Ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố toàn văn "Tuyên bố chung của lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine," theo đó nêu lên các cam kết cụ thể nhằm tiếp sức cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, đồng thời cũng bao hàm các điều kiện đối với quốc gia Đông Âu này.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng cho rằng an ninh của Ukraine gắn liền với an ninh của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine là mối đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và không phù hợp với lợi ích của nhóm.
Nhóm G7 tiếp tục đoàn kết, sát cánh cùng Ukraine đến khi nào còn có thể với các cam kết cụ thể như duy trì lực lượng lâu dài, có khả năng bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga hiện nay cũng như trong tương lai.
[G7 công bố cơ chế đa phương hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine]
Các nước G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ thiết bị quân sự hiện đại trên bộ, trên không và trên biển, trong đó ưu tiên lĩnh vực phòng không, pháo binh, hỏa lực tầm xa, xe bọc thép,... hỗ trợ Ukraine phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng; giúp huấn luyện và diễn tập cho các lực lượng của Ukraine, hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo, ủng hộ các sáng kiến phòng thủ an ninh, khả năng phục hồi nền tảng mạng và giải quyết các mối đe dọa hỗn hợp.
Nhóm G7 cũng sẽ hỗ trợ Ukraine ổn định và phục hồi kinh tế thông qua các sự giúp đỡ tái thiết, tạo điều kiện tốt nhất để Ukraine phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Ukraine nhằm thúc đẩy các chương trình cải cách, quản trị ở trong nước.
Theo tuyên bố, đối với Ukraine, nước này cần tích cực đóng góp vào an ninh của đối tác, cũng như tăng cường các biện pháp minh bạch, trách nhiệm đối với sự hỗ trợ từ đối tác.
Ngoài ra, Ukraine phải tiến hành cải cách hành pháp, tư pháp, chống tham nhũng, quản trị doanh nghiệp, kinh tế, an ninh và quản lý nhà nước, cam kết thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, tôn trọng nhân quyền, tự do truyền thông và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Kiev cũng phải thúc đẩy cải cách và hiện đại hóa quốc phòng đi đôi với tăng cường kiểm soát dân chủ, dân sự đối với quân đội và nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp quốc phòng.
Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên nhóm G7 sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong tiến trình phấn đấu trở thành thành viên của cộng đồng châu Âu-Đại Tây Dương.
Tuyên bố khuyến khích bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tham gia vào bản tuyên bố chung này khi có chung mục đích ủng hộ một Ukraine tự do, mạnh mẽ, độc lập và có chủ quyền.
Đối với Nga, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 khẳng định Moskva phải chịu trách nhiệm về hành vi gây hấn, đồng thời G7 gia tăng các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu, cũng như ủng hộ tiến trình truy tố Nga ra Tòa án hình sự Quốc tế (ICC) liên quan đến tội ác chiến tranh./.