Singapore đã nhanh chóng trấn an người dân và ổn định tình hình.

Trên Instagram và Facebook, đã có rất nhiều bài viết chia sẻ về việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Luật pháp K. Shanmugam đang có mặt tại một siêu thị tại quận mua sắm Yishun Central, trấn an công chúng rằng hàng hóa vẫn được cung cấp đủ.

Trong một thông điệp bằng video, Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông báo với người dân rằng chính phủ đã chuẩn bị tốt để ứng phó và sẽ tăng cường các biện pháp y tế để đối phó với dịch COVID-19.

Do vậy, sau khi truyền thông đưa tin Singapore đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết, tình trạng hoảng loạn đổ xô đi mua hàng đã dịu bớt.

Ngoài ra, chính phủ Singapore cũng áp dụng biện pháp kiểm tra thân nhiệt tại các địa điểm tụ tập đông người như phòng tập và các quán càphê.

Một trong những cách tốt nhất để giữ liên lạc với người dân là thông qua nền tảng mạng xã hội WhatsApp.

Mạng xã hội WhatsApp thường bị chỉ trích do phát tán tin giả, đặc biệt tại các quốc gia đông dân như Ấn Độ. Tại Singapore, chính phủ sử dụng WhatsApp để thường xuyên cập nhật cho người dân biết các ca nhiễm mới, đưa tin về các biện pháp phòng tránh và sử dụng kênh truyền thông của chính phủ Gov.sg để bác bỏ tin giả.

Chẳng hạn, một tin nhắn trên WhatsApp phát đi thông tin cảnh báo người dân tránh các địa điểm có người nghi nhiễm đã lưu trú. Ngay sau đó, Gov.sg sẽ can thiệp, khẳng định thông tin đó là tin giả.

Gov.sg cũng phát đi thông báo trên Facebook rằng “không cần thiết phải tránh những nơi mà người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 đã đến” và “nguy cơ lây nhiễm từ tiếp xúc thoáng qua, như tại các địa điểm công cộng, là thấp.”

WhatsApp thường xuyên được sử dụng để gửi đi các cập nhật về cách đảm bảo vệ sinh phòng dịch và tránh lây nhiễm tại các địa điểm công cộng, bao gồm các phương tiện công cộng.

Trong đầu tháng Hai vừa qua, thông tin về việc thiếu khẩu trang y tế đã lan truyền trên mạng xã hội. Chính phủ Singapore ngay lập tức cung cấp cho mỗi hộ gia đình 4 khẩu trang miễn phí để đảm bảo việc phân phối công bằng và giải tỏa cơn khát khẩu trang trên diện rộng.

Người dân có thể theo dõi các địa điểm phát khẩu trang thông qua việc gia nhập các nhóm theo địa bàn trên ứng dụng Telegram.

Những bài học thu được từ cách ứng phó của Singapore đối với dịch COVID-19 đó là sử dụng hiệu quả mạng xã hội, cập nhật thông tin thường xuyên để giảm thiểu tình trạng bất an của người dân và giúp họ hiểu rõ tình hình.

Truyền thông cũng đã được tăng cường định hướng vào các mặt tích cực cũng như làm nổi bật nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên y tế ngay từ khi dịch bùng phát. Sau mỗi ca nhiễm mới, chính phủ cũng tập trung đưa tin về các ca đã được chữa khỏi và ra viện.

Việc cân bằng thông tin về các ca xét nghiệm dương tính và âm tính với virus cũng đóng vai trò quan trọng trong trấn an người dân trước tình hình dịch bệnh.

Bộ Sức khỏe Singapore cũng đã mời các chuyên gia để thảo luận các quy trình khử trùng và giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như cung cấp các thông tin chi tiết về cách virus lây lan để người dân nắm rõ.

Chính phủ cũng giáo dục người dân về cách nhận biết tin giả, nhanh chóng cung cấp các thông tin chi tiết về thông tin sai sự thật và chỉ rõ các nguồn thông tin đáng tin cậy cho người dân.

Chính vì vậy, các biện pháp ứng phó sáng tạo của Singapore đối với dịch COVID-19, đặc biệt trên không gian mạng, đã phát huy hiệu quả trong việc ổn định tình hình.

Đạo luật bảo vệ không gian mạng khỏi các thông tin sai trái và thổi phồng (POFMA) của Singapore được đưa ra với mục đích ngăn chặn việc phát tán thông tin sai trái, được định nghĩa là thông tin sai sự thật hoặc dẫn đến hiểu sai thông tin.

Kể từ khi được ban hành, đạo luật này đã bị chỉ trích kịch liệt do chủ yếu nhằm vào các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức phi chính phủ và lực lượng chính trị đối lập.

Trong bối cảnh việc chống tin giả trên không gian mạng toàn cầu là cần thiết, đạo luật này đã cho thấy sự nguy hiểm khi không xác định được ranh giới giữa tin tức và ý kiến.

Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, các biện pháp của Singapore nhằm chống lại sự lan truyền tin giả cho thấy vai trò cần thiết của mạng xã hội trong ổn định tình hình và cung cấp thông tin đến người dân, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lan rộng và tạo ra sự hoảng loạn tại các quốc gia khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục