Để đem được cái chữ đến với đám trẻ sinh ra và lớn lên trong lòng di sản Vịnh Hạ Long, nhiều giáo viên đã phải xa nhà, xa người yêu, rời đất liền để lênh đênh trên biển. Cho dù cuộc sống ngoài khơi xa còn nhiều thiếu thốn, nhưng với họ, việc “gieo mầm” kiến thức cho những đứa trẻ làng chài là một nhiệm vụ thiêng liêng.
Khát khao tới lớp
Vịnh Hạ Long một sớm mùa thu, khi vị khách đường xa đang ngon giấc thì bị bị đánh thức bởi lẫn trong tiếng sóng biển ì oạp là tiếng cọt kẹt của mái chèo và tiếng gọi nhau í ới của đám học trò Cửa Vạn (phường Hùng Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh).
Mười hai tuổi nhưng nom Nguyễn Thị Vân, cô học trò lớp 5 của làng chài Cửa Vạn khá nhỏ bé. Thoăn thoắt tay chèo, trên chiếc thuyền con còn có thêm bốn người bạn nữa. Vân nhoẻn cười: “Bọn cháu thay nhau chèo cho đỡ mỏi.”
Rồi em kể rằng, được đến trường là một niềm vui lớn của đám trẻ làng chài. Không chỉ được học kiến thức, các em còn được cô giáo dạy cho nhiều trò chơi từ các hoạt động ngoại khóa, bảo vệ môi trường, đo độ đục nước biển bằng đĩa secchi...
Ngoài giờ đi học, cũng như chúng bạn, Vân lại phụ bố mẹ chuẩn bị vật dụng cho buổi đánh cá hoặc câu mực. Vất vả là thế, nhưng trong 5 năm học, hầu như Vân không nghỉ một buổi nào. Thế nhưng, việc học của Vân rất có thể bị gián đoạn bởi gia đình khó khăn, em không thể vào đất liền học lên cấp 2. Trong khi đó, ở Cửa Vạn chỉ có những lớp bổ túc Trung học cơ sở.
Kể về sự ham học của học trò Cửa Vạn, cô giáo trẻ Nguyễn Thu Huyền bảo rằng nhiều hôm mưa to, nhìn học trò mặc áo mưa, chèo thuyền giữa biển cả đến trường mà thấy xót lòng. Có hôm, đám học trò nô đùa vô tình… rơi tõm xuống biển phải xin cô về nhà thay quần áo. Tưởng rằng chúng sẽ nghỉ luôn buổi học, nhưng Huyền không ngờ các em vẫn chèo thuyền đến lớp…
Thích đi học, nhưng cũng không phải không có trường hợp cá biệt. Giáo viên nơi đây còn nhớ như in những lần nhờ người dân chở thuyền đến một số gia đình vận động cho con em tới trường. Sách vở trò không có, các cô tìm cách khắc phục nhờ vào các tổ chức thiện nguyện, hoặc thậm chí là tiền túi.
Cũng bởi thế, gần như 100% học sinh đến tuổi đi học đã cắp sách tới trường, năm học 2011-2012, 12 em đã đạt học sinh giỏi…
Và, ở Cửa Vạn có một thực tế là bố mẹ phải nhờ con… đọc hộ các tài liệu, văn bản bởi những ngư dân lớn tuổi nơi đây hầu như đều ít chữ.
Ước mong có điện
Nói về cuộc sống, chị Tâm, giáo viên ở Cửa Vạn lại ngùi ngùi. Ở Cửa Vạn có 5 cô giáo thì 3 cô đã lập gia đình. Xa chồng con, nỗi nhớ thương chỉ được gửi trao qua điện thoại. Đều đặn mỗi tháng 1-2 lần, Tâm lại đi nhờ tàu về đất liền, rồi từ đó bắt xe về thăm gia đình.
Sống lênh đênh cùng ngư dân, các giáo viên phải tập cách làm quen với sóng gió và cuộc sống của làng chài. Gạo và các thực phẩm khô, mỗi lần về nhà các cô đều tranh thủ mang tới lớp. Còn rau xanh, củ quả và đặc biệt là nước ngọt thì phải mua từ các thuyền dịch vụ ngày ngày đi bán quanh làng chài với giá rất cao, có khi đến 50.000 đồng/m3.
Vất vả là thế, nhưng điều thiếu thốn nhất của giáo viên làng chài chính là điện. Năm 2000, lớp học đầu tiên ở Cửa Vạn được mở ra thì đến tận 2005 mới bắt đầu có điện nhờ tấm pin năng lượng mặt trời của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thế nhưng, cùng với thời gian, tấm pin này đã xuống cấp và cũng chỉ giúp các cô đủ sáng đèn, chứ không thể phục vụ quạt điện hay máy tính… để truy cập vào Internet, lấy thông tin phục vụ công việc giảng dạy.
“Nhiều khi điện không đủ, chúng em lại phải sang nhà dân soạn nhờ giáo án hoặc sạc nhờ pin điện thoại để liên lạc,” Tâm kể.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, chị Nguyễn Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hùng Thắng cho biết, toàn trường có 4 điểm trên Vịnh Hạ Long gồm Ba Hang, Vung Viêng, Cửa Vạn và Cống Đầm với 126 học sinh, được chia thành 20 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Các giáo viên trẻ công tác tại các điểm trường khoảng 1-2 năm nếu có nhu cầu sẽ được điều chuyển về bờ. Tuy nhiên, cũng có những giáo viên đã gắn bó với làng chài 5 năm liên tiếp.
Tại các điểm trường, học sinh được học tất cả những môn học trong chương trình đào tạo, trừ… thể dục và tin học do đặc thù ngoài biển. Bởi thế, chị Thủy hy vọng sẽ được các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm giúp đỡ những tấm pin năng lượng mặt trời để cô trò làng chài có điều kiện tốt hơn trong việc giảng dạy và học tập./.
Khát khao tới lớp
Vịnh Hạ Long một sớm mùa thu, khi vị khách đường xa đang ngon giấc thì bị bị đánh thức bởi lẫn trong tiếng sóng biển ì oạp là tiếng cọt kẹt của mái chèo và tiếng gọi nhau í ới của đám học trò Cửa Vạn (phường Hùng Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh).
Mười hai tuổi nhưng nom Nguyễn Thị Vân, cô học trò lớp 5 của làng chài Cửa Vạn khá nhỏ bé. Thoăn thoắt tay chèo, trên chiếc thuyền con còn có thêm bốn người bạn nữa. Vân nhoẻn cười: “Bọn cháu thay nhau chèo cho đỡ mỏi.”
Rồi em kể rằng, được đến trường là một niềm vui lớn của đám trẻ làng chài. Không chỉ được học kiến thức, các em còn được cô giáo dạy cho nhiều trò chơi từ các hoạt động ngoại khóa, bảo vệ môi trường, đo độ đục nước biển bằng đĩa secchi...
Ngoài giờ đi học, cũng như chúng bạn, Vân lại phụ bố mẹ chuẩn bị vật dụng cho buổi đánh cá hoặc câu mực. Vất vả là thế, nhưng trong 5 năm học, hầu như Vân không nghỉ một buổi nào. Thế nhưng, việc học của Vân rất có thể bị gián đoạn bởi gia đình khó khăn, em không thể vào đất liền học lên cấp 2. Trong khi đó, ở Cửa Vạn chỉ có những lớp bổ túc Trung học cơ sở.
Kể về sự ham học của học trò Cửa Vạn, cô giáo trẻ Nguyễn Thu Huyền bảo rằng nhiều hôm mưa to, nhìn học trò mặc áo mưa, chèo thuyền giữa biển cả đến trường mà thấy xót lòng. Có hôm, đám học trò nô đùa vô tình… rơi tõm xuống biển phải xin cô về nhà thay quần áo. Tưởng rằng chúng sẽ nghỉ luôn buổi học, nhưng Huyền không ngờ các em vẫn chèo thuyền đến lớp…
Thích đi học, nhưng cũng không phải không có trường hợp cá biệt. Giáo viên nơi đây còn nhớ như in những lần nhờ người dân chở thuyền đến một số gia đình vận động cho con em tới trường. Sách vở trò không có, các cô tìm cách khắc phục nhờ vào các tổ chức thiện nguyện, hoặc thậm chí là tiền túi.
Cũng bởi thế, gần như 100% học sinh đến tuổi đi học đã cắp sách tới trường, năm học 2011-2012, 12 em đã đạt học sinh giỏi…
Và, ở Cửa Vạn có một thực tế là bố mẹ phải nhờ con… đọc hộ các tài liệu, văn bản bởi những ngư dân lớn tuổi nơi đây hầu như đều ít chữ.
Ước mong có điện
Nói về cuộc sống, chị Tâm, giáo viên ở Cửa Vạn lại ngùi ngùi. Ở Cửa Vạn có 5 cô giáo thì 3 cô đã lập gia đình. Xa chồng con, nỗi nhớ thương chỉ được gửi trao qua điện thoại. Đều đặn mỗi tháng 1-2 lần, Tâm lại đi nhờ tàu về đất liền, rồi từ đó bắt xe về thăm gia đình.
Sống lênh đênh cùng ngư dân, các giáo viên phải tập cách làm quen với sóng gió và cuộc sống của làng chài. Gạo và các thực phẩm khô, mỗi lần về nhà các cô đều tranh thủ mang tới lớp. Còn rau xanh, củ quả và đặc biệt là nước ngọt thì phải mua từ các thuyền dịch vụ ngày ngày đi bán quanh làng chài với giá rất cao, có khi đến 50.000 đồng/m3.
Vất vả là thế, nhưng điều thiếu thốn nhất của giáo viên làng chài chính là điện. Năm 2000, lớp học đầu tiên ở Cửa Vạn được mở ra thì đến tận 2005 mới bắt đầu có điện nhờ tấm pin năng lượng mặt trời của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thế nhưng, cùng với thời gian, tấm pin này đã xuống cấp và cũng chỉ giúp các cô đủ sáng đèn, chứ không thể phục vụ quạt điện hay máy tính… để truy cập vào Internet, lấy thông tin phục vụ công việc giảng dạy.
“Nhiều khi điện không đủ, chúng em lại phải sang nhà dân soạn nhờ giáo án hoặc sạc nhờ pin điện thoại để liên lạc,” Tâm kể.
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, chị Nguyễn Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hùng Thắng cho biết, toàn trường có 4 điểm trên Vịnh Hạ Long gồm Ba Hang, Vung Viêng, Cửa Vạn và Cống Đầm với 126 học sinh, được chia thành 20 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Các giáo viên trẻ công tác tại các điểm trường khoảng 1-2 năm nếu có nhu cầu sẽ được điều chuyển về bờ. Tuy nhiên, cũng có những giáo viên đã gắn bó với làng chài 5 năm liên tiếp.
Tại các điểm trường, học sinh được học tất cả những môn học trong chương trình đào tạo, trừ… thể dục và tin học do đặc thù ngoài biển. Bởi thế, chị Thủy hy vọng sẽ được các doanh nghiệp, đơn vị hảo tâm giúp đỡ những tấm pin năng lượng mặt trời để cô trò làng chài có điều kiện tốt hơn trong việc giảng dạy và học tập./.
Trung Hiền (Vietnam+)