Nhóm "Bộ tứ thứ hai" và vai trò của Ấn Độ trong liên minh Mỹ-Ấn

Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố một cơ chế liên minh khác, hay còn gọi là nhóm Bộ tứ Tây Á (nhóm Bộ tứ thứ hai), bao gồm Mỹ, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ.
(Từ trái qua phải) Thủ tướng Israel Netanyahu, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thái tử UAE Sheikh Muhammad bin Zayed Al Nahyan. (Nguồn: orfonline.org)

Theo trang mạng asiatimes.com, kế hoạch rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ ra khỏi Afghanistan đã làm sứt mẻ lòng tin của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và là một đòn giáng mạnh vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những diễn biến này làm gia tăng nỗi bất bình hiện hữu ở Washington về việc các đồng minh châu Âu của Mỹ không muốn theo đuổi một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tính đối đầu (với Trung Quốc).

Châu Âu coi Bắc Kinh là một đổi thủ kinh tế và "đối địch có hệ thống," song lại muốn theo đuổi một chính sách can dự và đối thoại.

Mặc dù khó có thể hình dung sự đổ vỡ mối quan hệ đồng minh xuyên Thái Bình Dương, song có những nhân tố đang góp phần tạo ra những lực ly tâm có sức mạnh chưa từng có tiền lệ, có thể gây ra sự đổ vỡ này.

Chính sách của Mỹ với trọng tâm là Trung Quốc là một nhân tố như vậy khi chính sách này đang khiến mối liên kết của hệ thống liên minh phương Tây trở nên rời rạc và lỏng lẻo.

Đối thoại An ninh Bộ tứ, hay còn gọi là nhóm Bộ tứ, vốn được hồi sinh dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump nhằm đối phó với những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra, đã không hề bao gồm bất kỳ quốc gia châu Âu nào.

Gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một cơ chế liên minh khác, hay còn gọi là nhóm Bộ tứ Tây Á (nhóm Bộ tứ thứ hai), bao gồm Mỹ, Israel, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ấn Độ.

[Bước tiến quan trọng trong hợp tác thực chất của nhóm Bộ Tứ]

Với những thành viên này, có thể thấy, định dạng trên cũng không bao gồm bất kỳ quốc gia châu Âu nào ngoài những đối tác của Mỹ ở khu vực Trung Đông và châu Á.

Cả hai định dạng Bộ tứ này đều nhắm đến Trung Quốc. Cả hai đều được coi là những "liên minh của ý chí." Điểm chung nữa là cả hai định dạng này đều sở hữu sức mạnh hải quân như một mô hình chủ đạo.

Cả hai đều dựa vào khả năng kiểm soát những eo biển hẹp trên các tuyến đường biển quan trọng: nhóm Bộ tứ thứ nhất có khả năng kiểm soát eo biển Malacca, còn nhóm Bộ tứ thứ hai có thể kiểm soát eo biển Bab-el-Mandeb.

Eo biển Malacca tạo ra cửa ngõ thông thương từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, còn eo biển Bab-el-Mandeb kết nối Biển Arab và Vịnh Aden đến Biển Đỏ và kênh đào Suez.

Ngoài ra, UAE và Israel đã thiết lập một trạm thu thập thông tin tình báo trên đảo Socotra của Yemen, theo đó bao quát toàn bộ eo biển Bab-el-Mandeb chiến lược.

Kể từ năm 2018, UAE đã triển khai hàng trăm binh lính đến hòn đảo chiến lược này bất chấp sự phản đối của Yemen. Căn cứ này cung cấp những dịch vụ an ninh thiết yếu cho Mỹ liên quan đến hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là trao đổi thương mại của Bắc Kinh với châu Âu và những hoạt động của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Được mệnh danh là "Viên ngọc của Vịnh Aden," đảo Socotra là thực thể lớn nhất của quần đảo cùng tên, trong đó gồm bốn đảo lớn và hai đảo nhỏ nằm ở vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi vùng Sừng châu Phi, ở Biển Arab.

Hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên từ vịnh Persia đi qua kênh đào Suez và đường ống Suez-Địa Trung Hải đều đi qua eo biển Bab-el-Mandeb.

Từ nhiều năm qua, UAE đã tìm cách sáp nhập hòn đảo Socotra và sự sụp đổ của nhà nước Yemen sau nhiều năm bất ổn đã mở đường để UAE nắm quyền kiểm soát hòn đảo chiến lược này.

Một động thái thú vị ở đây là cuộc cạnh tranh ngoại giao, quân sự và kinh tế của UAE với Saudi Arabia ở Yemen. Đối với UAE, việc kiểm soát được đảo Socotra đồng nghĩa với việc nước này có thể tăng cường sức mạnh quân sự và thương mại ở Ấn Độ Dương, theo đó càng nhấn mạnh uy tín đang tăng của UAE trong khu vực.

Mặt khác, Saudi Arabia lại quan tâm đến việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của UAE đối với đảo Socotra, do đó tái khẳng định vai trò nổi trội của Riyadh ở Yemen cũng như trong cán cân quyền lực ở vùng Vịnh.

Giới phân tích an ninh cho rằng căn cứ tình báo ở đảo Socotra cũng sẽ được sử dụng để theo dõi Pakistan, đặc biệt những hoạt động tại cảng Gwadar. Rõ ràng, nhóm Bộ tứ thứ hai sẽ tác động đến sự vận động, phát triển và thay đổi về cán cân sức mạnh trong khu vực.

Truyền thông Israel nói rằng đảo Socotra sẽ trở thành mối quan tâm lớn của các cơ quan an ninh Israel. Một điều có thể hoàn toàn hình dung được rằng trên thực tế, căn cứ tình báo này chính là một dự án chung giữa Mỹ và Israel.

Mỹ lâu nay nỗ lực tìm cách tác động đến Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, kết nối cảng Gwadar với địa khu Kashgar ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc).

Hồi tháng 5/2021, trang thông tin tình báo quân sự của Israel, mang tên Debka File, đã hé lộ rằng UAE cũng đang xây dựng một căn cứ không quân mới trên đảo Perim ở ngoài khơi Yemen.

Căn cứ này sẽ cung cấp "những phương tiện kiểm soát những hoạt động vận tải hàng hải vì mục đích thương mại nói chung và hoạt động của các tàu chở dầu đi qua cửa ngõ phía Nam của Biển Đỏ và đi đến kênh đào Suez."

Trong một bài phân tích hồi tháng 5/2021, chuyên gia Bruce Riedel tại Viện Brookings cho rằng Saudi Arabia và UAE "đã cố thủ tại những hòn đảo chiến lược" của Yemen và "khó có thể từ bỏ những lợi ích chiến lược này nếu không vấp phải sức ép đáng kể của cộng đồng quốc tế."

Ông Riedel viết rằng Saudi Arabia đã chiếm đóng al-Mahrah, tỉnh lớn thứ hai của Yemen, có chung biên giới với Oman và đã thiết lập được 20 căn cứ và tiền đồn ở tỉnh này.

Hải cảng al-Mahrah cho phép Saudi Arabia tiếp cận trực tiếp đến Ấn Độ Dương. Theo chuyên gia chuyên về Trung Đông này, Riyadh muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu từ tỉnh miền Đông của nước này đi qua tỉnh al-Mahrah ra biển, giúp giảm sự phụ thuộc của hoạt động xuất khẩu dầu của Saudi Arabia đối với eo biển Hormuz.

Mặt khác, mối quan tâm chính của UAE là những hòn đảo chiến lược của Yemen. Ông Riedel viết có đoạn: "Mỹ không nên là một bên trong những nỗ lực chia cắt Yemen. Không còn quá sớm để lặng lẽ đặt dấu hiệu rằng nếu một lệnh ngừng bắn được sắp đặt ở Yemen, thì Saudi Arabia và UAE sẽ cần phải sơ tán mọi tài sản của mình ra khỏi al-Mahrah, đảo Perim và đảo Socotra và trao lại quyền kiểm soát cho Yemen."

Trên thực tế, với những những nhân tố đầy rủi ro ảnh hưởng đến chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc, Washington sẽ khó có thể đề nghị UAE, Israel và Saudi Arabia ngừng khuấy đảo Yemen.

Lý do đơn giản là nhóm Bộ tứ thứ nhất và Bộ tứ thứ hai đã tìm được điểm "hội tụ". Mặc dù các chương trình hợp tác của nhóm Bộ tứ thứ hai đều tập trung giám sát Trung Quốc và Pakistan, song Washington đã tỏ ra rất thấu đáo khi mời Ấn Độ tham gia nhóm thứ hai này.

Dĩ nhiên, cả Israel và UAE đều có quan hệ rất thân thiết với New Delhi. Tuy nhiên, có một vài lưu ý cần đề cập ở đây. Thứ nhất, chắc chắn rằng cho dù UAE và Israel làm gì ở Yemen và ở Biển Arab, thì sẽ đều có sự tính toán đến vấn đề Iran. Trên thực tế, Iran biết rõ mục tiêu này.

Gần đây, tờ The Tehran Times đăng tải một bài phỏng vấn với đại sứ Yemen ở Iran. Theo vị đại sứ này, chính nhờ cả Anh và Mỹ cùng kiểm soát tình hình ở Yemen và chỉ với sự hậu thuẫn của Mỹ mà UAE và Saudi Arabia lâu nay theo đuổi một chính sách can thiệp như vậy (ở Yemen).

Cuộc xung đột ở Yemen đã trở thành một trong những cuộc chiến tàn bạo nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tại sao Ấn Độ lại can dự và dính líu vào vấn đề Yemen? Định dạng nhóm Bộ tứ thứ hai có tính đến những mục tiêu nhằm chống lại Iran.

Mối quan hệ giữa New Delhi và Tehran sẽ không bao giờ còn yên ấm nếu Ấn Độ "bắt tay" với Mỹ, Israel và UAE để hoạt động trong định dạng Bộ tứ thứ hai ngay trong khu vực sát sườn với Iran.

Thứ ba, nhóm Bộ tứ thứ hai là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ gần như liên minh Mỹ-Ấn. Như những diễn biến gần đây nhất ở Sudan cho thấy một cuộc đấu tranh địa chính trị tồi tệ đang nổ ra nhằm giành quyền kiểm soát vùng Sừng châu Phi và Biển Đỏ.

Đối với Israel, cuộc chơi lớn trong định dạng Bộ tứ thứ hai cho phép thiết lập một môi trường lý tưởng để can dự vào nền chính trị của các nước Arab. Tuy nhiên, Ấn Độ cần phải thận trọng khi "bước chân" vào định dạng này. Ấn Độ không muốn trở thành "cái gai" gây khó chịu đối với bất kỳ quốc gia nào trong và ngoài khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Qatar, Trung Quốc, Pakistan và thậm chí Nga.

Điều quan trọng lúc này là chính phủ Ấn Độ cần phải giải thích được những lợi ích mà New Delhi sẽ gặt hái được khi tham gia nhóm Bộ tứ thứ hai nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục