Nhắc đến Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hẳn nhiều người sẽ nhớ đến ngày truyền thống 15/9. Tuy nhiên, trong tháng Tám, có một sự kiện rất quan trọng đối với ngành, đó là ngày 23/8/1945, ngày làm việc đầu tiên của cơ quan thông tấn quốc gia.
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, được VNTTX phát và lưu trữ từ ngày đầu cách mạng.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới đã lập Bộ Tuyên truyền trong đó có Nha Thông tin Việt Nam (là tiền thân của TTXVN và Ðài Tiếng nói Việt Nam).
Ðồng chí Trần Kim Xuyến, một đảng viên trung kiên, một thanh niên trí thức được giao việc tiếp quản phòng thu tin ở số 6 phố Pierre Pasquier (nay là nhà số 6 phố Ðiện Biên Phủ, Hà Nội) thuộc Sở Tuyên truyền báo chí Pháp và Ðài phát sóng Bạch Mai. Và cũng chính ông, sau này được bổ nhiệm là Phó Giám đốc Nha Thông tin, phụ trách VNTTX.
Phòng thu tin bằng morse thời Pháp thuộc là một bộ phận nhỏ của Sở Thông tin tuyên truyền báo chí Pháp. Một số kỹ thuật viên từng làm việc ở đó từ lâu nay đi theo Cách mạng, trở thành thành viên cốt cán của Phòng Ðiện vụ - kỹ thuật của hãng thông tấn nước nhà khi còn trứng nước.
Ngày 23/8/1945, ngày làm việc đầu tiên của TTXVN với việc thu và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Paris, nhận ngang các đài của quân đội Pháp chuyển tin về Pháp, đài Sài Gòn GZR liên lạc hai chiều với Paris...
Ông Lê Bá Tâm (đã mất), nguyên Trưởng phòng điện vụ VNTTX, trong hồi ký của mình đã kể về không khí của buổi làm việc đầu tiên: "Hồi đó, tất cả chúng tôi đều còn rất trẻ, say sưa với công việc, quên cả gian khổ, hiểm nguy. Hoàn cảnh lúc đó, thiếu thốn trăm bề, anh em chúng tôi phải lo từ mực, bút chì, thước kẻ tới việc mua dây súp thay dây cũ và sửa ống nghe. Chúng tôi chọn đài, chữa máy, mắc điện, căng ăngten và bắt đầu thu tin của các hãng tin nước ngoài.
Ngày hôm sau, 24/8, bản tin đầu tiên được gửi tới Bác Hồ và các đồng chí trong Ban thường vụ Trung ương. Chính từ bản tin này, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành người khai sinh cho hãng thông tấn nhà nước non trẻ bằng việc đặt tên gọi Việt Nam Thông tấn xã."
Ông Ðỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, đã kể lại câu chuyện (của đồng chí Trường Chinh) về những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám: Ngày 24/8, Bác về đến ngoại thành Hà Nội, anh Nguyễn Lương Bằng mang bản tin ra báo cáo Bác. Bác xem xong rồi nói: Các chú ấy làm nhanh nhỉ. Nhưng bản tin phải có tên chứ. Nói xong Bác lấy bút ghi ngay lên bản tin cái tên bằng chữ Hán, rồi viết tiếp bằng chữ quốc ngữ “Việt Nam Thông tấn xã”, sau đó là viết tên tiếng Pháp “Agency Vietnamienne D’Information” và cuối cùng là tên tiếng Anh “Vietnam News Agency”. Viết xong, dừng lại một lúc, Bác lần lượt ghi chữ viết tắt bên cạnh những tên vừa ghi: TTXVN, AVI và VNA.
Kể từ đó, trung bình mỗi ngày Việt Nam Thông tấn xã thu 20 nghìn từ tin tức để phục vụ Trung ương, Bác Hồ và công tác tuyên truyền. Hơn 20 ngày sau - ngày 15/9/1945 - những kỹ thuật viên của hãng thông tấn non trẻ mới lắp đặt xong máy phát sóng đủ công suất truyền tín hiệu chữ. Bản tin đầu tiên (mang đầy đủ các ký hiệu VNTTX, VNA, AVI) được gửi cho các đài nhận tin trong nước và nước ngoài; nội dung chính là Bản tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Ðình ngày 2/9/1945 cùng danh sách Chính phủ Cách mạng lâm thời (bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp).
Sau giải phóng, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 24/5/1976, VNTTX và Thông tấn xã Giải phóng thống nhất thành một hãng thông tấn của nhà nước Việt Nam. Việc đặt tên lại được các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đưa ra bàn thảo và cân nhắc trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Trực tiếp tham gia buổi họp bàn hôm ấy, ông Ðỗ Phượng nhớ lại: "Các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương rất băn khoăn về việc đổi lại tên Việt Nam Thông tấn xã do chính Bác Hồ đặt. Cuối cùng, đồng chí Phạm Văn Ðồng đưa ra ý tưởng: Vẫn dùng nguyên 5 từ của Bác, không bỏ từ nào, chỉ thay đổi thứ tự để phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt. Từ đó, chúng ta chính thức có tên là Thông tấn xã Việt Nam.”
Tính từ “thuở ban đầu ấy” đến nay, 70 năm đã trôi qua. Với những người làm báo Thông tấn, ngày làm việc đầu tiên 23/8/1945 và sự kiện Bác Hồ đích thân đặt tên khai sinh cho hãng thông tấn quốc gia vào ngày 24/8/1945 mãi là niềm vinh dự, tự hào, là những dấu mốc không thể nào quên./.