Nhờ đâu Nam Định đăng quang V-League 2023-2024?

Danh hiệu Vô địch Quốc gia sau gần 40 năm chờ đợi của bóng đá thành Nam là thành quả xứng đáng, được tổng hòa từ cả 3 yếu tố cần có của một nhà vô địch: "Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa."

Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định vô địch V-League 2023-2024. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Câu lạc bộ Thép Xanh Nam Định vô địch V-League 2023-2024. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Mùa giải lịch sử của Đội bóng thành Nam đã có một cái kết trọn vẹn, khi đoàn quân của huấn luyện viên Vũ Hồng Việt giành chiến thắng 5-1 trước Khánh Hòa để chính thức lên ngôi vô địch V-League 2023-2024 sớm một vòng đấu.

Sau 39 năm đằng đẵng chờ đợi, "quả ngọt" đã đến với Thép Xanh Nam Định trong mùa giải mà Đội chủ sân Thiên Trường thể hiện sự ổn định vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh.

Ngôi vương thuyết phục

Xuyên suốt hành trình chinh phục ngôi vương của Bóng đá Việt Nam lần đầu tiên sau gần bốn thập niên (kể từ chức Vô địch Quốc gia năm 1985, khi giải chưa đổi tên thành V-League), Thép Xanh Nam Định đã duy trì một phong độ thuyết phục: Sau 25 vòng đấu, đoàn quân của huấn luyện viên Vũ Hồng Việt là đội giành nhiều trận thắng nhất (15 trận), cũng là đội để thua ít nhất giải (5 trận).

Dù không sở hữu một hàng thủ chắc chắn (để thủng lưới 37 bàn - nhiều nhất trong top 4), Đội chủ sân Thiên Trường đã "bù lại" khuyết điểm bằng hỏa lực trên hàng công với 57 bàn thắng, là đội ghi bàn tốt nhất ở mùa giải năm nay.

Song song với chiến tích của cả tập thể, Thép Xanh Nam Định cũng sở hữu những siêu sao có khả năng "gồng gánh" đội bóng vượt qua nghịch cảnh khó khăn, nổi bật là hai ngoại binh Hendrio Araujo và đặc biệt là Rafaelson - "khẩu thần công" đã đi vào lịch sử V-League trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong một mùa giải với 31 bàn, khi giải vẫn còn một vòng đấu.

vnp_rfs.png
Rafaelson đi vào lịch sử của V-League trong mùa giải Nam Định lên ngôi vương. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Rafaelson chắc chắn là bản hợp đồng thành công nhất mùa giải năm nay của Thép Xanh Nam Định, tuy nhiên theo chuyên gia Đặng Phương Nam, thành công của Đội bóng thành Nam còn mang dấu ấn đậm nét của huấn luyện viên trưởng Vũ Hồng Việt, người đã từng bước xây dựng một đế chế vững chắc cho giấc mộng xưng vương của Đội chủ sân Thiên Trường.

"Huấn luyện viên Vũ Hồng Việt đã đưa về sân Thiên Trường nhiều cầu thủ từng là học trò của ông ở cấp độ U19 như Nguyễn Văn Vĩ, Trần Văn Công, Trần Văn Đạt hay Lý Công Hoàng Anh... Trong đó, Văn Công là 'mảnh ghép' phù hợp với tuyến giữa - tuyến tôi đánh giá là yếu nhất của Thép Xanh Nam Định ở mùa giải trước," chuyên gia Đặng Phương Nam phân tích.

vnp_2.png
Huấn luyện viên Vũ Hồng Việt (giữa) là 'kiến trúc sư' trong thành công của Thép Xanh Nam Định. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Bên cạnh yếu tố con người, đội bóng thành Nam cũng có một lịch thi đấu thuận lợi: "Việc chỉ phải gặp những đối thủ 'dưới tầm' như Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Khánh Hòa hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ở các giai đoạn đầu và cuối mùa giúp Nam Định sớm giành lợi thế và nắm quyền tự quyết trong cuộc đua vô địch," chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá.

Thực tế, khi phải gặp những đối trọng trong cuộc đua vô địch, Nam Định vẫn thể hiện được bản lĩnh của nhà vô địch, như màn lội ngược dòng với hai bàn thắng được ghi ở những phút bù giờ trong trận đấu với Hà Nội FC ở vòng 11, hay chiến thắng 3-2 ngay trên sân Hàng Đẫy của nhà Đương kim vô địch Công an Hà Nội ở vòng đấu thứ 16...

Những đối trọng sa sút

Nhìn lại 25 vòng đấu đã qua, có thể thấy Nam Định không "băng băng" về đích chỉ nhờ sức mạnh nội tại, mà con đường đến chức vô địch của Đội bóng thành Nam cũng tương đối bằng phẳng khi các đối trọng của thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt đều lần lượt "tự bắn vào chân."

"Nam Định không những hay mà còn may khi các đối thủ của họ đồng loạt suy yếu: Hà Nội FC đầu mùa sa sút do phải phân chia lực lượng ở đấu trường AFC, đến khi tìm được sự ổn định với huấn luyện viên Daiki Iwamasa thì không còn quyền tự quyết; Công an Hà Nội bất ổn khi liên tục thay tướng; trong khi Thể Công-Viettel dưới thời huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng dù rất tiềm năng nhưng định hình được lối chơi," nhà báo Long Vũ nhận định.

vnp_cahnhnfc_10.jpg
Cả Hà Nội FC (áo tím) và Công an Hà Nội đều đánh mất vị thế sau những bất ổn trên băng ghế huấn luyện. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Khi những "ông lớn" của bóng đá Thủ đô suy yếu, đã có những thời điểm MerryLand Quy Nhơn Bình Định và Becamex Bình Dương vươn lên trở thành đối trọng trong cuộc đua vô địch, với chiến thắng ở các cuộc đối đầu trực tiếp với Đội bóng thành Nam (Bình Dương là đội đầu tiên thắng Nam Định, trong khi Bình Định là đội duy nhất đánh bại Nam Định ở cả hai lượt trận).

Tuy nhiên sau cùng, không đội bóng nào duy trì được sự ổn định: Bình Định mất điểm trước hàng loạt đối thủ "dưới cơ" như Sông Lam Nghệ An (thua cả 2 lượt), Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1 hòa, 1 thua) hay Khánh Hòa (hòa 2-2); trong khi Bình Dương "thê thảm" hơn với chuỗi 5 thất bại liên tiếp (từ vòng 20 đến vòng 24) và rơi từ vị trí nhì bảng xuống thứ 8 trên bảng xếp hạng.

"Không chỉ hưởng lợi từ sự sa sút của các đối thủ, 'chân mệnh thiên tử' của Nam Định còn thể hiện ở việc cứ mỗi khi đội bóng này gặp vấn đề là V-League lại... tạm nghỉ để nhường chỗ cho đợt tập trung Đội tuyển Quốc gia. Những quãng nghỉ này giúp ban lãnh đạo và tập thể Nam Định có thêm thời gian khắc phục các điểm yếu, qua đó hoàn thiện đội hình để đua vô địch," bình luận viên Quang Huy đánh giá.

vnp_cdvnd.png
Cổ động viên Nam Định luôn đồng hành cùng đội bóng quê hương, dù sân nhà hay sân khách. (Ảnh: Việt Anh/Vietnam+)

Có thể nói, ngôi vô địch sau gần 40 năm chờ đợi của Thép Xanh Nam Định được tổng hòa từ cả 3 yếu tố "Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa." Ngày đăng quang của Đội bóng thành Nam cũng thêm phần lung linh với sự cuồng nhiệt từ những "cầu thủ số 12" - các cổ động viên trên những khán đài sân Thiên Trường. Tất cả tạo nên một cái kết đẹp cho mùa giải đại thành công của thầy trò huấn luyện viên Vũ Hồng Việt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục