Trước tình hình dịch COVID-19 xuất hiện trở lại và diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà đảm bảo giãn cách hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về. Điều này khiến nhiều người đã thay đổi thói quen, thay vì ra hàng quán để ăn uống thì đặt hàng online và người giao hàng (shipper) sẽ đem đến tận nơi. Nhờ vậy, các đơn hàng của shipper cũng tăng vọt.
Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên Ngân hàng Techcombank, cho biết bình thường, chị đã phải sử dụng dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn rất nhiều. Những ngày dịch COVID-19 xảy ra, chị sử dụng dịch vụ giao hàng càng nhiều hơn.
Chị Nguyễn Tuyết Mai, một nhân viên văn phòng sống độc thân và thỉnh thoảng mới nấu ăn tại nhà, mỗi tuần có ít nhất 3-5 lần đặt đồ ăn qua các ứng dụng như grab, Now hay Go-Viet. Đó là chưa kể những lần giao đồ đạc, hàng hóa, chuyển tài liệu... cho các đối tác theo yêu cầu công việc.
Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành dịch vụ giao hàng đã góp phần thực hiện hữu hiệu việc giãn cách xã hội.
Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại, việc thực hiện giao hàng cũng giúp tiết giảm lượt người và phương tiện ra đường tham gia giao thông.
Nhằm đảm bảo an toàn cho các shipper và phòng, chống dịch COVID-19, chủ các cửa hàng luôn yêu cầu nhân viên giao hàng phải đeo khẩu trang, khi nhận hàng buộc phải sát trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn tại cửa hàng. Sau khi giao hàng cho khách xong, shipper tiếp tục sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn mang theo.
[TP. Hồ Chí Minh: Gia tăng hình thức 'đi chợ" trực tuyến]
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ Nguyên Anh - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hóa - cho biết những ngày vừa qua, lượng đơn hàng từ các quán ăn, nhà hàng đã tăng rất mạnh, các shipper đồ ăn, uống làm không hết việc.
Chị Phạm Thị Dung, shipper trên ứng dụng Grab chia sẻ, từ đầu tháng Năm đến nay, hoạt động giao hàng nhất là đồ ăn, uống tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi Hà Nội có thêm các ca dịch mới.
"Trung bình 1 ngày tôi chạy khoảng từ 25-30 đơn hàng; tiền công vận chuyển 1 đơn hàng từ 20.000- 25.000 đồng giúp tôi có thu nhập khoảng từ 500.000-600.000 đồng/ngày," chị Dung chia sẻ.
Đặng Văn Hùng, quê ở Thanh Hóa, sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Xây dựng, cho biết do dịch COVID-19 xảy ra nên hiện nay, toàn trường học theo phương thức online. Em tranh thủ làm thêm nghề shipper vận chuyển hàng từ trưa đến 19 giờ, được 18-20 đơn hàng/ngày với thu nhập từ 350.000-400.000 đồng.
Thu nhập của các shipper cộng tác với Grab phụ thuộc vào từng chuyến đi. Grab tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km và phải trả chi phí cho Grab là 20%, phần còn lại là thu nhập của shipper.
Thực tế cho thấy mặc dù nhu cầu giao hàng trong mùa dịch bệnh tăng cao nhưng hiện các ứng dụng vận chuyển và doanh nghiệp giao nhận hàng hóa chưa tăng giá dịch vụ. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng đột biến như hiện nay, rất nhiều khả năng các hãng vận chuyển sẽ tăng giá dịch vụ trong thời gian tới./.