Theo trang mạng asiatimes.com, đầu năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc có vẻ mạnh, Bắc Kinh dường như đã ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, quan hệ Trung-Nga nâng lên cấp độ mới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố rằng “thời cơ và động lực” đang đứng về phía Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh siêu cường với Mỹ.
Trong khi đó, nước Mỹ vào thời điểm đó đang bị sa lầy trong tình trạng tê liệt đảng phái, với chương trình nghị sự kinh tế “Xây dựng trở lại tốt hơn” của Tổng thống Joe Biden dường như bị mắc kẹt.
Washington đang quay cuồng với sự giảm sút về uy tín do cuộc rút quân hỗn loạn Mỹ khỏi Afghanistan. Ở châu Á, ngày càng có nhiều lời bàn tán về việc Trung Quốc sẽ thống trị trong thế kỷ XXI.
Một năm sau, kịch bản đã khác. Nền kinh tế Trung Quốc trở nên trì trệ, tăng trưởng chậm lại do chính sách mở rộng can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, các đợt phong tỏa kéo dài để phòng chống COVID-19, khu vực bất động sản lâm vào khủng hoảng và nhu cầu quốc tế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm sút.
[Cạnh tranh Mỹ-Trung và cuộc đua giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á]
Việc Bắc Kinh từ bỏ chính sách “Không COVID” một cách lúng túng đã làm trầm trọng thêm các yếu tố gây căng thẳng trong nước. Mặc dù Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết thế giới, hào quang kinh tế của nước này đã phai nhạt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm.
Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc ở hầu hết các nước phát triển cũng bị ảnh hưởng, một phần là do Trung Quốc ủng hộ Nga, ít nhất là về mặt ngôn từ, trong cuộc xung đột với Ukraine.
Hình ảnh sa sút của Trung Quốc còn do chính sách ngoại giao “Chiến Lang” mang tính dân tộc chủ nghĩa và hoạt động quân sự leo thang của nước này dọc theo các khu vực ngoại vi, bao gồm cả vùng biển và vùng trời quanh Đài Loan (Trung Quốc).
Trong khi đó, bên kia bờ Thái Bình Dương, vị thế chính trị của Tổng thống Biden đã được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn. Ở trong nước, chính quyền của ông Biden đã bảo đảm thông qua Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng như Đạo luật Giảm lạm phát, tổng cộng trị giá hơn 1.000 tỷ USD.
Mặc dù các đạo luật ủng hộ sản xuất trong nước này đã gây ra xích mích với các đối tác thương mại của Mỹ, chúng thể hiện sự đầu tư mang tính thế hệ vào công cuộc đổi mới của Mỹ. Các công ty công nghệ như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Samsung, Micron, SK Hynix, Intel và IBM đã công bố các khoản đầu tư của họ vào sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ, với tổng trị giá vượt 100 tỷ USD.
Mỹ cũng củng cố vị thế của họ ở nước ngoài. Sự thống nhất, đoàn kết xuyên Đại Tây Dương ngày càng sâu sắc do áp lực phải có một phản ứng chung đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Sự phối hợp được tăng cường trong các nhóm theo hướng đến mục tiêu khác, chẳng hạn như nhóm Bộ tứ và Liên minh 3 bên AUKUS. Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến (G7) đã củng cố vai trò với việc các quốc gia thành viên hành động gắn kết hơn để đối phó với những thách thức toàn cầu, trong đó có tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Indonesia.
Quan hệ Mỹ-ASEAN đã được nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương cũng đang tiến triển, bao gồm cả việc Nhà Trắng công bố Chiến lược Đối tác Thái Bình Dương.
Sắp tới, một số điểm nóng tiềm năng sẽ cần được xử lý thận trọng trong năm 2023, bao gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bùng phát xung đột biên giới Trung-Ấn và căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.
Một câu hỏi quan trọng là liệu tiến bộ của Mỹ và những thất bại tương đối của Trung Quốc trong năm qua có tạo điều kiện thuận lợi cho Washington và Bắc Kinh hạ nhiệt hoặc hâm nóng mối quan hệ song phương hay không?
Tổng thống Biden sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị trong nước về việc duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Tương tự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như sẽ không nhượng bộ lùi bước trước các vấn đề đang làm leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, từ góc độ chiến lược, các đối tác toàn cầu của Mỹ sẽ hoan nghênh những nỗ lực của Washington nhằm giảm bớt căng thẳng, ngay cả khi những nỗ lực đó không dẫn đến hành động đáp lại tương xứng từ Bắc Kinh.
Các quan chức Mỹ đang nhận được yêu cầu từ các đối tác nước ngoài về việc quản lý quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc một cách có trách nhiệm. Nhiều quốc gia tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các thách thức trước mắt, chẳng hạn như mực nước biển dâng cao và nợ chồng chất hơn là cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ muốn thấy Mỹ thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu để giải quyết các thách thức chung thay vì tập trung vào các trò chơi “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc.
Thời điểm nhậm chức, chính quyền ông Biden tin rằng họ cần thúc đẩy đầu tư trong nước và tăng cường quan hệ với các đối tác để đặt Mỹ vào “thế mạnh” trong cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Giờ đây, khi họ đã thực hiện các khoản đầu tư lịch sử vào sự đổi mới ở Mỹ và củng cố mối quan hệ với các đối tác toàn cầu, một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu chính quyền ông Biden có trực tiếp giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc hay không?
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ không thể tách rời chiến lược khu vực của họ khỏi chính sách Trung Quốc. Giống như việc Washington không thể đưa ra chính sách đúng đắn đối với Trung Quốc nếu không đặt nó trong một chiến lược khu vực mạnh mẽ, điều này cũng đúng trong trường hợp ngược lại.
Một chiến lược châu Á tốt mà không có chính sách hợp lý đối với Trung Quốc sẽ tạo ra một cách tiếp cận không hoàn chỉnh đối với khu vực.
Mỹ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng 11/2023. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ tận dụng sự kiện này để thực hiện chuyến thăm chính thức tới Mỹ.
Nếu chuyến thăm này thành hiện thực, nó sẽ làm sáng tỏ những câu hỏi trọng tâm trong năm tới - liệu Mỹ và Trung Quốc có tăng cường năng lực xử lý các bất đồng và kiểm soát nguy cơ leo thang hay không?
Liệu họ có tìm ra cách hành động vì lợi ích chung bằng cách tập hợp các khả năng để giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, ổn định kinh tế vĩ mô và sức khỏe cộng đồng? Hay những mâu thuẫn, xung đột giữa hai bên sẽ xác định giới hạn của khả năng giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu?./.