Nhóm Bộ tứ thúc đẩy hợp tác về an ninh hàng hải

Ngày 21/9, các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ tứ đã nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, tập trung vào việc nâng cao khả năng tương tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước thành viên.
(Tư liệu, từ trái sang) Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) ở Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5/2022. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Ngày 21/9, các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ tứ (Quad) - gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, đã nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, tập trung vào việc nâng cao khả năng tương tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước thành viên.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Delaware (Mỹ), các nhà lãnh đạo Bộ tứ đã đề cập đến các sáng kiến mới cũng như các sáng kiến đang được triển khai trong các lĩnh vực từ an ninh và cơ sở hạ tầng hàng hải đến ứng phó thảm họa thiên nhiên và các công nghệ mới nổi.

Nổi bật trong số này là kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung của lực lượng bảo vệ bờ biển, bắt đầu từ năm 2025, cũng như mở rộng chương trình đào tạo cho các quốc gia khác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển, và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, cuộc tập trận đầu tiên của các lực lượng bảo vệ bờ biển của nhóm Bộ tứ sẽ do Mỹ chỉ huy.

Giới chuyên gia nhận định, qua việc hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, các quốc gia Bộ tứ không chỉ tăng cường an ninh cho khu vực mà còn khẳng định cam kết chung đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các nhà lãnh đạo Bộ tứ cũng nhất trí cho phép chia sẻ không gian vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không và đường biển nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Những lĩnh vực hợp tác khác bao gồm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mới, mang tên Mạng truy cập vô tuyến mở và các nỗ lực phòng chống ung thư cổ tử cung, dựa trên kinh nghiệm hợp tác trong đại dịch COVID-19.

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ diễn ra trong bối cảnh cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đều sẽ rời nhiệm sở trong thời gian tới.

Ông Biden đã rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới và Phó Tổng thống Kamala Harris hiện là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Thủ tướng Kishida tuyên bố sẽ không tham gia tái tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.

Điều này đồng nghĩa với việc ông Kishida sẽ từ chức Thủ tướng Nhật Bản sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại và LDP bầu ra Chủ tịch mới trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 27/9 tới.

Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của nhóm Bộ tứ dự kiến được tổ chức tại Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục