Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm, VN-Index quay đầu đi xuống

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số VN-Index giảm 4,61 điểm xuống 985,75 điểm; khối lượng giao dịch đạt trên 207,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5.288 tỷ đồng; toàn sàn có 207 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm, VN-Index quay đầu đi xuống ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sắc xanh được duy trì hầu hết thời gian phiên giao dịch nhưng đến cuối phiên giao dịch ngày 23/9, một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng bị bán mạnh và giảm sâu đã khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/9, chỉ số VN-Index giảm 4,61 điểm xuống 985,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 207,5 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 5.288 tỷ đồng. Toàn sàn có 101 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 207 mã giảm giá.

HNX-Index tăng nhẹ 0,24 điểm lên 104,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 31,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 355 tỷ đồng. Toàn sàn có 70 mã tăng giá, 40 mã đứng giá và 73 mã giảm giá.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm đã kéo chỉ số VN-Index lùi xuống dưới mức tham chiếu.

Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 (30 mã cổ phiếu vốn hóa có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán) có tới 21 mã giảm giá trong khi chỉ có 7 mã tăng giá.

Các mã giảm mạnh có thể kể đến như FPT và HPG đều giảm 2,9%, DPM giảm 1,1%, trong khi bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup cũng đều kết phiên trong sắc đỏ. Ở chiều tăng giá, đáng chú ý VNM tăng tới 2%, trong khi BVH tăng 1,5%.

Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, những mã vốn hóa lớn giảm sâu cũng tạo áp lực giảm giá lên thị trường chung. Theo đó, VCB giảm tới 2,5%, TCB giảm 2,2%, BID giảm 0,9%.

Ở chiều tăng giá là các mã có vốn hóa thị trường nhỏ hơn như SHB tăng 1,5%, STB tăng 1,9%, NVB tăng 1,3%...

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, các mã có diễn biến tăng, giảm trái chiều. Theo đó, ở chiều tăng giá có GAS và PLX đều tăng 0,7%, PVS tăng 0,5%, TDG tăng 2,5%. Trong khi ở chiều giảm giá, PVB giảm 1%, PVC giảm 2,5%, PVD giảm 0,5%.

[Tốc độ vốn hóa thị trường tăng trung bình 62,7% trong 3 năm qua]

Điểm tích cực là sau thời gian bán ròng mạnh, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng. Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 5,26 tỷ đồng. Các mã được mua ròng mạnh là YEG (hơn 53,4 tỷ đồng), tiếp đến là VCI (hơn 28 tỷ đồng) và STB (hơn 21,5 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 4,53 tỷ đồng. SHB là mã được mua ròng mạnh nhất sàn này, đạt trên 6,5 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 13,56 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã QNS (hơn 9,6 tỷ đồng), tiếp đến là NTC (hơn 2,75 tỷ đồng).

Trước đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á vào lúc mở cửa ngày giao dịch 23/9 diễn biến trái chiều trước những hy vọng về khả năng tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Vào lúc mở cửa ngày giao dịch 23/9, chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,11% (tương đương 27,95 điểm) lên 26.463,62 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite trên thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,27% (8,05 điểm) xuống còn 2.998,40 điểm, còn chỉ số Shenzhen Composite của thị trường Thâm Quyến (Trung Quốc) mất 0,31% (5,25 điểm), xuống 1.670,10 điểm.

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường Sydney (Australia) tăng 0,49% (32,80 điểm), lên 6.763,60 điểm, còn chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,17% (3,56 điểm), xuống còn 2.087,96 điểm.

Thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đóng cửa nghỉ lễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chứng khoán châu Á: Một ngày "lặng sóng"

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 127,26 điểm (0,33%) lên 39.257,69 điểm, sau thông tin Nhật Bản chuẩn bị một gói ngân sách kỷ lục trị giá 735 tỷ USD cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2025.