Nhốt "quyền lực đen" trong "lồng" thể chế: Thanh lọc để lành mạnh hơn

Việc bắt giữ các "đại gia" thao túng thị trường chứng khoán là động thái làm trong sạch, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững hơn.
Nhốt "quyền lực đen" trong "lồng" thể chế: Thanh lọc để lành mạnh hơn ảnh 1Lực lượng chức năng làm việc tại trụ sở FLC chiều 29/3. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Những vụ khởi tố "mạnh tay" liên quan tới tham nhũng kinh tế gần đây diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu bởi tác động của đại dịch COVID.

Không ít tâm lý lo ngại sẽ gây tác động tới hoạt động kinh tế nói chung bởi các yếu tố dây chuyền, nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản thường kéo theo hệ lụy liên quan tới các ngân hàng...

Điển hình, ngay sau khi có thông tin xấu liên quan đến các “đại gia” trên sàn chứng khoán, thị trường chứng khoán nhiều phen “chao đảo.” Điều này cũng dấy lên quan điểm lo ngại “có thể lợi bất cập hại” cho thị trường, song thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, sự việc đã gây tác động xấu tới các cổ phiếu có liên quan. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đây là tin tốt của thị trường bởi nó thể hiện quyết tâm làm trong sạch, lành mạnh và minh bạch thị trường, mang đến niềm tin mới cho các nhà đầu tư.

Thực tế thị trường cho thấy, khi có thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị tạm hoãn xuất cảnh ngày 28/3/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm và mất hàng chục điểm.

Tuy nhiên, đến chiều tối ngày 29/3/2022, khi thông tin ông Quyết bị khởi tố, bị tạm giam vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã không còn bị tác động trong phiên sáng 30/3.

Mặc dù nhóm cổ phiếu “họ FLC” tiếp tục nằm sàn, nhưng chỉ số VN-Index chỉ giảm 7 điểm. Điều này cho thấy thị trường chỉ “lung lay,” diễn biến tiêu cực khi các thông tin tiêu cực liên quan tới cá nhân hay một vài doanh nghiệp nào đó còn chưa rõ ràng.

Ngược lại, khi các thông tin đã rõ ràng, ai vi phạm phải bị xử lý, tâm lý thị trường phần lớn đã được giải tỏa.

Cần khẳng định rằng, ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán, khiến thị trường phát triển không lành mạnh. Việc cơ quan chức năng mạnh tay thanh lọc các hành vi không lành mạnh, sai phạm trên thị trường chứng khoán, cần được nhìn nhận là tín hiệu tích cực.

Hay cũng với vụ việc ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của các công ty thuộc tập đoàn này, với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng vì công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý xử lý vi phạm về việc phát hành trái phiếu sai quy định, không công bố thông tin, công bố thông tin sai sự thật và che giấu thông tin.

Đây chỉ là động thái kiên quyết của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như của các cơ quan quản lý nói chung đối với việc làm lành mạnh hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là hoạt động của thị trường trái phiếu-một kênh huy động vốn mới của nền kinh tế.

Đồng thời, đây cũng là động thái để làm trong sạch, giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững hơn.

[Nhốt "quyền lực đen" trong “lồng" thể chế: Truy tận nơi “trú ẩn” cuối]

Vụ việc ở Tân Hoàng Minh với việc “phơi sáng” sử dụng nguồn tiền huy động từ trái phiếu doanh nghiệp sai mục đích, vì thế, không hề là một “quân domino” gây ảnh hưởng đến thị trường.

Ngược lại, chính việc này lại phát ra một tín hiệu cảnh báo tới các doanh nghiệp có ý định trong việc phát hành trái phiếu “bừa bãi.” Điều này khiến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ được trả lại đúng nghĩa là một kênh huy động vốn trong sạch cho doanh nghiệp.

Bởi nếu không chấn chỉnh, cứ để tồn tại tình trạng doanh nghiệp huy động cả trăm tỉ, ngàn tỉ qua trái phiếu nhưng không có sự giám sát nguồn tiền này về đâu, đầu tư thế nào, sử dụng đúng mục đích không... thì đó mới là nguy hiểm.

Những vụ án liên quan đến FLC hay Tân Hoàng Minh xét về lâu dài đó là điều tốt cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung khi những “ung nhọt” được giải phẫu và sớm được cắt bỏ.

Nhốt "quyền lực đen" trong "lồng" thể chế: Thanh lọc để lành mạnh hơn ảnh 2Trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hơn nữa, việc các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm kể trên, cũng giúp lấy lại uy tín cho nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, khẳng định quyết tâm lành mạnh hóa thị trường, nỗ lực này sẽ được các tổ chức quốc tế ghi nhận tích cực.

Qua việc bắt các cá nhân liên quan trong vụ của Tập đoàn FLC hay Tân Hoàng Minh, chắc chắn là lời cảnh tỉnh cho ai đó còn nghĩ rằng, giàu có hay thế lực sẽ che chắn được, và họ chắc chắn sẽ phải chùn bước cho những việc làm sai trái.

Tuy nhiên những gì các doanh nghiệp, doanh nhân đã làm được, góp phần cho đất nước phát triển vẫn sẽ được ghi nhận và những ai vi phạm pháp luật, coi thường quốc pháp, tiếp tục tái diễn sai trái sớm muộn gì cũng bị trừng trị.

Điều đó suy cho cùng sẽ tốt cho đất nước và góp phần để mọi việc đi vào khuôn khổ pháp luật nhanh chóng hơn.

Cần phải hiểu rằng, vấn đề lớn hơn và tác động trực tiếp tới các thị trường trong nền kinh tế từ ngắn hạn đến dài hạn chính là nền tảng kinh tế vĩ mô, sức khỏe của doanh nghiệp, niềm tin của người dân…

Những yếu tố này tại Việt Nam đang có chiều hướng dần cải thiện nhiều hơn và tốt lên trong lộ trình hồi phục kinh tế. Minh chứng là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp GDP quý 1/2022 của Việt Nam đạt 5,03%, đây là mức cao so với khu vực và trên thế giới.

Ngay đầu năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế…

Các nghị quyết và chỉ thị ra đời đã thể hiện một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong thúc đẩy nhanh phục hồi kinh tế vĩ mô, giúp ổn định vi mô, thu nhập việc làm và cuộc sống cho người dân sau gần 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19.

Điều này cũng nhằm tới các mục tiêu, như giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch vốn còn phức tạp, khó lường; chủ động ngăn ngừa các tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều bất ổn từ COVID-19; khủng hoảng năng lượng, đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics và căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị tại một số điểm nóng.

Hơn nữa, những nỗ lực này cũng giúp kinh tế Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và phục hồi nhanh trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thường niên Việt Nam 2022 (VBF) diễn ra mới đây, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã đánh giá cao sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam dưới sự chỉ đạo vững vàng và những cam kết quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany đánh giá, các doanh nghiệp châu Âu đã có tín hiệu lạc quan khi chỉ số môi trường kinh doanh của EuroCham (BCI) đã tăng 42 điểm phần trăm so với quý 3/2021, đạt gần 61 điểm phần trăm vào tháng 1/2022. Việt Nam có cơ hội thu hút làn sóng đầu tư mới bằng cách tận dụng các hiệp định thương mại mới đã đạt được.

Việc làm trong sạch thị trường và những nỗ lực của Chính phủ khi triển khai Chương trình phục hồi nền kinh tế là nền tảng quan trọng nhất để các thị trường có được sự “thăng hoa” nhất và các nhà đầu tư tin tưởng và kỳ vọng vào môi trường đầu tư kinh doanh. Đây mới là sự ổn định vững chắc cho thị trường chứ không phải chỉ là yếu tố “rung lắc” nhất thời./.

(Bài 3: Diệt sâu triệt từ gốc)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục