Ngày 5/3, lãnh đạo nhóm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu (EP), đã nêu một số điều kiện để Thủ tướng Hungary Viktor Orban và đảng Fidesz của ông tránh nguy cơ bị loại khỏi nhóm đảng trung hữu này.
Nhật báo Bild của Đức đưa tin ông Manfred Weber, ứng cử viên hàng đầu của EPP tranh chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) trong năm nay, đã đưa ra ba điều kiện để Thủ tướng Orban và đảng Fidesz có thể ở lại EPP. Theo đó, ông Orban phải ngừng các chiến dịch chống EU và xin lỗi các đảng thành viên khác trong EPP.
Ngoài ra, ông Weber cũng yêu cầu trường Đại học CEU, do tỷ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros thành lập, vẫn hoạt động tại thủ đô Budapest của Hungary và có thể cấp bằng tốt nghiệp theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Ông Weber nêu rõ, từ nay đến cuối tháng, Thủ tướng Orban có "cơ hội để hành động và để cho thấy rằng ông coi trọng EPP." Cũng theo ông Weber, những điều kiện trên là những "vấn đề quyết định" liên quan tới các nguyên tắc dân chủ."
[EC chỉ trích Hungary bóp méo sự thật về vấn đề người di cư]
Trước đó, ngày 4/3, một số thành viên của EPP đã chính thức yêu cầu loại đảng Fidesz của Thủ tướng Orban và bản thân ông ra khỏi nhóm đảng này. Diễn biến mới này, xảy ra khi chỉ còn ba tháng nữa là tới cuộc bầu cử EP, cho thấy bất đồng trong nhóm đảng trung hữu. Đảng Fidesz sẽ có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình và EPP sẽ đưa ra quyết định trong cuộc họp dự kiến ngày 20/3 tới.
EPP, mà Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng là thành viên, tập hợp các phong trào trung hữu ở châu Âu, với 217 nghị sỹ trong tổng số 750 nghị sĩ EP. Trong số này có 12 nghị sỹ thuộc đảng Fidesz.
Quyết định loại Thủ tướng Hungary Orban và đảng của ông rất được quan tâm bởi chính EPP cũng đang lo ngại nguy cơ ông Orban sẽ liên minh với đảng Liên đoàn phương Bắc của Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini nếu đảng Fidesz bị loại.
Trong phản ứng của mình, Thủ tướng Orban khẳng định việc tìm cách loại đảng Fidesz của ông là hành động "điên rồ vô ích." Ông cũng nhấn mạnh "Brussels đã vi phạm các quy định khi buộc Hungary phải chấp nhận hạn ngạch nhập cư."
Theo ông, EU cần tôn trọng quyền của các quốc gia thành viên, bảo vệ các cộng đồng của mình, và có thể bảo vệ an ninh về lâu dài./.