Báo "Le Monde" đã đăng bài phân tích của Marie Dumoulin, Giám đốc Chương trình Liên Xô cũ, Trung Á, Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), về bài học rút ra sau những biến động tại Kazakhstan.
Marie Dumoulin cho rằng Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã bày tỏ lòng trung thành với Nga bằng cách thỉnh cầu sự giúp đỡ từ Moskva.
Ngược lại, Nga chỉ chịu rút khỏi nước láng giềng khi đã nhận được bảo đảm nào đó đối với lợi ích của mình. Nội dung bài bài viết như sau:
Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn trên các đường phố Kazakhstan, xuất phát từ việc chính phủ nước này quyết định chấm dứt trợ cấp giá dầu diesel, khiến giá cả tăng vọt tại một khu vực ở phía Tây Nam của đất nước, nơi nằm trong số những vùng giàu nhất cả nước nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong quá khứ.
Tại thành phố Janaozen, nơi mọi chuyện bắt đầu từ ngày 2/1 vừa qua, các công nhân dầu mỏ từng có một cuộc đình công kéo dài vào năm 2011 để đòi tiền lương và đã bị đàn áp đẫm máu, khiến 14 người thiệt mạng, vào đúng ngày kỷ niệm 20 năm độc lập của Kazakhstan, gây một cú sốc rất lớn cho dân chúng.
Tình hình kinh tế Kazakhstan hiện nay đang ngày càng xấu đi, đặc biệt có liên đới nhiều với cuộc khủng hoảng ở Nga, dẫn đến sự sụp đổ của đồng Tenge (đơn vị tiền tệ quốc gia của Kazakhstan) và cũng xuất phát từ sai lầm trong chiến lược xử lý đại dịch COVID-19 năm 2020-2021, khiến tăng trưởng bị giảm mạnh.
Thu nhập từ dầu mỏ chỉ mang lại lợi ích cho một số ít trong bối cảnh “siêu tham nhũng” không có hồi kết. Từ đó âm ỉ một ngọn lửa bất mãn trong lòng xã hội, đặc biệt trong tầng lớp đô thị nước này mà không phải ai cũng có thể nhận ra.
[Kazakhstan tăng cường an ninh trước nguy cơ làn sóng biểu tình mới]
Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều phong trào xã hội tuy vẫn mang tính rất cục bộ cho đến khi Kassym-Jomart Tokaev lên nắm quyền năm 2019.
Thời điểm đó, các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra với nhiều màu sắc chính trị hơn, với nhiều khẩu hiệu đòi bầu cử các thống đốc và sự ra đi của Nursultan Nazarbayev cùng những người thân cận trong phe cánh của ông. Những người biểu tình đòi tổng thống đầu tiên của đất nước này phải chấm dứt can thiệp vào bộ máy quyền lực từ hậu trường sau 30 năm nắm quyền lãnh đạo.
Từ ngày 4/1/2022, tại thành phố Almaty, những người biểu tình thuộc các thành phần đặc biệt khó khăn, nhất là từ các vùng ngoại vi, đã tham gia phong trào chống đối, điều này giải thích một phần cho nạn cướp bóc.
Nhưng cũng thấy sự xuất hiện của các nhóm tội phạm có tổ chức và có vũ trang, dù được công cụ hóa hay không, tấn công các tòa nhà chính quyền. Dù thế nào đi nữa thì đó không còn là những người biểu tình như lúc ban đầu.
Và đó cũng là lý do để Tổng thống Tokayev quy trách nhiệm cho “những phần tử khủng bố quốc tế.” Thực ra lập luận của nhà chức trách Kazakhstan cũng phần nào có cơ sở, bởi trong quá khứ đã xảy ra những vụ tấn công nhằm vào các đồn cảnh sát nhưng chưa bao giờ tìm được bằng chứng.
Sự thiếu minh bạch hoàn toàn về danh tính của các nạn nhân cũng khiến câu chuyện chưa được làm sáng tỏ. Chắc chắn tại Kazakhstan cũng tồn tại những phần tử Hồi giáo cực đoan nhưng đó chỉ là thiểu số. Thuyết âm mưu nhằm gây bất ổn cho Tokayev rốt cuộc lại cho ông cơ hội tự giải thoát mình.
Và bạo loạn kết thúc cũng là lúc để Tổng thống Kazakhstan có thể thanh lọc nội bộ. Bằng cách bắt giữ Karim Massimov (cựu Thủ tướng, sau đó là người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia), Kassym-Jomart Tokayev đã nhắm vào nhân vật biểu tượng nhất, rất gần gũi với cựu nguyên thủ quốc gia Nursultan Nazarbayev.
Với tư cách là người đứng đầu bộ máy an ninh quốc gia, Massimov hoàn toàn có thể theo Tokayev và ê kíp của ông trong chính phủ. Cho đến nay, tổng thống đương nhiệm, vốn non kém và không thực sự có kinh nghiệm về chính trị, luôn thể hiện mình là người cực kỳ trung thành với Nazarbayev.
Ông là nguyên mẫu hoàn hảo phụng sự nhà nước, là một nhà ngoại giao Liên Xô đã trải qua 8 năm công tác tại Trung Quốc trước khi đảm nhận tất cả các chức vụ, bao gồm cương vị Thủ tướng, và đến nay vẫn là một kiến trúc sư lớn của chính sách đối ngoại “đa phương” của Kazakhstan.
Tuy nhiên trước Quốc hội, ông đã từng công khai phát biểu rằng hệ thống Nazarbayev là một hệ thống tham nhũng. Các doanh nghiệp mà ông trích dẫn đều được xác định rõ ràng thuộc phe cánh của nhân vật số một Kazakhstan trước đây.
Chẳng hạn, dự án tàu điện trên cao Astana, chưa bao giờ được thực hiện và có liên quan rất nhiều đến cựu Thủ tướng Askar Mamine, hoặc công ty thu gom chất thải có liên quan đến với Alya, một trong những cô con gái của cựu tổng thống. Tuy không trực tiếp tấn công các thành viên thuộc phe cánh của người tiền nhiệm nhưng Tokayev cũng nói rõ rằng ông sẽ gạt bỏ những người này.
Tokayev là người trung thành với Nga và khi các đường phố của đất nước xảy ra bạo loạn vượt tầm kiểm soát, ông đã nhanh chóng cầu viện sự giúp đỡ từ Moskva để chứng tỏ sự trung thành của mình. Và trên tất cả, ông muốn chứng minh rằng ông vẫn nhận được sự hậu thuẫn của Moskva ở chính trường trong nước, nơi mà ông không có sự ủng hộ nào.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các binh sỹ Nga lại là một cú sốc thực sự đối với người dân Kazakhstan, và điều này có thể làm bùng phát căng thẳng giữa các sắc tộc bởi người Nga thiểu số hiện chiếm 20% dân số.
Đây là lý do giải thích tại sao Tổng thống Tokayev đã nhanh chóng đề nghị các binh sỹ Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) rút đi, bởi ông cũng không muốn "gây chuyện" với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở đất nước của mình.
Giờ là lúc ông phải đưa ra cam kết, trong đó có việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin Askar Oumarov (thân Thổ Nhĩ Kỳ), khiến Moskva rất không hài lòng. Tuy nhiên, vị bộ trưởng này đã được đi kèm với một thứ trưởng gốc Nga và trong chính phủ mới cũng có một Phó thủ tướng người gốc Nga.
Về nội tình của Kazakhstan, Vladimir Putin là người biết rất rõ Karim Massimov bởi hai người từng là thủ tướng hai nước ở cùng thời điểm.
Nhưng với việc dành sự ủng hộ cho người lên thay thế nhân vật này, Nga đã không làm suy yếu Tokayev trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Moskva sẽ phải được đổi lại bằng một cái giá nào đó, đặc biệt là liên quan đến Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU). Cần biết rằng trái với mong muốn của Nga, Nazarbayev luôn từ chối biến EEU thành một liên minh chính trị. Như vậy, Moskva đã không rút đi mà không nhận được một bảo đảm nào đó./.