Những ‘bài học’ quen thuộc từ các thảm họa cháy gần đây tại Hà Nội đều đã được cơ quan chức năng và các chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, sự mất mát, đau thương vẫn tiếp diễn bởi những ‘kịch bản quen thuộc.’
Khi "cửa sinh" thành "cửa tử"
Cách đây hơn 1 năm, vào sáng sớm ngày 13/5/2023, tại số 24 phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 4 bà cháu thiệt mạng.
Phát hiện khói bốc ra từ khe cửa cuốn tầng một ngôi nhà, những người xung quanh đã cậy cửa, dùng bình chữa cháy mini xông vào tầng một dập lửa, ném quả nổ ngăn cháy. Chủ nhà là anh Nguyễn Quang Minh (43 tuổi) đi mua đồ ăn sáng trở về đã cố gắng cứu mẹ và ba con nhưng bất thành.
7 giờ 49 phút cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận, tìm kiếm, cứu người bị nạn, triển khai chữa cháy. Sau gần 20 phút, đám cháy đã cơ bản được dập tắt.
Ngôi nhà xảy ra cháy có thiết kế kiểu ống, lối thoát hiểm là cửa trước hoặc lên tầng tum lợp mái tôn để sang nhà hàng xóm. Tuy nhiên, tầng một nơi phát cháy lửa bốc rất mạnh trong khi ban công tầng 2-3 bị rào chắn bởi khung sắt chống trộm.
Tất cả lối thoát nạn vào thời khắc sinh tử ấy đều đã khép lại, vụ cháy tước đi sinh mạng của 4 người.
‘Hồi chuông cảnh tỉnh’ tiếp tục gióng lên sau vụ cháy rạng sáng ngày 24/5 tại Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 14 người tử vong. Khu vực hỏa hoạn là căn nhà được xây dựng trên khu đất rộng hơn 200m2 nằm sâu trong ngõ cách mặt phố khoảng 200m.
Trên khu đất đó có xây nhà 2 tầng, 1 tum và một ngôi nhà khác cao 3 tầng để gia chủ ở kết hợp cho thuê trọ. Phần sân rộng khoảng 55m2 và tầng 1 được dùng để sửa chữa xe điện. Nhiều hình ảnh trước thời điểm cháy cho thấy, khu vực sân này bị “bịt kín” bởi rất nhiều xe cộ, bình ắc-quy và các dụng cụ sửa chữa xe.
Đường ra vào duy nhất chính là khoảng sân đầy xe cộ, ắc-quy bủa vây. Nhưng điểm cháy bùng phát ngay tại con đường này khiến cho lối thoát duy nhất của cả dãy trọ lại bị lửa bao trùm.
Hà Nội: Cháy lớn ở Trung Kính trong đêm, nhiều người tử vong
Nhiều xe cứu thương đã được điều động đến hiện trường, thi thể các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn được bọc túi nilon đưa ra ngoài.
Cảnh sát đã phải tổ chức cắt, phá khóa cổng chính để triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận khu vực cháy qua sân chính, lối vào các gian phòng ở các tầng ngôi nhà. 3 người đã được cứu theo hướng tiếp cận này.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng đã triển khai phá ô cửa sổ trên bề mặt tường ngoài tầng 2 của nhà ở hộ gia đình, sử dụng thang dây cứu nạn của nhà dân trang bị và cứu thêm được 4 người theo hướng tiếp cận nói trên.
"Cửa sinh" trong vụ cháy bỗng hóa thành "cửa tử" khi các lối thoát nạn đều bị bịt kín bởi song sắt. ‘Kịch bản cũ’ một lần nữa đã xảy ra với các nạn nhân xấu số trong vụ cháy tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (Hoàng Mai, Hà Nội) tối 16/6.
Ngôi nhà gặp hỏa hoạn cao 6 tầng và 1 tum. Phía trên tầng cao nhất được hàn kín bởi dãy song sắt kiên cố. Các tầng dưới mặc dù có ban công nhưng 3/6 tầng bị chắn bởi các biển quảng cáo cỡ lớn. Duy nhất tầng 5, 6 có lối thoáng nhìn ra phía đường nhưng lại cũng là điểm bốc cháy dữ dội nhất.
Tầng 1, 2 của ngôi nhà chất kín hàng hóa, gồm sơn, keo, máy bơm, vật liệu xây dựng... nên gây khó khăn cho việc thoát nạn và công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Theo khảo sát của phóng viên, nhiều ngôi nhà dọc con phố Định Công Thượng và Định Công Hạ cũng như nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô cũng tự ‘giam mình’ bởi hệ thống rào sắt, lan can và chuồng cọp.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Trong vụ cháy Định Công Hạ, mọi nỗ lực từ người dân và lực lượng chức năng đều bất thành khi căn nhà gần như không còn lối thoát.
Ông Nguyễn Tiến Dũng (60 tuổi, sinh sống ở nhà kế bên) cho biết khi phát hiện khói lửa bùng lên, nhiều người đã dùng gạch đá, búa để phá cửa sổ nhưng bất thành.
“Cửa sổ của căn nhà có 3 lớp là kính cường lực, một lớp chống côn trùng và song sắt kiên cố bên ngoài,” ông Dũng chỉ tay về phía cửa sổ của ngôi nhà nói.
Liên quan đến vụ việc này, ông Bùi Xuân Thái- chuyên gia của Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho biết phần lớn các nhà ở kết hợp kinh doanh hiện nay đều tận dụng cầu thang, mặt tiền nhà hoặc các tầng thấp làm nơi để hàng hóa.
Theo ông Thái, người dân cần lưu ý các vấn đề khi xây dựng và bố trí đồ đạc sinh hoạt.
"Cần đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái," ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt ở nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và mọi thành viên đều biết sử dụng thành thạo. Gia đình nếu có điều kiện cần trang bị hệ thống báo cháy sớm, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà.
"Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ, không để các hàng hóa, vật dụng, đồ dùng dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bố trí đồ đạc, vật dụng trong nhà một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn trong nhà," ông Thái khuyến cáo.
Theo các khuyến nghị của Công an thành phố Hà Nội, đối với mô hình nhà ở kết hợp kinh doanh, mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ khi có cháy xảy ra.
Bên cạnh đó, mỗi hộ dân cần dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp bố trí lồng, lưới sắt phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.
Không có phép màu xảy ra trong vụ cháy vừa qua. Và, bài học cũ vẫn gây ra những nỗi đau mới. Vì vậy, người dân cần phải chủ động phòng ngừa, cảnh giác với ‘giặc lửa,’ đừng để ‘mất bò mới lo làm chuồng’./.