'Nhổ neo' những con tàu nằm bờ không mong muốn: Cách nào?

Theo đại biểu của tỉnh Cà Mau, có rất nhiều khó khăn cản bước ngư dân vươn ra biển lớn và cần những giải pháp căn cơ để những con tàu không còn cảnh nằm bờ...
'Nhổ neo' những con tàu nằm bờ không mong muốn: Cách nào? ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với chiều dài hơn 3.000km bờ biển, Việt Nam là quốc gia có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển. Theo đánh giá, đến nay, kinh tế biển và vùng ven biển đóng góp gần 50% GDP của cả nước (riêng kinh tế trên biển chiếm hơn 20% GDP).

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 cũng khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, ximăng, chế biến thuỷ sản chất lượng cao…

Để hướng tới mục tiêu chung, các địa phương ven biển cũng tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế biển, trong đó các chính sách về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, đóng tàu đánh bắt xa bờ có tác dụng tích cực.

Là một trong 12 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đã tận dụng những lợi thế địa lý của kinh tế biển để tạo ra động lực phát triển kinh tế cho địa phương.

Để hiểu rõ hơn về những chính sách của Cà Mau trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đại biểu Trương Minh Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về những nội dung trên.

[Nghị quyết Hội nghị TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển]


- Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vậy với Cà Mau việc này được triển khai và thực hiện như thế nào thưa ông?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển, với hơn 3.200km bờ biển, nhiều đời qua, ông cha ta đã phát triển các nguồn lợi về biển để làm giàu cho đất nước.

Không chỉ trong chiến lược phát triển kinh tế mà còn cả trong việc phát triển quốc phòng và an ninh, ông cha ta cũng hướng đến chiến lược tổng thể để vừa phát triển kinh tế vừa giữ vững quốc phòng an ninh ở trên biển và gắn kết hai vấn đề này với nhau. Lịch sử đã cho thấy rất rõ chiến lược này.

Cà Mau là một trong những tỉnh có bờ biển dài nhất khi có tới 254km bờ biển, với 3 mặt có biển, 6 huyện tiếp giáp và nhiều cửa ngõ thông ra biển biển.

Ở Cà Mau, gần như huyện nào cũng phát triển từ lợi thế biển được, thậm chí hai huyện Thới Bình, Cái Nước không tiếp giáp biển nhưng nguồn nước mặn từ biển vẫn vào các đơn vị hành chính này và bà con dựa vào thế mạnh đó để phát triển kinh tế.

Một trong những điểm nhìn thấy rõ nhất là với các huyện không giáp biển, nếu không phải mùa mưa thì bà con đã tận dụng nguồn nước mặn để nuôi tôm nước lợ, phát triển nguồn lợi thủy sản nước lợ hoặc trồng lúa một mùa, còn một mùa nuôi tôm.

Để phát triển và có chiến lược sâu rộng hơn, vươn ra xa, tỉnh cũng đã quy hoạch với dự kiến các đội tàu và các cửa khẩu, cũng như đội tàu có số lượng dân cư tham gia phát triển tàu lớn là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và Khánh Hội (huyện U Minh) tận dụng hai cửa biển sầm uất nhất để phát triển nghề cá, cũng như tận dụng hai hòn đảo là Hòn Khoai, Hòn Chuối làm nơi nuôi thêm thủy sản về nghề biển.

Bên cạnh đó, hệ thống đáy hàng khơi và đáy ven biển bà con cũng tận dụng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

- Vậy theo ông, để phát triển kinh tế biển bền vững, đâu là vấn đề cốt lõi cần quan tâm, giải quyết?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Như chúng ta đều biết, trữ lượng thủy sản ven biển ngày càng cạn kiệt và ngư trường của Cà Mau không chỉ dành riêng cho người Cà Mau đánh bắt mà có tất cả các phương tiện đánh bắt của cả nước về khai thác, dẫn đến trữ lượng cạn kiệt nên một bộ phận bà con cũng rất khó khăn.

Thực tế đây cũng là khó khăn chung của nhiều ngư dân các tỉnh, đã đầu tư mua sắm phương tiện song khai thác lại bấp bênh, nên việc để giữ được ngư trường và giữ được phương tiện mới là giải pháp giúp bà con sống được với nghề biển, bởi nghề biển không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế mà còn có yếu tố cực kỳ quan trọng là quốc phòng, an ninh trên biển.

Do vậy, không riêng gì Cà Mau, theo tôi cần tính đến việc làm sao phải quy hoạch và giữ được ngư trường; cũng nên tính toán được các yếu tố đánh bắt: khai thác ở các vị trí nào và vùng nào, cũng như khai thác ngư cụ nào, mùa nào... để có thời gian giúp các loại thủy sản sinh trưởng ở từng ngư trường. Có như vậy mới giữ được bà con tham gia trong chiến lược phát triển bền vững và giảm được tối đa việc xâm phạm đánh bắt tại các ngư trường quốc tế hay các ngư trường giới hạn đánh bắt.

Thực tế có giải quyết được các vấn đề trên mới là yếu tố bền vững để bà con ngư dân sống được, mặt khác là thực hiện được nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên biển.

'Nhổ neo' những con tàu nằm bờ không mong muốn: Cách nào? ảnh 2Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Về việc trang bị tàu cá đánh bắt xa bờ, hiện có những khó khăn vướng mắc nào không, thưa ông?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Vừa qua quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tàu để khuyến khích bà con mua sắm tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Mấy năm trước liên quan đến việc nuôi trồng thủy sản, chúng tôi cũng đã tiến hành công tác kiểm tra vấn đề này. Tuy vậy, qua giám sát cũng thấy có việc là chất lượng của tàu thuyền cũng cần được quan tâm và hiệu quả đánh bắt của bà con.

Một vấn đề nữa là có rất nhiều phương tiện của bà con ngư dân phải nằm bờ, việc này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất do ngư trường và tiếp đến là chất lượng tàu, đây là vấn đề mà chúng ta phải kiểm tra cùng các ngành, các ngư phủ và chủ phương tiện để kiểm tra trách nhiệm của những người tham gia chuỗi về đóng tàu hay hỗ trợ, hướng dẫn bà con trong việc mua ngư lưới cụ, phương tiện đánh bắt cũng như các phương tiện trang bị trên tàu nên phải có hướng dẫn cụ thể để bà con mua phương tiện đó ở đâu và chất lượng đã được kiểm soát.

Hiện nay, chúng ta đã đủ điều kiện để sản xuất các sản phẩm phục vụ đánh bắt trên biển, như công cụ để định vị, các phương tiện đầm dò, phương tiện thông tin liên lạc... do vậy, việc này cũng phải được giới thiệu cho bà con ngư dân và có chính sách đầu tư giúp bà con sử dụng một cách thuận tiện, an toàn.

Theo tôi, phương tiện thông tin trên biển không chỉ đảm bảo kịp thời mà còn phải đảm bảo bí mật. Ví dụ, một phương tiện phát hiện thấy khu vực đó có lượng thủy sản lớn có thể họ sẽ thông tin trong nhóm hay hợp tác xã mà bà con ngư dân tham gia để làm thế nào khai thác nguồn lợi thủy sản này. Song nếu không an toàn thông tin thì bà con sẽ không chia sẻ để cùng đánh bắt nguồn lợi thủy sản đó, hoặc trong trường hợp cần thông tin việc bão tố... thì không nắm được.

- Để phát huy những lợi thế biển, với đặc thù như Cà Mau, theo ông Nhà nước cần có những chính sách gì?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Hiện nay chúng tôi nghiên cứu nhiều nơi đã hình thành các đội tàu và từ đó hình thành các dịch vụ liên quan. Nếu như muốn liên kết cho tốt thì kể cả các tàu đánh ra ngoài khơi xa thì các phương tiện hậu cần cũng đã hình thành được.

Đơn cử như việc cung cấp nhiên liệu cũng đã được đưa ra ngoài khơi phục vụ các đội tàu hay nhiên liệu phục vụ cho sản xuất. Thậm chí là hậu cần vận chuyển cho các sản phẩm được khai thác cũng đã hình thành theo chuỗi và nhiều nơi đã làm được.

Do vậy, chúng tôi mong rằng trong quá trình hình thành các chuỗi mà hiện nay đang có, cũng nên có đánh giá, tổng kết xem chỗ nào làm tốt để nhân rộng mô hình, còn cái nào không tốt thì phải xem nguyên nhân gì để từ đó rút kinh nghiệm để khi hình thành các chuỗi này có thể tiết kiệm được chi phí.

Bây giờ khi mà phương tiện đánh bắt ở ngoài khơi mà đi xa như thế, nếu đánh bắt xong rồi và cũng phương tiện đó lại vận chuyển sản lượng hải sản của mình đánh bắt và khai thác vào đất liền để bán thì rất khó khăn, thậm chí người ta chuyên đánh bắt thì họ cũng có thể chưa chuyên sâu và có thể nắm rõ được giá cả hay thị trường để bán sản phẩm ở đâu là tốt nhất... Do vậy, người đánh bắt chỉ có kinh nghiệm để giữ tươi sản phẩm được khai thác song thị trường ở đâu tiêu thụ thì cần phải có thêm một lĩnh vực cùng nhau thì mới có hiệu quả.

'Nhổ neo' những con tàu nằm bờ không mong muốn: Cách nào? ảnh 3Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

- Có nhiều ý kiến còn lo ngại về việc đánh bắt cũng như việc tránh tận diệt các nguồn lợi thủy sản, vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Như tôi đã nói ở trên, chúng ta cần phải có quy hoạch vùng khai thác thủy, hải sản và thời điểm khai thác cũng như quy định về ngư cụ khai thác như thế nào đều phải được hướng dẫn cụ thể.

Tôi lấy ví dụ, việc cho bà con khai thác ở vùng đó nhưng với ngư cụ loại nào (có thể chỉ là câu, đèn hay mặt lưới thế nào...) và những vấn đề này về chuyên môn sâu cần phải được tính toán kỹ cũng như tuyên truyền cho bà con ngư dân hiểu, nắm kỹ.

Tôi nghĩ vấn đề này bà con ngư dân đều nắm được, nhưng quan trọng là phải tuyên truyền thế nào để kiểm soát và hướng dẫn bà con ngư dân có thể đồng thuận và làm theo.

- Xin cảm ơn ông./.

Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển Đông. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục