Nhóm cổ phiếu bán dẫn và công nghệ dẫn dắt đà đi lên của Phố Wall

Dù 7/11 nhóm ngành thuộc S&P 500 giảm điểm trong phiên 6/1, các cổ phiếu dịch vụ truyền thông và công nghệ lần lượt chứng kiến mức tăng mạnh 2,13% và 1,44%.

Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)
Giao dịch viên làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 6/1 với sự khởi sắc của Nasdaq Composite và S&P 500, đạt mức cao nhất trong hơn một tuần.

Động lực chính đến từ đà tăng của nhóm cổ phiếu bán dẫn và thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể áp dụng chính sách thuế quan mềm mỏng hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones lại diễn biến theo chiều ngược lại.

Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 32,91 điểm (0,55%) lên 5.975,38 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 243,30 điểm (1,24%) lên 19.864,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 25,57 điểm (0,06%) xuống 42.706,56 điểm.

Dù 7/11 nhóm ngành thuộc S&P 500 giảm điểm trong phiên này, các cổ phiếu dịch vụ truyền thông và công nghệ lần lượt chứng kiến mức tăng mạnh 2,13% và 1,44%. Các cổ phiếu bán dẫn và công nghệ dẫn dắt đà đi lên của thị trường.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip tăng mạnh nhờ kế hoạch đầu tư 80 tỷ USD của Microsoft vào các trung tâm dữ liệu tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và doanh thu vượt kỳ vọng của Foxconn trong quý IV/2024.

Cổ phiếu của Nvidia tăng 3,43%, Advanced Micro Devices tăng 3,33% và Micron Technology tăng vọt 10,45%. Chỉ số bán dẫn Philadelphia Semiconductor tăng 2,84%. Dù lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2024, nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn đi lên, giúp thị trường giữ vững đà tăng.

Ngoài ra, tâm lý của giới đầu tư còn cải thiện sau thông tin rằng chính quyền ông Donald Trump có thể tập trung áp thuế vào các ngành kinh tế hoặc an ninh quan trọng, thay vì toàn diện. Dù sau đó ông Trump bác bỏ thông tin này, thị trường vẫn kỳ vọng chính sách thuế quan sẽ ít gây sốc hơn dự đoán ban đầu.

Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao các dữ liệu kinh tế và phát biểu từ quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để tìm manh mối về tốc độ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. Báo cáo tình hình việc làm Mỹ tháng 12/2024 cũng sẽ là tâm điểm chú ý vào cuối tuần.

Mặc dù các chính sách của ông Trump được kỳ vọng thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng lạm phát. Thống đốc Fed Lisa Cook cảnh báo rằng áp lực lạm phát vẫn là một rủi ro lớn trong năm mới.

Thị trường sẽ đóng cửa vào ngày 9/1 để tưởng niệm cố Tổng thống Jimmy Carter.

Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch 6/1, VN-Index giảm 8,24 điểm xuống 1.246,35 điểm. HNX-Index giảm 2,71 điểm xuống 222,95 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Chứng khoán châu Á: Một ngày "lặng sóng"

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 127,26 điểm (0,33%) lên 39.257,69 điểm, sau thông tin Nhật Bản chuẩn bị một gói ngân sách kỷ lục trị giá 735 tỷ USD cho năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2025.