Trang mạng express.co.uk đưa tin năm 2020, quan hệ Australia-Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 và những tranh cãi về vấn đề Biển Đông.
Australia đã tham gia tập trận cùng với Mỹ và Ấn Độ tại vùng biển tranh chấp này, đồng thời kêu gọi quốc tế điều tra trách nhiệm của Trung Quốc trong việc đại dịch bùng phát.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/12 cho biết Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu than của Australia, thay vào đó tăng khối lượng than nhập khẩu từ các nhà cung cấp Mông Cổ, Nga và Indosia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố nói trên của thủ tướng Australia và cáo buộc Australia đang chơi trò “đóng giả nạn nhân.”
[Australia cần làm gì khi quan hệ với Trung Quốc lao dốc?]
Tuy nhiên, chính tờ Thời báo Hoàn cầu - một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đăng tải thông tin Bắc Kinh ban hành chính sách mới cấm nhập khẩu than từ Australia. Chỉ có điều, sau đó thông tin này đã bị gỡ xuống.
Thủ tướng Morrison đã đề nghị Bắc Kinh đưa ra lời giải thích rõ ràng về lệnh cấm nói trên.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi rất không hài lòng với lệnh cấm này. Nó thể hiện thái độ phân biệt đối xử của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Chúng tôi sẽ yêu cầu họ ngay lập tức hủy lệnh cấm và hành xử theo các quy tắc thị trường mà họ từng cam kết khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận thương mại tự do.”
Thủ tướng Morrison sau đó cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng Chính phủ Australia đang làm xấu đi mối quan hệ với Bắc Kinh.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết ông “không nghe thấy” bất kỳ thông tin nào về lệnh cấm nhập khẩu than của Australia, song ông cũng không phủ nhận việc có một lệnh cấm như vậy đang được triển khai.
Sau đó, Uông Văn Bân chỉ trích Australia đang chơi trò "đóng giả nạn nhân" bằng những lời cáo buộc về lệnh cấm nói trên, đồng thời ông lên tiếng than phiền về Canberra khi nói: “Một số người ở Australia đã chơi trò 'đóng giả nạn nhân' khi tìm cách đổ lỗi và ám chỉ Trung Quốc. Đây không chỉ là một động thái gây hiểu lầm mà trên thực tế còn nhằm mục đích đổ lỗi cho nước khác. Điều này là không thể chấp nhận được. Trong nhiều năm qua, Australia đã liên tục chính trị hóa các vấn đề liên quan tới kinh tế, thương mại, đầu tư và thậm chí là cả khoa học công nghệ; đi ngược với nguyên tắc của kinh tế thị trường, các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế; áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Australia ngày càng đi sai đường."
Australia cũng rất kiên quyết trong việc bảo vệ Biển Đông và tháng 7/2020 đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này.
Tháng trước, tàu chiến của Hải quân Australia đã tham gia tập trận chung cùng tàu hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong vùng biển tranh chấp.
Chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan và Australia cũng đã tiến hành một số cuộc đàm phương mại sơ bộ, và điều này khiến Bắc Kinh nổi giận.
Lệnh cấm nhập khẩu than của Australia được cho là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm phản ứng trước việc Canberra kêu gọi quốc tế điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với rượu vang, gỗ, lúa mạch, bia, tôm hùm và thịt cừu của Australia với tổng kim ngạch ước tính lên tới 20 tỷ USD.
Bắc Kinh cũng áp thuế nhập khẩu 80% đối với lúa mạch của Australia. Tháng 11/2020, Trung Quốc tiếp tục cấm nhập khẩu hải sản và áp thuế 212% đối với rượu vang của Australia./.