Ngoại giao đa phương đang ngày càng trở thành xu thế nổi bật trong quan hệ quốc tế hiện nay và đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị-kinh tế-đối ngoại của thế giới.
Ngoại giao đa phương Việt Nam ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoạt động ngoại giao đa phương chưa bao giờ sôi động, hiệu quả như trong nhiệm kỳ Đại hội XII, là mốc son trong hoạt động ngoại giao của đất nước thời kỳ đổi mới.
Chủ động, tích cực, có trách nhiệm
Thực hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế," trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM)…
Đặc biệt, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm, là "chủ nhà" của nhiều hội nghị lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần đây là đăng cai Năm APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018).
Thành công của Năm APEC 2017 hay WEF ASEAN 2018 khẳng định khả năng chủ động của Việt Nam tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực, thể hiện qua việc lựa chọn chủ đề và các ưu tiên, đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung, cân bằng, khéo léo điều hòa khác biệt, thúc đẩy tương đồng giữa các bên để tạo sự đồng thuận chung.
Những đóng góp quan trọng của Việt Nam tại các diễn đàn ASEAN, ASEM, Liên hợp quốc với tư cách thành viên cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) với tư cách khách mời cũng được bạn bè, đối tác đồng tình, hưởng ứng tích cực.
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 thu hút sự tham gia của 10.000 đại biểu, trong đó có những nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản… đại diện các thiết chế kinh tế, tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)… Sự kiện là nơi gặp gỡ của hơn 2000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới. Hàng ngàn nhà báo trong nước đã có mặt để đưa những dòng tin, bức ảnh sống động, kịp thời về các hoạt động, sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC.
Trên cương vị chủ nhà, chủ trì, điều hành hoạt động của các ủy ban, nhóm công tác của APEC trong suốt cả năm 2017 với số lượng các cuộc họp, đối thoại, hội nghị nhiều gấp hơn 2 lần so với năm 2006, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực, chủ động, tinh thần trách nhiệm cao.
Tham gia vào “sân chơi” rộng lớn này, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, đồng thời có điều kiện mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác với các đối tác lớn, đối tác quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới, cả trên bình diện đa phương và song phương. Việc đăng cai tổ chức thành công Năm APEC 2017 là bước triển khai thiết thực và mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, “đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương," quảng bá hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế.
Kết quả Năm APEC 2017 tiếp tục nâng cao vị thế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và thế giới. Thông qua Năm APEC 2017, Việt Nam tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.
Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong gần ba thập niên qua, cho thấy vị trí chiến lược, vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam, sự quan tâm của bạn bè khu vực và quốc tế dành cho Việt Nam. Hội nghị có hơn 1.000 đại biểu, số lượng đông nhất từ trước đến nay, trong đó có sự tham dự nhiều nhất của nguyên thủ các nước ASEAN, lãnh đạo cấp cao các nước đối tác, đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực và thế giới; thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế nhiều nhất từ trước đến nay…
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, WEF ASEAN 2018 đã ghi đậm dấu ấn Việt Nam cả về nội dung, công tác tổ chức và điều hành hội nghị, góp phần quan trọng khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới; quảng bá mạnh mẽ và sâu đậm hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập và phát triển, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Thực lực là cái chiêng - ngoại giao là cái tiếng
Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, với tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, năm 2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một văn kiện chỉ đạo riêng về đối ngoại đa phương; đánh dấu cột mốc quan trọng về tư duy đối ngoại, chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia” và phát huy vai trò “nòng cốt," dẫn dắt của Việt Nam.
Có thể khẳng định, Chỉ thị 25 là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa...
Ngay trong năm đầu tiên triển khai Chỉ thị 25, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai, từng bước phát huy vai trò “trung gian, hòa giải” trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai là sự kiện quan trọng của thế giới, thu hút sự tham gia của hơn 2.600 phóng viên quốc tế từ 218 hãng thông tấn, báo chí, truyền thông quốc tế, từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Hà Nội đưa tin, hình ảnh về sự kiện. Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Qua Hội nghị quan trọng này, nhân dân thế giới thấy rõ và hiểu biết nhiều hơn về một Việt Nam yêu hòa bình, một Việt Nam đổi mới.
Năm 2020 có dấu ấn đặc biệt bởi chưa bao giờ trong một năm, Việt Nam đảm nhiệm đồng thời trọng trách Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng nói lên sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, các định chế toàn cầu… Thực tế cho thấy, mỗi lần đăng cai những hoạt động đa phương lớn đều đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước, trong đó có việc nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Nghị quyết Đại hội XII, Đảng xác định: “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh," coi ASEAN là vành đai an ninh trực tiếp của đất nước, là ngôi nhà chung của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á.
[Việt Nam đồng hành cùng Liên hợp quốc ứng phó với thách thức chung]
Trên tinh thần đó, với chủ đề và những ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng," vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, Việt Nam đã làm nên một Năm Chủ tịch ASEAN thành công toàn diện, thực chất cả về chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, số lượng hơn 550 cuộc họp; nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; công tác bảo đảm an ninh, an toàn, lễ tân trọng thị, qua đó quảng bá hình ảnh ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng.
Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ với 15 quốc gia chiếm tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD, tăng trưởng GDP của 15 nước thành viên RCEP ước tính sẽ đạt 137 tỷ USD.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nhận định, việc ký kết RCEP là một “minh chứng cho sức mạnh hiệu triệu và vai trò lãnh đạo của khu vực trong việc thúc đẩy một cấu trúc kinh tế mở, toàn diện và dựa trên các quy tắc." Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường; tiếp tục cùng các bạn bè, đối tác củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phồn vinh ở Đông Nam Á và trên thế giới, tạo nền tảng cơ bản giúp ASEAN vững vàng tiến bước vào năm 2021, cũng được dự báo nhiều thách thức, chông gai.
Trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu), Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tham gia giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia. Việt Nam có hai dịp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an (luân phiên) vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Nhận xét về sự tham gia, cũng như những đóng góp của Việt Nam, ông Jerry Matthews Matjila, Đại sứ Nam Phi tại Liên hợp quốc nói: “Với chính sách đối ngoại độc lập, khi Việt Nam lên tiếng, đó không chỉ là vì lợi ích của Việt Nam mà vì lợi ích của các nước đang phát triển. Với sự tham gia của Việt Nam, các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều có cơ hội trao đổi, thảo luận một cách cởi mở cả trong và ngoài vòng tham vấn của Hội đồng."
Đại sứ Philippe Kridelka, Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chia sẻ, Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới, nhất là ở châu Á, châu Phi và cả châu Âu cũng như Hoa Kỳ. Đại sứ Philippe Kridelka bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể là cầu nối hết sức hiệu quả giữa các nước. Việt Nam sắp tới sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn nữa để Hội đồng Bảo an có được sự đồng thuận.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, hội nhập và phát triển, giải quyết hậu quả chiến tranh, bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ và trẻ em trong hòa bình, an ninh, thúc đẩy nỗ lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, từ tháng 6/2014-12/2020, Việt Nam đã cử 179 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc đánh giá cao, dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ. Đặc biệt, trong sáu năm qua, Việt Nam đã cử 20 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và bốn sỹ quan nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hình thức cá nhân; cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra. Liên hợp quốc đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix đã ghi nhận: “Việt Nam là một nước rất tích cực ủng hộ Liên hợp quốc, nhất là trong hoạt động gìn giữ hòa bình. Suốt những năm qua, Liên hợp quốc đã nhận được sự ủng hộ và khích lệ mạnh mẽ của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ an ninh, hòa bình mà điều này thể hiện rõ nhất ở hai điểm. Thứ nhất, Việt Nam tham gia tích cực và liên tục các sáng kiến liên quan tới gìn giữ hòa bình, luôn nỗ lực để hoạt động này ngày càng có tầm ảnh hưởng tốt hơn. Thứ hai, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia trực tiếp hoạt động gìn giữ hòa bình trên thực địa, nhất là ở các điểm nóng như Nam Sudan."
Năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc, rộng khắp và ở mọi cấp độ, mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Bên cạnh hoạt động trao tặng, viện trợ vật tư y tế, các nhà Lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục có các động thái, phát biểu hối thúc cộng đồng quốc tế, khu vực cùng chung tay chống lại "kẻ thù chung." Một dấu ấn nổi bật của những nỗ lực này là sự kiện ngày 7/12/2020, tại phiên họp toàn thể ở New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua, lấy ngày 27/12 hàng năm là "Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh." Đề xuất của Việt Nam đã được 5 nước tham gia đồng tác giả (Canada, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Senegal, Tây Ban Nha) và 107 nước đồng bảo trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ trì đề xuất thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công một nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm vào công việc chung của Liên hợp quốc và thúc đẩy các vấn đề mà cộng đồng quốc tế quan tâm...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn." Với những thành tựu quan trọng đã đạt được trên các lĩnh vực, Việt Nam ngày càng vững tin trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, chủ động, sáng tạo trong cách làm, hiệu quả trong hành động, từng bước hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng, khát vọng phát triển của dân tộc, đóng góp vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới./.