Ngày 20/10, Giám đốc cấp cao về Đông Á và châu Đại dương tại Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng Edgard Kagan cho rằng việc chuyển giao dựa trên cam kết về cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho Đông Nam Á là rất quan trọng đối với sự tín nhiệm của những nước này dành cho nhóm Bộ tứ, vốn đưa ra cam kết trên hồi tháng Ba năm nay.
Các nước nhóm Bộ tứ gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí về một kế hoạch cung cấp 1 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 trên khắp châu Á đến cuối năm 2022.
Kế hoạch này bị ngưng trệ sau khi Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu mặt hàng này vào tháng Tư trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 trong nước.
Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác vào tuần tới, Giám đốc Kagan lưu ý rằng Ấn Độ đã nhất trí xuất khẩu 8 triệu liều vaccine đầu tiên theo dự án này ngay trong tháng 10 năm nay.
Tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức, ông nêu rõ việc tuân thủ sáng kiến vaccine của nhóm Bộ tứ có ý nghĩa quan trọng đối với sự tín nhiệm dành cho nhóm này.
[Tình hình tiếp nhận và tiêm chủng vaccine COVID-19 của các quốc gia]
Trong khi đó, nhật báo The Australia Guardian ngày 21/10 cho biết số liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca chưa sử dụng ở Australia đã tăng lên hơn 7 triệu.
Phân tích dữ liệu của báo trên cho hay khoảng 7,3 triệu liều của hãng AstraZeneca đã được xuất xưởng ở Australia, nhưng vẫn chưa được tiêm hoặc dành cho viện trợ nước ngoài.
Sản xuất vaccine tại Australia tăng đáng kể trong những tháng gần đây, tăng từ 2,5 triệu trong tháng Bảy lên 4 triệu vào tháng Tám, 3,9 triệu vào tháng Chín và ít nhất 2,5 triệu liều tính đến nay trong tháng 10. Trong khi đó, việc sử dụng vaccine đã giảm dần khi có thêm nhiều nguồn cung vaccine của hãng Pfizer/BioNTech.
Số liều vaccine của AstraZeneca được tiêm đã giảm từ 3 triệu liều trong tháng Tám xuống còn 2 triệu liều vào tháng Chín và 662.000 liều cho đến nay trong tháng 10.
Nguồn cung vaccine của AstraZeneca dồi dào đang gây lo ngại rằng loại vaccine này sẽ bị lãng phí. Bộ Y tế Australia cho biết tỷ lệ hao hụt vaccine được quy định ở mức 2%.
Cho đến nay, Australia đã chia sẻ khoảng 3,7 triệu liều vaccine cho 12 quốc gia./.