Nhức nhối nạn phân biệt chủng tộc trong thế giới Arab

Hình ảnh về những người phụ nữ da màu chỉ là một trong số nhiều chủ đề được thảo luận trong thế giới Arab kể từ sau cái chết của George Floyds ở thành phố Minneapolis (Mỹ) hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Nhức nhối nạn phân biệt chủng tộc trong thế giới Arab ảnh 1Những người phụ nữ da màu gánh chịu áp lực lớn. (Nguồn: EPA/EFE)

Theo trang mạng dw.de, sau cái chết tang thương của người đàn ông da màu người Mỹ gốc Phi George Floyds ở Mỹ, phong trào vận động chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong thế giới Arab và Hồi giáo đang lên cao.

Họ muốn thay đổi xã hội của chính họ. Điều này liệu có đạt kết quả?

"Tiêu chuẩn sắc đẹp trong xã hội của chúng ta là phải có làn da trắng," nhà hoạt động xã hội người Tunisia Khawla Ksiksi - người đồng sáng lập nhóm Voices of Black tại Tunisia - đã mô tả thái độ đối với cuộc sống của nhiều phụ nữ da màu trên quốc gia Bắc Phi này.

Cô Ksiksi cho hay: "Những người phụ nữ da màu gánh chịu áp lực lớn phải làm phẳng mái tóc xoăn vốn có và làm sáng làn da của họ, để được xã hội chấp nhận và thích nghi với tiêu chuẩn chung của xã hội. Quan điểm này thường được truyền qua nhiều thế hệ trong các gia đình, chẳng hạn các bà mẹ thường khuyên con gái của họ dùng thuốc tẩy trắng da."

[Làn sóng chống phân biệt chủng tộc lan rộng trên toàn cầu]

Trên kênh truyền hình Al-Jazeera, cô Suzan Kim Otor, người Nam Sudan, nói về những kỳ vọng của nam thanh niên ở Nam Sudan: “Khi phụ nữ trẻ lập gia đình, người chồng thường mong muốn người vợ của mình có làn da sáng đẹp. Nếu một người phụ nữ trẻ không dùng thuốc tẩy trắng da, những người bạn nam sẽ nói xấu về cô ấy."

Hình ảnh về những người phụ nữ da màu chỉ là một trong số nhiều chủ đề được thảo luận trong thế giới Arab kể từ sau cái chết của George Floyds ở thành phố Minneapolis (Mỹ) hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Trong phong trào Black Lives Matter (mạng sống của người da màu cũng đáng giá), nhiều nhà hoạt động trong khu vực cũng tự chất vấn rằng, liệu trong thế giới Arab và Hồi giáo, nạn phân biệt chủng tộc đang ở mức độ nào?

Trong các cuộc thảo luận này, Eren Guevercin - nhà báo, nhà văn và là thành viên hiệp hội người Hồi giáo tại Đức Alhambra - cho hay những người Hồi giáo ở Đức đang dẫn đầu.

Ông Guevercin nói: "Trong cộng đồng người Hồi giáo tại Đức, ít nhất đang có một cuộc thảo luận nghiêm túc về vấn đề phân biệt chủng tộc."

Phát biểu trên đài truyền hình Sóng Đức (Deutsche Welle - DW) Eren Guevercin cho rằng: "Nguyên nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái và các hình thức thù ghét khác đều giống nhau trong phần lớn các trường hợp."

Người ta đã lợi dụng việc hạ thấp phẩm giá và nhân cách của người khác để thể hiện sự nổi trội của cá nhân mình. Tuy nhiên, bất kỳ ai có nhận thức và hành động như vậy không nhất thiết phải là một người có tâm địa xấu xa, họ hoàn toàn vẫn có thể là những người có "lương tâm trong sáng." Vấn đề nằm ở khía cạnh lịch sử và văn hóa.

Phân biệt chủng tộc là sản phẩm của chế độ thuộc địa

Những người có "lương tâm trong sáng" mà Eren Guevercin nói ở trên với quan điểm của họ có nguồn gốc sâu xa từ lịch sử xâm chiếm, mở mang thuộc địa của những người châu Âu, bắt đầu từ chiến dịch xâm chiếm Ai Cập của Hoàng đế Napoleon năm 1798.

Trong suốt thời kỳ thuộc địa, những người Arab đã phải tuân theo các chuẩn mực do người châu Âu áp đặt.

Nữ nghệ sỹ người Anh gốc Sudan Rayan El Nayal phát biểu với tạp chí Scene Arabia rằng việc tuân theo các chuẩn mực như vậy vẫn còn bị ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Đây chính là cách mà người Arab bắt đầu ghét màu da và văn hóa của chính họ. Điều này tác động mạnh đến các mối quan hệ giữa những người Arab hoặc giữa những người Hồi giáo khác màu da.

Di sản của thời kỳ buôn bán nô lệ

Tuy nhiên, sự phân biệt chủng tộc trong thế giới Arab còn có nguồn gốc xa xưa hơn. Trong nhiều thế kỷ, hầu hết các nước Arab đều tồn tại chế độ nô lệ.

Những người nô lệ từ các quốc gia châu Phi được người Arab tập hợp lại, sau đó bán cho các thương nhân châu Âu hoặc bị buộc phải lao động cưỡng bức dưới sự cai trị của người Arab. Họ còn phải phục vụ trong quân đội của một số nhà cai trị này.

"Từ triều đại này sang triều đại khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, chế độ nô lệ đã trở thành thực tế hiển nhiên trong xã hội Hồi giáo," nhà nhân chủng học người Algeria Malek Chebel viết trong một nghiên cứu về chế độ nô lệ trong thế giới Hồi giáo.

Cho tới ngày nay vẫn còn tồn tại một hệ thống thứ bậc một cách không chính thức, được phân chia theo màu da, được lấy làm cơ sở xác định mối quan hệ giữa các nhóm dân cư trong thế giới Arab.

Ví dụ ở Ai Cập, người Nubia da màu thường được coi là công dân hạng hai. Trước đây luôn tồn tại định kiến rằng màu da đi liền với tầng lớp xã hội, nhà sử học Ai Cập Amina Elbendary nói trên tạp chí Egyp Streets.

Theo ông Elbendary, điều đó có nghĩa là những người da màu sẽ thuộc về tầng lớp lao động hoặc phục vụ - những người nghèo hèn, thấp kém, thậm chí được coi là "bần tiện."

Như tất cả các nơi khác trên thế giới, sự phân biệt chủng tộc trong thế giới

Arab ngày nay cũng tồn tại ở rất nhiều trạng thái khác nhau. Một minh chứng rõ ràng là việc các băng đảng tội phạm ở Lybia đối xử và lợi dụng những người dân di cư châu Phi như những nô lệ, phục vụ cho việc làm giàu trái phép của chúng.

Có vô số sự phân biệt chủng tộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có thể thấy ngay qua những hành động nhỏ như người lái taxi từ chối phục vụ hành khách da màu, hoặc một gia đình da trắng không chấp nhận mối quan hệ hôn nhân của con cái họ với người da màu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục