Tại hội nghị vừa qua ở Đức, Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã tìm được “tiếng nói chung” về vấn đề thị trường ngoại hối song không đồng thuận về vấn đề thương mại.
Hội nghị trên đã nhắc lại lời cảnh báo về tình trạng "lộn xộn" trên các thị trường ngoại hối và lên tiếng phản đối việc hạ giá đồng nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh.
Đối với các thị trường, việc G20 không thay đổi quan điểm về vấn đề ngoại hối là một thông tin tích cực. Việc các nền kinh tế lớn trên thế giới có cùng quan điểm sẽ góp phần giúp giảm thiểu những biến động trên thị trường ngoại hối, yếu tố quan trọng đối với sự ổn định của các thị trường và giá tài sản tăng trên diện rộng hơn.
Tuy vậy, việc hội nghị trên đã không thể nhất trí về một cam kết nhằm duy trì hoạt động thương mại toàn cầu tự do và mở cửa sẽ dẫn tới các hệ quả tiêu cực đối với các thị trường tài chính, cho dù trước mắt không gây ảnh hưởng tiêu cực ở mức nghiêm trọng.
Các Bộ trưởng Tài chính của nhóm G20 ngày 18/3 đã ra thông cáo chung cam kết cùng nhau đẩy mạnh thương mại, giảm bớt mất cân đối trên toàn cầu, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự gắn kết, giảm bớt bất bình đẳng khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, thông cáo này không cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ, mặc dù các Bộ trưởng đều ghi nhận tầm quan trọng của thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, năm ngoái, hội nghị đã đưa ra cam kết "chống lại bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa bảo hộ."
Tờ Financial Times (Anh) cho rằng những thay đổi trong ngôn từ của thông cáo về vấn đề tự do thương mại đã phản ánh thái độ chống toàn cầu hóa của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump mà tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã mang tới cuộc họp./.