Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine sẽ cân nhắc các biện pháp khả thi nhằm thúc đẩy việc thực thi Thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine trong những tháng tới.
Trong tuyên bố ngày 29/3, ông Seibert nhấn mạnh 4 quốc gia trên, còn được gọi là nhóm "Bộ tứ Normandy" không chỉ nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc khủng khoảng tại miền Đông Ukraine, mà còn hoan nghênh một thỏa thuận do các bên tham gia xung đột đưa ra để thiết lập một lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 30/3.
Trước đó, hôm 26/3, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông báo nhóm tiếp xúc ba bên về vấn đề Ukraine gồm các đại diện của Ukraine, Nga và OSCE đã đạt thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/3 này. OSCE cho biết lệnh ngừng bắn không giới hạn này sẽ được áp dụng tại vùng có xung đột để người dân có thể chuẩn bị cho Lễ Phục sinh vào ngày 8/4 tới. Theo đó, các bên phải ngừng các hoạt động thù địch cũng như tránh điều động lực lượng và các hoạt động do thám.
[Nga chỉ trích Ukraine về tình trạng gia tăng căng thẳng tại Donbass]
Trong những năm qua, các bên liên quan cuộc xung đột ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đã ký các thỏa thuận hòa bình Minsk hướng tới việc ngừng bắn tại khu vực này. Đức, Pháp, Nga và Ukraine, với tư cách là thành viên nhóm Bộ Tứ Normandy, đã tham gia hỗ trợ tiến trình thương lượng thực thi lệnh ngừng bắn ở Donbass. Tuy nhiên, quân đội chính phủ và các tay súng tại khu vực này liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Theo thống kê, kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine hồi tháng 4/2014 đến nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.