Nhu cầu sử dụng gạo của thế giới ngày một tăng

Theo Chủ tịch Rice Trader, thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng gạo của thế giới tăng, tương lai, gạo sẽ thay thế nhiều loại ngũ cốc.
Từ ngày 19-21/10, Hội nghị Thương mại gạo thế giới 2011 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của các khách hàng mua bán gạo, các chuyên gia và đại diện ngành hàng các nước xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Jeremy Zwinger - Chủ tịch Rice Trader (Hãng tư vấn, mua bán về lương thực, lúa gạo của Mỹ - đơn vị tổ chức Hội nghị) cho rằng trong thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng gạo của thế giới tăng, trong tương lai, gạo sẽ thay thế nhiều loại ngũ cốc khác, do sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng.

Điều này được minh chứng rõ nhất vào 3 quý năm nay, lượng gạo xuất khẩu từ những quốc gia chính đã tăng mạnh, trong đó quý 1 tăng 20% lượng gạo xuất khẩu, quý 2 tăng 17%, quý 3 còn 11,5%, đây được coi là sự tăng trưởng chưa từng có trong lịch sử và hiện gạo không đứng một mình, mà là một món hàng song hành cùng với ngũ cốc.

Do vậy, năm nay lượng gạo xuất khẩu Thái Lan dự báo sẽ đạt tới 11 triệu tấn (tăng hơn 45%), lượng gạo xuất của Ấn Độ không tăng nhiều (11%), nhưng giá gạo của Ấn Độ đang rất cạnh tranh trên thị trường.

Chủ tịch Rice Trader nhấn mạnh đây là giai đoạn nhiều biến động, nhiều thay đổi đối với ngành lúa gạo, nếu bên mua và bán cung cầu cân nhau thì sẽ có giá hợp lý theo cơ chế thuận mua vừa bán.

Chính từ nhu cầu thế giới đang tăng, các nhà sản xuất, xuất khẩu gạo thế giới đang rất quan tấm tới nguồn cung từ Ấn Độ, bởi nếu Ấn Độ thay đổi chính sách lương thực, ngừng không tham gia vào thị trường nữa thì sẽ thế nào bởi cách đây 2 năm, Ấn Độ đã từng đóng cửa không xuất khẩu gạo.

Theo Rice Trader, trữ lượng gạo tồn kho của Ấn Độ hiện đang ở mức 60,4 triệu tấn, đây là con số đảm bảo an toàn, nhưng hiện Ấn Độ có ưu tiên cho an ninh lương thực quốc gia hay không trước sứp ép dân số quá cao, đang là câu hỏi chưa có trả lời đối với các nhà thương mại gạo thế giới.

Chủ tịch Rice Trader khuyến cáo các thương nhân giao dịch gạo phải đánh giá được cung cầu, mức độ cạnh tranh ngành gạo trên thế giới thế nào, giá sẽ ở mức nào, đặc biệt là sự tác động tâm lý đang ảnh hưởng lớn tới thị trường giá cả lương thực trong giai đoạn ngắn hiện nay, để đưa ra những quyết định kinh doanh sáng suốt.

Phát biểu trong phiên khai mạc Hội nghị ngày 20/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Bùi Bá Bổng khẳng định lúa gạo là lương thực quan trọng đóng góp vào an ninh lương thực trên thế giới.

Riêng với Việt Nam, hiện nay với diện tích 4,1 triệu ha lúa, chiếm 44% đất canh tác, dân số 87 triệu người, nên đây được coi là ngành sản xuất chính của trên 70% hộ dân nông nghiệp. Do đó, lúa gạo có vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và giảm nghèo ở Việt Nam.

Qua nhiều năm đổi mới, đến năm 2011, lần đầu tiên xuất khẩu gạo tăng lên 7 triệu tấn, nhưng để đạt được kết quả này, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa làm giảm diện tích đất nông nghiệp, thiếu lao động do sự dịch chuyển sang khu vực công nghiệp; khuynh hướng sử dụng lương thực của người dân thay đổi, nhu cầu chất lượng gạo cũng phải cao hơn.

Trong khi đó, sản xuất lúa gạo chưa đem lại thu nhập cao so với các ngành khác, tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo; giá cả đầu vào cao hơn gạo bán ra, gây khó khăn cho người sản xuất và khiến phát triển không bền vững; cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo đang rất quan trọng, do quá trình đô thị hóa làm lao động chuyển sang công nghiệp… Thêm vào đó, các yếu tố thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động mạnh mẽ đến ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam.

Trước thực trang này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết: Việt Nam cần có chính sách thay đổi đất sử dụng trong nông nghiệp; kiểm soát chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp; cần có nguồn tín dụng phục vụ cơ giới hóa; có dịch vụ chuyển giao công nghệ miễn phí; các nguyên liệu đầu vào có giá hợp lý.

Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ để hình thành các hợp tác xã, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế giúp thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam, đảm bảo cuộc sống của người dân tốt và nâng họ trở thành những nhà sản xuất lớn.

Riêng trong giai đoạn từ nay đến 2020, ngành trồng lúa Việt Nam sẽ được tiến hành cơ giới hóa trên khắp cả nước; cải thiện chất lượng lúa thông qua việc nâng cao chất lượng giống và lưu kho; quy hoạch hóa những vùng trồng lúa, đặc biệt là phục vụ xuất khẩu; thiết lập thương hiệu lúa gạo hạt dài của Việt Nam; có cơ chế xuất khẩu để giảm được những khó khăn, tạo sự minh bạch trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo.

Trước những câu hỏi của các nhà sản xuất, xuất khẩu gạo thế giới về thực hiện chính sách mới của Thái Lan đối với ngành hàng này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, bà Korbsook Iamsuri cho biết kế hoạch nâng giá thu mua lúa cho nông dân của Chính phủ Thái Lan hiện vẫn chưa thể triển khai do 85% lãnh thổ nước này đang chìm trong nước lũ và một khối lượng lớn lúa gạo bị hư hại nặng nề.

Bản thân nông dân Thái Lan hiện cũng không có lúa để bán cho Chính phủ theo kế hoạch. Nhiều tổ chức đưa ra dự báo, lượng gạo thiệt hại trong đợt lũ lụt này có thể lên đến 7 triệu tấn, tuy nhiên, bà Korbsook Iamsuri cho rằng lượng gạo bị sụt giảm do thiên tai chỉ rơi vào khoảng 2 triệu tấn và cũng không tác động nhiều đến tình hình xuất khẩu gạo của Thái Lan, vì nước này còn tồn kho tới 4 triệu tấn, trong đó chưa kể gần 1 triệu tấn trong kho của Chính phủ.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng mặc dù các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang đứng trước hàng loạt những bất ổn từ Chính phủ và thị trường, nhưng phải đến năm 2012, Thái Lan mới thực sự chịu tác động của chính sách thu mua mới. Lo ngại lớn nhất là Ấn Độ tham gia lại thị trường và nhiều nhà nhập khẩu gạo tại châu Phi đã chuyển sang mua gạo từ Ấn Độ do giá rẻ hơn cả 100 USD/kg, đồng thời các nhà nhập khẩu từ châu Âu và Hoa Kỳ khó có thể chấp nhận mua gạo Thái với giá quá cao, cao hơn mức giá hiện tại từ 50-60%.

Bên cạnh đó, sẽ có những làn sóng đưa gạo từ các nước láng giềng (Myanmar, Campuchia, Việt Nam…) vào Thái Lan để xuất khẩu với giá cao hơn.

Chủ tịch Rice Trader cho biết tại Hội nghị thương mại gạo thế giới năm nay, ngoài việc bàn thảo về tình hình lúa gạo thế giới, Ban tổ chức sẽ có hoạt động bình chọn giải thưởng về thị trường đối với các thành viên, cộng đồng có thành tựu khi tham gia thị trường; tổ chức hội thi nấu cơm ngon trên thế giới…/.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục