Đúng một tháng sau khi xảy ra cuộc nổi dậy ở Libya, người dân Syria cũng xuống đường đòi lật đổ Tổng thống Bachar al-Assad. Thậm chí, có những cuộc biểu tình quy tụ cả triệu người tham gia.
Chính quyền Syria cũng đã sử dụng rất nhiều biện pháp mạnh để đàn áp người biểu tình, thậm chí sử dụng cả xe tăng đưa tới Hama, điểm nóng của những người chống đối.
Các tổ chức nhân quyền cáo buộc chính quyền Syria đã giết chết 17.000 người trong các cuộc trấn áp vừa qua. Trong khi đó, chính quyền Syria cũng cho biết có tới 400 nhân viên an ninh đã bị thiệt mạng.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng như các quốc gia phương Tây đã kịch liệt lên án các biện pháp mạnh tay của chính quyền Tổng thống Al-Assad. Các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Arập Xêút cũng gây sức ép mạnh mẽ với Syria. Song chưa có một nghị quyết nào cho phép các lực lượng nước ngoài can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, tình hình tại Syria lại khác nhiều so với tình hình ở Libya.
Thứ nhất, ở Syria không có lực lượng đối lập đủ mạnh giống như Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp ở Libya. Thứ hai là tiềm lực quân sự của chính quyền Damascus khá mạnh, lại thêm sự ủng hộ từ Iran, khiến Mỹ và các nước đồng minh tỏ ra dè dặt trước khả năng can thiệp quân sự vào Syria.
Vì thế, tất cả mới dừng lại ở việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với Syria.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ hầu như không thể có hành động trực tiếp nào để gây sức ép với chế độ Syria vì quan hệ song phương hạn chế và hai bên cũng không có lợi ích chung nào.
Vì thế Washington đang tăng cường sức ép với châu Âu, Nga và Trung Quốc, cũng như tất cả những nước có quan hệ với Damascus./.