Năm học mới 2023-2024 chỉ mới bắt đầu chưa tròn một tháng nhưng liên tiếp các vụ học bạo lực học đường xảy ra ở các nhà trường gây bức xúc dư luận. Những vụ bạo lực không chỉ giữa học sinh với học sinh mà đáng buồn hơn là liên tiếp các vụ việc giáo viên bạo lực với học sinh.
Dậy sóng dư luận
Sáng nay, 4/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho hay đơn vị này đã đề nghị Ủy ban Nhân dân thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm) ra văn bản đóng cửa cơ sở mầm non tư thục Ngôi Sao Nhỏ (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm). Trước đó, ngày 13/4, một clip ghi cảnh giáo viên cơ sở giáo dục này dúi đầu, bóp miệng trẻ 14 tháng tuổi đã gây phẫn nộ trong dư luận. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm, cơ sở này hoạt động trái phép.
Hôm 30/9, một học sinh lớp 4 trường Tiểu học Hải Hòa (phường Hải Hòa, Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) bị cô giáo dùng roi tre đánh bầm tím lưng với nhiều vết chằng chịt vì em không làm bài tập cô giao.
Ngày 29/9, tại hành lang lớp 12D4, Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang lớp học và khóc đến kiệt sức. Clip ghi lại sự việc cho thấy cô giáo sau đó đi ra quát mắng khiến nữ sinh hoảng loạn, ôm chân cô và liên tục nói “Em xin lỗi cô, cô tha cho em”. Đỉnh điểm của sự việc là hành động giáo viên túm cổ áo, kéo lê học sinh. Nguyên nhân do nữ sinh đã mua bánh sinh nhật cho lớp không đúng với ý cô giáo.
Cũng trong ngày 29/9, một clip khác gây phẫn nộ dư luận ghi lại cảnh một giáo viên đang mắng học sinh té tát với những từ ngữ thiếu chuẩn mực. Sự việc diễn ra tại một lớp học của Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, Hà Nội).
[Nỗi lo trẻ tự hủy hoại bản thân khi bị bạn bè bắt nạt học đường]
Bên cạnh liên tiếp các vụ việc giáo viên bạo hành học sinh là các vụ bạo lực giữa học sinh với nhau. Ngày 2/10, một nữ sinh của Trường Trung học phổ thông Hồng Đức (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dùng guốc đánh bạn cùng lớp làm chảy máu đầu. Theo báo cáo của nhà trường, nguyên nhân do nữ sinh này cho rằng bạn đã nói xấu mình.
Trước đó, ngày 25/9, tại phòng học lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Yên Lỗ, huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn), do mâu thuẫn cá nhân, nói xấu nhau trên mạng xã hội, nhóm nữ sinh lớp 9 gồm 9 người đã bắt một học sinh lớp 9 cùng trường ngồi trên ghế rồi thi nhau quát mắng và dùng tay túm tóc, tát liên tiếp vào mặt, lưng, dùng thước kẻ đánh vào đầu, quay clip và đưa lên mạng xã hội.
Ngày 27/9, một nhóm 4 nữ sinh đến từ nhiều trường, gồm Trường Trung học Cơ sở Phong Thịnh, Trung học Cơ sở Cát Văn và Trung học Cơ sở Thanh Tiên (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã cùng tham gia đánh bạn, lột đồ và quay clip.
Giải pháp nào?
Sau khi xảy ra các vụ việc, lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và đều cho biết sẽ xử lý nghiêm. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định tinh thần chỉ đạo của sở là kiên quyết xử lý nghiêm khắc với sai phạm, tuyệt đối không bao che với các hành vi không chuẩn mực, vi phạm đạo đức nhà giáo. Sở cũng sẽ chấn chỉnh tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố sau khi một số vụ việc vi phạm của nhà giáo đã xảy ra.
Tuy nhiên, bạo lực học đường không phải vấn đề mới mà liên tục diễn ra trong nhiều năm học, gây bức xúc trong dư luận, nhất là bạo hành của giáo viên với học sinh, những người vốn được coi là chuẩn mực đạo đức, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, có trình độ và được đào tạo sư phạm bài bản.
Chia sẻ về vấn đề này trong buổi gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trước thềm năm học mới, cô Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) cho hay hiện nay ý thức của một số học sinh chưa chăm ngoan do nhiều điều kiện như hoàn cảnh gia đình, tiếp xúc sớm với Internet và mạng xã hội... Điều này dẫn đến nhiều học sinh vi phạm điều lệ trường học, gây ra bạo lực học đường.
Tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở học sinh nam, mà còn giữa học sinh nữ, giữa giáo viên với học sinh hay học sinh với giáo viên, thậm chí là phụ huynh với giáo viên. Vì vậy, cô Huệ bày tỏ mong ngành giáo dục quan tâm và có giải pháp cải thiện vấn đề trên.
Đây cũng là chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo thầy Hòa, vấn đề áp lực, bạo lực học đường, lối sống của thanh thiếu niên, học sinh trong thời đại mạng xã hội phát triển cần được quan tâm. Tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà trường đã đưa tâm lý học vào lớp học, thầy cô được tập huấn để chuyển hóa cảm xúc tích cực, phát huy giá trị niềm tự hào của nhà giáo, giảm áp lực và xử lý được các mâu thuẫn học đường.
Từ kết quả thực tiễn tại trường, ông Hòa đề xuất, ngoài bổ sung biên chế nhân viên tâm lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập huấn các khóa giá trị sống, kỹ năng sống cho giáo viên, tập huấn về tâm lý học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên cả nước. Từ đó sẽ giúp giải quyết được các vấn đề về tâm lý trong các nhà trường.
Chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận đây là vấn đề nhức nhối cần được ngăn chặn từ gốc. Bộ trưởng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao các vụ, cục chức năng tìm hiểu, nghiên cứu để đưa ra giải pháp. Trước tiên, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm nếu để xảy ra bạo lực học đường ở đơn vị mình.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến giải pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài ra, cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự xử lý với những vấn đề mình phải đối mặt, trang bị cho các em về thái độ đúng đắn khi tham gia mạng xã hội. Mặt khác, đẩy mạnh tư vấn tâm lý học đường, nâng cao vai trò và kỹ năng xử lý vấn đề của giáo viên chủ nhiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang đề xuất thêm biên chế nhân viên tư vấn học đường cho các nhà trường.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho hay cần phát triển văn hóa học đường, coi đây là vấn đề trọng tâm của xây dựng trường học hạnh phúc./.