Nhóm chuyên gia hạt nhân của Anh tới Iran nâng cấp lò phản ứng Arak

Các chuyên gia sẽ có cuộc gặp với đại diện của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) để thảo luận cách thức cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với việc xây dựng lò phản ứng Arak.
Nhóm chuyên gia hạt nhân của Anh tới Iran nâng cấp lò phản ứng Arak ảnh 1Toàn cảnh nhà máy hạt nhân nước nặng Arak của Iran nằm cách thủ đô Tehran khoảng 320km về phía Nam ngày 26/8/2006. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đại sứ quán Anh tại Tehran cho biết một nhóm chuyên gia Anh đã tới Iran ngày 14/10  để bắt đầu công việc nâng cấp lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak.

Tuyên bố của Đại sứ quán Anh nêu rõ: "Một nhóm chuyên gia hạt nhân Anh do Trưởng Cố vấn khoa học, giáo sư Robin Grimes dẫn đầu, đã đến Tehran để tiến hành các giai đoạn tiếp theo của tiến trình hiện đại hóa lò phản ứng Arak, cùng với một nhóm chuyên gia Trung Quốc."

Theo tuyên bố, các chuyên gia sẽ có cuộc gặp với đại diện của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) để thảo luận cách thức cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật đối với việc xây dựng lò phản ứng Arak.

[Iran đã làm giàu 24 tấn urani từ khi tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015]

Các chuyên gia Anh sẽ lưu lại Iran 3 ngày.

Theo Đại sứ quán Anh, chuyến đi của nhóm chuyên gia Anh tới Iran lần này là một phần trong cam kết của London nhằm đảm bảo thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 mang lại lợi ích cho cả Iran và cộng đồng quốc tế.

Đó cũng là lý do Anh duy trì nghĩa vụ hợp tác với Iran để hiện đại hóa lò phản ứng Arak, giúp Tehran phát triển chương trình hạt nhân dân sự hiện đại.

Đại sứ quán Anh cho biết phần việc của Anh với Iran trong dự án Arak đã đạt được tiến bộ quan trọng trong năm qua.

Khả năng làm giàu urani của Iran và hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nước nặng đều nằm trong khuôn khổ kiểm soát của JCPOA vì phương Tây lo ngại Iran có thể tiếp tục theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân.

Lò phản ứng nước nặng Arak bị xem là một nguy cơ vì nó cho phép Iran sản xuất plutoni sử dụng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Iran đã phá hủy và đổ bêtông vào các đường ống, còn gọi là phần lõi của lò phản ứng Arak, như một phần của thỏa thuận JCPOA để đổi lấy việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Các cường quốc cam kết giúp Iran phát triển năng lượng hạt nhân dân sự, trong khi Tehran cam kết xây dựng lại lò phản ứng nước nặng tại Arak để tiến hành các nghiên cứu hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.

Căng thẳng giữa Iran và Mỹ leo thang kể từ ngày 8/5/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trên và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran.

Đúng một năm sau đó, ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo Tehran khôi phục hoạt động làm giàu urani và tạm ngừng hiện đại hóa lò phản ứng nước nặng tại Arak nếu các nước tham gia thỏa thuận không thực hiện các cam kết đảm bảo lợi ích của Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục