Một đoạn video vừa được tải lên mạng với nội dung được cho là có cảnh ít nhất 7 con tin nước ngoài bị sát hại bởi nhóm cực đoan Ansaru ở Nigeria. Đoạn video không có tiếng và khá nhiễu được tải lên YouTube trong ngày 11/3, trong đó có ít nhất 4 nạn nhân. Các hình ảnh trong đoạn video giống với các ảnh chụp màn hình được công bố vào cuối tuần trước, kèm tuyên bố rằng các con tin đã bị hành quyết sau khi bị bắt cóc hồi tháng trước. [Nhóm Hồi giáo Nigeria giết 7 con tin nước ngoài] Đoạn video dài 91 giây có tiêu đề tiếng Arập là "cái chết của 7 con tin Công giáo ở Nigeria," trong khi một thông báo bằng tiếng Anh về các vụ hành quyết được để ngay phía dưới. Đầu tiên đoạn video cho thấy có 4 thi thể nằm dưới đất cạnh một gã đàn ông đang đứng với cây súng trường trong tay. Tiếp đó là một số màn quay cận cảnh 3 thi thể khác. Anh, Italy và Hy Lạp hôm 10/3 nói rằng các thông tin do Ansaru đưa ra, rằng nhóm này đã sát hại 7 con tin nước ngoài, dường như là sự thực. Tuy nhiên chính quyền Nigeria đã không đưa ra xác nhận nào. Bộ trưởng Nội vụ Nigeria Abba Moro tuyên bố với BBC: "Các thông tin đó chưa được xác nhận và chừng nào nó vẫn chưa được xác nhận, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giải thoát cho các con tin và đảm bảo sự an toàn cho mạng sống của họ. Tôi muốn chúng ta phải nghĩ rằng niềm tin khác với sự xác nhận. Và có thể các nước bị ảnh hưởng tin vào những gì đã xảy ra, nhưng về phần mình đất nước nơi vụ bắt cóc con tin xảy ra, đang làm những gì tốt nhất để đảm bảo họ được trả tự do và đất nước này đang hy vọng họ còn sống." Những người nước ngoài đã bị bắt cóc khỏi một công trường xây dựng do công ty Setraco của Lebanon sở hữu vào ngày 16/2 tại bang Bauchi ở phía Bắc Nigeria. Tháng trước, cảnh sát Nigeria nói rằng các con tin gồm 4 người Lebanon, 1 người Anh, một Hy Lạp và một Italy. Một quan chức công ty sau đó cho biết cóc con tin Trung Đông gồm 2 người Lebanon và 2 người Syria. Khu vực bất ổn phía Bắc Nigeria đã chứng kiến nhiều người thiệt mạng trong các vụ bạo lực liên quan tới các nhóm Hồi giáo. Nhưng đây là vụ bắt cóc con tin chết chóc nhất nhằm vào những người nước ngoài ở khu vực này trong thời gian gần đây. Ansaru, được xem là một nhánh tách ra khỏi nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram, cho biết lực lượng này đã hành quyết con tin sau khi nghe tin các máy bay Anh đã tới Nigeria trong mấy tuần gần đây để tiến hành giải cứu con tin. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh đã lập tức bác tin này. Bà nói rằng Anh đang hỗ trợ quân Pháp và Nigeria chống các chiến binh Hồi giáo ở Mali nên sẽ có nhiều máy bay của nước này giúp chở binh lính và trang thiết bị xuất hiện trong khu vực. Trong thông báo gửi tới cho các phóng viên thông báo vụ bắt cóc, Ansaru nói rằng nhóm này đã ra tay bắt con tin để trả đũa cho "các hành động hung bạo, vượt giới hạn mà các nước phương Tây đã gây ra với niềm tin vào Allah ở nhiều nơi như Afghanistan và Mali." Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng những tuyên bố này có thể chỉ là bình phong để che giấu các động cơ thực sự, trong bối cảnh một "ngành công nghiệp" bắt con tin đòi tiền chuộc đã đâm rễ sâu tại khu vực. Ansaru đã có liên quan tới vài vụ bắt cóc, gồm việc bắt một người Anh và một người Italia đang làm việc cho một công ty xây dựng ở bang Kebbi, gần biên giới Niger, hồi tháng 5/2011. Các con tin đã bị sát hại vào tháng 3/2012 tại bang Sokoto gần đó trong một chiến dịch giải cứu vụng về. Nhóm này cũng tuyên bố đã bắt cóc một kỹ sư Pháp ở bang Katsina, gần biên giới Niger, vào tháng 12 năm ngoái. Hiện vẫn chưa ai biết con tin đã bị đưa đi đâu. Tháng trước, 7 thành viên của một gia đình Pháp, gồm 4 đứa trẻ, đã bị bắt cóc tại Cameroon. Chính quyền Cameroon nói rằng họ đã bị đưa ra khỏi biên giới sang phía Đông Bắc Nigeria và nơi họ bị giam giữ cũng chưa được xác định.
Hình ảnh những kẻ bắt cóc trong đoạn video được tung lên mạng (Nguồn: AFP)
Ansaru dường như chỉ bắt cóc các con tin nước ngoài. Tuy nhiên nhóm không tham gia vụ bắt cóc gia đình Pháp. Chính quyền Pháp cho rằng Boko Haram đứng sau vụ bắt cóc này. Nigeria là nước đông dân nhất châu Phi, cũng là nước khai tháng nhiều dầu nhất. Nước này đã gần như bị chia đôi giữa một cộng đồng chủ yếu theo Hồi giáo ở phương Bắc và cộng đồng có Thiên Chúa giáo chiếm đa số ở phía Nam./.
Linh Vũ (Vietnam+)