Nhóm Bộ tứ vẫn tồn tại vì 'nỗi sợ đã chiến thắng lòng tham'

Tính năng động, tầm ảnh hưởng và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là những yếu tố chính trong quá trình ra quyết định về các chính sách đối ngoại của các nước thành viên nhóm Bộ tứ.
Nhóm Bộ tứ gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ. (Nguồn: ANI)

Theo trang mạng asiatimes.com, năm 2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ví nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ) như “bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Đại Tây Dương: (nhóm này) có thể nhận được một chút sự chú ý, nhưng sẽ sớm tiêu tan."

Đó là 4 năm trước, còn hiện nay, nhóm Bộ tứ vẫn tồn tại và tràn đầy năng lượng. Có vẻ như ông Vương Nghị và nhiều nhà phân tích khác đã sai. Điều quan trọng là cần hiểu tại sao lại như vậy và điều gì đã thay đổi.

Đối thoại An ninh Tứ giác là đối thoại chiến lược không chính thức giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, do cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi xướng năm 2007.

Đối thoại này được nhiều người coi là một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Kể từ năm 2014, các cuộc thảo luận của nhóm Bộ tứ đã được củng cố bởi cuộc tập trận ba bên thường niên Malabar (Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ) cùng các cuộc tập trận ba bên khác và ít nhất một cuộc tập trận hải quân bốn bên.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc gửi công hàm phản đối chính thức tới các thành viên của nhóm Bộ tứ và hỏi về ý định của họ, Australia đã rút lui và các cuộc họp dừng lại.

Năm 2018, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại khái niệm này như một phần của chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở." Dù vậy, một số thành viên đã chùn bước.

Cũng trong năm 2018, "chiều" theo Trung Quốc, Ấn Độ đã phản đối việc Australia tham gia cuộc tập trận Malabar mặc dù cuộc tập trận này diễn ra trên vùng biển của Mỹ.

Đô đốc Phil Davidson, khi đó là người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết Tư lệnh hải quân của Ấn Độ vào thời điểm đó là Đô đốc Sunil Lanba “đã nói rõ rằng hiện tại nhóm Bộ tứ không có tiềm năng."

Ông nói thêm rằng gần như người ta không muốn vận hành nhóm Bộ tứ (có lẽ ông muốn nói đến việc quân sự hóa thỏa thuận này). Như nhà phân tích người Australia Hugh White đã nói vào thời điểm đó: “Ai có thể tưởng tượng rằng Ấn Độ thực sự sẵn sàng hy sinh mối quan hệ của họ với Trung Quốc để ủng hộ Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hoặc Nhật Bản sẽ gây nguy hiểm cho các lợi ích của chính họ với Trung Quốc để ủng hộ Ấn Độ trong các tranh chấp biên giới không có hồi kết với Trung Quốc? Hay việc Australia sẽ phá hủy quan hệ thương mại với Trung Quốc vì Ấn Độ hoặc Nhật Bản, hay thậm chí là để ủng hộ Mỹ?."

Một số quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - bao gồm cả Indonesia, lãnh đạo không chính thức của ASEAN - cũng không thoải mái với khái niệm này. Họ coi đó là hành động loại trừ và nhằm mục đích cô lập Trung Quốc trong khi phớt lờ các ưu tiên của ASEAN.

Indonesia đang phát triển một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trong đó ASEAN là trung tâm, phù hợp với các nguyên tắc hòa nhập của khối Đông Nam Á này, xây dựng đồng thuận và nhấn mạnh vào một cách tiếp cận chuẩn mực về chính trị và ngoại giao, thay vì một cách tiếp cận nghiêng nhiều về mặt quân sự và chiến lược.

Theo nhà phân tích hàng đầu về khu vực châu Á Amitav Acharya, “Mỹ muốn một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘tự do’ và ‘rộng mở’ nhưng với định hướng chiến lược-quân sự công khai hơn.”

Điểm khác biệt là ASEAN “quyết tâm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong việc phát triển cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và chống lại bất kỳ động thái nào nhằm liên kết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với cách tiếp cận cân bằng quyền lực."

Hơn nữa, Trung Quốc đã và đang cực lực phản đối nhóm Bộ tứ. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, “Trung Quốc tin rằng cái gọi là nhóm Bộ tứ về cơ bản là một công cụ để kiềm chế và bao vây Trung Quốc nhằm duy trì quyền bá chủ của Mỹ."

Điều gì đã thay đổi

Trong bối cảnh trên, khái niệm nhóm Bộ tứ - ít nhất với tư cách là một liên minh quân sự - dường như nhiều khả năng sẽ trở nên lỗi thời chứ không thể "vươn lên từ đống tro tàn." Vậy chúng ta đã sai ở đâu? Hay chính xác hơn điều gì đã thay đổi? Chúng ta đã đánh giá thấp mức độ sâu sắc của nỗi ám ảnh Trung Quốc ở Australia, Nhật Bản và thậm chí cả Ấn Độ.

Thủ tướng Australia lúc bấy giờ Tony Abbot đã có câu châm biếm nổi tiếng rằng “chính sách của Australia đối với Trung Quốc được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi và lòng tham." Trên thực tế, điều này cũng đúng đối với tất cả các thành viên của nhóm Bộ tứ. Tính năng động, tầm ảnh hưởng và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc là những yếu tố chính trong quá trình ra quyết định về các chính sách đối ngoại của các nước thành viên nhóm Bộ tứ.

[Nhóm Bộ tứ cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông]

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của cả Australia và Ấn Độ, đặc biệt còn là thị trường xuất khẩu nguyên liệu thô của cả hai nước này. Australia cũng là (đã là) nước nhận đầu tư trực tiếp lớn thứ hai của Trung Quốc. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc hiện đã vượt quá xuất khẩu sang Mỹ và chiếm gần 20% tổng xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, nỗi sợ Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng và dường như đã chiến thắng lòng tham. Điều đó xuất phát từ việc Trung Quốc bắt nạt Australia và các bên có tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Đông cũng như cuộc giao tranh với Ấn Độ dọc theo biên giới chung của hai nước này. Hơn nữa, Mỹ đã khéo léo khai thác những sai lầm này bằng một chiến dịch quan hệ công chúng.

Tại Australia, cuộc tranh luận này đã khiến những người theo chủ nghĩa hiện thực - những người đã đoán trước hoặc chấp nhận sự thống trị và ảnh hưởng không thể tránh khỏi của Trung Quốc ở châu Á cũng như đối với xã hội và các giá trị của nước này - đối đầu với những người hay lý tưởng hóa, những người “sẵn sàng mạo hiểm lợi ích kinh tế để bảo tồn các giá trị phương Tây và trật tự quốc tế hiện có."

Vì Hiến pháp, Nhật Bản bị hạn chế về những gì họ có thể làm về mặt quân sự. Hơn nữa, sự sợ hãi chi phối sự hám lợi. Cơn ác mộng tồi tệ nhất của Nhật Bản là việc bị khuất phục bởi một Bắc Kinh đầy thù hận đang trả thù cho hành vi phân biệt chủng tộc và vô nhân đạo của quân đội Nhật Bản ở Trung Quốc trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ lo ngại rằng Trung Quốc sẽ làm điều tương tự với họ nếu có điều kiện

Ấn Độ "không liên kết" phải đối mặt với sự đánh đổi có phần khác biệt và nhiều sắc thái hơn. Mặc dù cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng nước này vẫn bị chi phối bởi lo ngại rằng Trung Quốc sẽ thực hiện những hành động quân sự gây nguy hại dọc theo vùng biên giới tranh chấp, tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương và gia tăng cung cấp viện trợ quân sự cho kẻ thù không đội trời chung của nước này là Pakistan.

Chiến lược của Mỹ

Chúng ta cũng đã đánh giá thấp khả năng của Mỹ trong việc đánh giá chính xác tình hình và điều chỉnh trọng tâm của khái niệm nhóm Bộ tứ từ hợp tác quân sự sang phi quân sự, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ coi nhóm Bộ tứ là một phần nổi bật trong quá trình thực hiện chiến lược này. Tuy nhiên, để ghi nhận những lo ngại hợp lý này, Mỹ hiện nhấn mạnh vào các hợp tác phi quân sự với các đối tác của họ trong nhóm Bộ tứ.

Chiến lược của Mỹ nói rằng "Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác Bộ tứ trong lĩnh vực y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, công nghệ quan trọng và mới nổi, cơ sở hạ tầng, mạng, giáo dục và năng lượng sạch". Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đã nói chi tiết về điều này khi dành ra một phần riêng trong Kế hoạch hành động để "triển khai hợp tác nhóm Bộ tứ."

Những yếu tố trong danh sách dài này có thể có hàm ý về an ninh quân sự là “phát triển các công nghệ quan trọng và mới nổi; triển khai công nghệ chung; chia sẻ dữ liệu vệ tinh để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải; và hợp tác… để nâng cao năng lực không gian mạng."

Chúng ta cũng đã đánh giá thấp mức độ mà Mỹ sẽ hành động để trấn an ASEAN và các thành viên. Trong cuộc họp mới nhất, nhóm Bộ tứ tuyên bố rằng “chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN."

Tuy nhiên, thay vì hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN, một nhóm Bộ tứ theo định hướng an ninh sẽ trở thành trung tâm trong hoạt động quản lý an ninh khu vực, bao gồm cả ở Biển Đông. Mối quan hệ giữa nhóm Bộ tứ và các diễn đàn an ninh của ASEAN cần phải được bàn bạc kỹ lượng. Mặc dù ASEAN đang áp dụng cách tiếp cận chờ đợi rồi mới hành động, song hiện tại ASEAN không còn công khai phản đối khái niệm này nữa.

Tất cả những điều này giải thích cho việc tại sao Nhóm Bộ tứ không bị suy yếu mà đang ngày càng phát triển về sức mạnh, tầm ảnh hưởng và nhận được nhiều sự tán thành. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang hợp tác quân sự trực tiếp chống lại Trung Quốc, như Mỹ đã hy vọng ban đầu và có lẽ vẫn đang hy vọng, vẫn sẽ rất khó khăn về mặt chính trị, nếu Trung Quốc không mắc thêm những sai lầm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục