Dù kinh tế vẫn giữ được tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, nhưng theo nhiều chuyên gia, nếu không có những giải pháp quyết liệt từ phía các cơ quan nhà nước cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp thì rất khó để hoàn thành kế hoạch năm.
Bên lề kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (21/7), đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã chia sẻ một số ý kiến trong việc phát triển kinh tế.
- Ông đánh giá thế nào về những giải pháp mà Chính phủ đưa ra để hoàn thành kế hoạch năm?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Chính phủ đưa ra 12 giải pháp để điều hành kinh tế những tháng còn lại của năm 2016. Trước mắt, chúng ta vẫn còn có dư địa để cố gắng cao nhất và đạt tốc độ tăng trưởng.
Qua báo cáo của Chính phủ, chúng ta nhìn thấy tốc độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chưa đạt được so với cùng kỳ của năm 2015. Nếu ta đẩy nhanh tiến độ, cơ cấu lại đầu tư thì mới đạt được tốc độ tăng trưởng.
Mặc dù có nhiều nhà kinh tế đưa ra những ý kiến trái chiều về bức tranh kinh tế cả năm nhưng phải nhìn tổng thể nền kinh tế và cần để cho Chính phủ làm hết những giải pháp đưa ra qua đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
- Những giải pháp đó đã đủ mạnh để thực hiện được các mục tiêu không thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi phải kiên định làm theo các giải pháp Chính phủ đã đưa ra.
Thực tế, đại biểu Quốc hội cũng phải làm theo nguyên tắc, nếu không bình được về các giải pháp đó mà chỉ nói chung chung thì không giải quyết được vấn đề gì.
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 đưa ra cho chúng ta một bức tranh hiện thực, không tô hồng, không bôi đen để làm cho người nghe thất vọng.
Với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm chỉ là 5,52%, nếu so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn.
Mặt khác, chúng ta cũng chỉ rõ là trong 6 tháng đầu năm, bối cảnh đột biến trong nước và nước ngoài cũng tác động đến kinh tế đất nước.
Cụ thể, với tình hình trong nước, mặc dù giá dầu trong mấy tháng quý 2 có chuyển động tăng lên nhưng xu hướng và mặt bằng chung vẫn chỉ xoay quang 50 USD/thùng, do đó, ngân sách thu từ dầu thô vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh những biến động về địa chính trị ảnh hưởng đến giá dầu, nhiều nước trên thế giới đang phải hạ tốc độ tăng trưởng, trong đó có cả những thị trường lớn đang nhập khẩu của Việt Nam cũng bị suy giảm đã tác động đến bức tranh xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua,
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau 4 năm đạt tốc độ tăng trưởng cao thì từ năm nay tốc độ tăng trưởng dần chậm lại vì công suất của họ đã đạt tối đa. Vì vậy, muốn tăng trưởng thì các nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư tiếp.
Một vấn đề nữa là do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, chỉ tính riêng trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016, chúng ta đã mất 1,3 triệu tấn lúa, điều đó đã tác động lớn đến kinh tế.
- Từ thực tế hiện nay, theo ông có nên xem xét điều chỉnh lại các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Ta đưa ra 3 kịch bản chứ không đưa ra tăng trưởng cả năm là trên 6%. Để đạt con số 6,7% với điều kiện nền kinh tế thế giới tăng trưởng từ 3,2%-3,7%. Nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới giảm xuống dưới 3% thì khó đạt được.
Chúng ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường do vậy nhìn tăng trưởng theo kinh tế thị trường chứ không phải kế hoạch hóa, bắt buộc phải đạt được, mục tiêu đề ra chỉ là căn cứ để điều hành.
- Nếu nhìn vào mức bội chi ngân sách trong 6 tháng đầu năm theo ông khả năng kiểm soát chi ngân sách có giữ được không?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Ở đây có điều ta thấy là trong 5 năm, từ 2011-2015, tốc độ tăng nợ công cao hơn nhiều so với GDP (tăng gấp 2-2,5 lần) đã làm cho mất cân đối khả năng trả nợ.
Đặc biệt là kỳ hạn về nợ công phải trả ngắn hơn tốc độ ta đạt được. Cho nên từ năm 2013-2015, ta phải vay để trả nợ, đó là yếu tố quyết định đến độ tăng trưởng bền vững.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế hoặc của các cơ quan khác đều nhận định dù vẫn có tăng trưởng nhưng chưa bền vững.
- Thời gian qua có nhiều dự án đầu tư nhưng không hiệu quả, vậy theo ông chúng ta cần có những quy định thế nào để quy được trách nhiệm một cách cụ thể?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định để triển khai luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nôm na là xây dựng cơ quan quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện tách bạch vấn đề đại diện chủ sở hữu ra khỏi các cơ quan quản lý nhà nước, đây là bước đi ta đang triển khai.
Với những quy định hiện hành thì tất cả các quyết định đều phải đưa lên trình duyệt tại cấp trên. Đã có phân cấp như vậy thì ai là người phê duyệt sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chúng ta phải tách bạch đâu là phần trách nhiều cá nhân trong quản trị doanh nghiệp và đâu là rủi ro do thị trường để tránh việc hàm oan cho những cán bộ làm quản trị doanh nghiệp, cũng phải có cái nhìn khách quan đối với thị trường.
- Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự thảo Nghị định thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, ông có đánh giá như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Việc này không phải là mới, năm 2011 đã có Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về đổi mới, phát triển hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Điều này còn rất khó khăn nên phải ủng hộ để trước hết là thành lập cơ quan này.
Diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải là Chính phủ, cho nên về mô hình, theo Luật quản lý vốn tài sản Nhà nước, đầu tư sản xuất kinh doanh thì đây là cơ quan hoạt động theo luật tương đương như kiểm toán Nhà nước.
Đó là cơ quan độc lập nhưng trên đó phải có cơ quan quản lý là Chính phủ. Giống như kiểm toán, quốc hội chịu trách nhiệm về hoạt động của kiểm toán.
- Xin cảm ơn ông./.