Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên trên toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức trung bình 2%/năm trong vòng năm năm tới, chủ yếu là do lượng tiêu thụ thấp hơn dự kiến tại thị trường châu Á.
Trong báo cáo về triển vọng của thị trường khí đốt trong trung hạn, IEA cho biết nhu cầu tiêu thụ khí đốt toàn cầu trong 10 năm qua đạt mức tăng trưởng trung bình 2,3%, và con số này có xu hướng giảm, còn 3.926 tỷ m3 vào năm 2020. Giám đốc điều hành IEA Maria van der Hoeven cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do nhu cầu yếu kém ngoài dự kiến của thị trường châu Á.
Diễn biến của thị trường khí đốt trong hai năm qua đã cho thấy một thực tế khắc nghiệt đó là trong khi giá than đá đang ở mức quá rẻ và chi phí sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng hạ thấp, khí đốt rất khó để có thể cạnh tranh.
Giá khí đốt tại thị trường châu Á, vốn có liên quan mật thiết tới giá dầu mỏ, đã giảm đáng kể trong năm qua. Trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu thụ khí đốt có thể được hỗ trợ nhờ sự sụt giảm giá này, song một số quốc gia châu Á vẫn quyết định "trung thành" với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, thay vì chạy bằng khí đốt.
Giá dầu mỏ thế giới giảm cũng khiến nguồn cung khí đốt thu hẹp. Các công ty dầu khí đang có xu hướng giảm đầu tư vào tài sản cố định và tập trung vào các tài sản cơ bản để có thể thu lợi nhuận nhanh.
IEA cho biết, các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) là những mục tiêu được tính tới đầu tiên khi các công ty thực hiện cắt giảm đầu tư bởi chúng đòi hỏi nguồn vốn lớn và mất nhiều thời gian để hoàn thành. Bởi vậy, trong trung hạn có thể sẽ có một vài dự án LNG bị hoãn lại hoặc hủy bỏ. Tuy nhiên, thị trường LNG sẽ vẫn ở trong tình trạng dư cung cho dù lượng nhập khẩu LNG của châu Âu sẽ tăng khoảng gấp đôi trong năm năm tới./.