“NHNN sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng”

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay ở mức từ 12-14%.
“NHNN sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng” ảnh 1Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng qua mới đạt 8,63%, khá thấp so với mục tiêu đề ra, tuy nhiên Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Tiến Đông cho biết, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014.

Để tìm giải pháp tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tiến Đông xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết, đến thời điểm này cơ cấu tín dụng đã được chuyển dịch như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Tính đến 31/10, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,63% so với cuối năm 2013.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một số chính sách tín dụng hỗ trợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay 5 lĩnh vực này. Mặc khác từng bước tháo gỡ các rào cản nhằm đưa dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, tiến tới gỡ bỏ các rào cản cho vay đối với lĩnh vực này. Nhờ đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Về cơ cấu tín dụng hiện nay, so với cuối năm 2013, tính đến cuối tháng Chín, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 19% dư nợ nền kinh tế, tăng 7%; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa cho vay doanh nghiệp xuất khẩu chiếm 29% dư nợ nền kinh tế, tăng 5%; dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ tăng 7%; dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 15,4%.

- Theo ông, đến cuối năm mức tăng trưởng tín dụng có đạt được mục tiêu đề ra hay không? Việc các ngân hàng cố gắng để đạt mức tăng trưởng tín dụng có làm tăng nợ xấu?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đưa mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 12-14%. Đến cuối tháng Mười, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 8,63% so với cuối năm 2013. Mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng qua chưa cao là do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.

Với việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra của ngành ngân hàng, cũng như quy luật tín dụng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014.

Về việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng luôn đi đôi với kiểm soát nhằm đảm bảo hiệu quả an toàn vốn vay và xử lý nợ xấu.

“NHNN sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng” ảnh 2Giao dịch tại ngân hàng. (Nguồn: TTXVN)

- Để đạt mức tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đề ra trong năm nay thì giải pháp từ nay đến cuối năm là gì? Con số tăng trưởng có thực chất hay không, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Đông: Trước hết phải khẳng định rằng, nhu cầu vay của các doanh nghiệp thường tăng cao vào cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng vào các dịp như Tết dương lịch, Tết Nguyên đán... Bản thân các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cũng đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm. Tín dụng cũng vì thế tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu là bình thường.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu. Mục tiêu lớn nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết nợ xấu để tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Tích cực xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng theo Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp đối với doanh nghiệp để từ đó các doanh nghiệp có điều kiện giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa.

Tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở các tỉnh thành triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp, thông qua đó đối thoại, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đã đề ra, việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng là chưa đủ mà cần có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp từ đó tăng sức cầu về vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục