Nhóm Bộ tứ triển khai mạng vô tuyến mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ 3 của nhóm Bộ tứ diễn ra ngày 20/5 bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima của Nhật Bản.
Nhóm Bộ tứ triển khai mạng vô tuyến mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/5, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) thông báo về việc hợp tác với quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương để triển khai một mạng vô tuyến mở ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường viễn thông của các nền kinh tế đang phát triển.

Tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ có đoạn: "Hôm nay, chúng tôi công bố hợp tác với Palau để thiết lập triển khai Mạng truy cập vô tuyến mở (Open RAN) đầu tiên ở Thái Bình Dương. Nhóm Bộ tứ cam kết đảm bảo các quốc gia trong khu vực không bị bỏ lại phía sau khi thị trường viễn thông và các cấu trúc mạng phát triển."

Bốn nước cho biết họ ủng hộ việc tiếp cận những đổi mới giúp các quốc gia có nhiều lựa chọn hơn về nhà cung cấp để mở rộng và hiện đại hóa mạng viễn thông.

Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần thứ 3 của nhóm Bộ tứ diễn ra ngày 20/5 bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Hiroshima của Nhật Bản.

Hội nghị này của nhóm Bộ tứ có sự tham gia của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

[QUAD sẽ đầu tư hơn 50 tỷ USD vào hạ tầng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Trong các vấn đề khác, nhóm Bộ tứ cũng yêu cầu cả Myanmar và Triều Tiên tham gia đối thoại mang tính xây dựng.

Họ kêu gọi chính quyền quân sự ở Myanmar trả tự do cho tất cả những người bị coi là bị giam giữ tùy tiện và cho phép chuyển đổi sang một nền dân chủ toàn diện, trong khi đề nghị Triều Tiên ngừng phóng tên lửa đạn đạo và từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Được thành lập năm 2007, nhưng mãi đến những năm gần đây, cơ chế đối thoại an ninh giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia mới hợp tác sâu rộng để đối phó với thách thức từ Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục