Trang maplecroft.com của công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft có trụ sở tại London (Anh) mới đây đã công bố đánh giá về tình hình khủng bố trên toàn châu Phi và những tác động tới các hoạt động kinh doanh, đầu tư, đồng thời nhận định rằng bức tranh về tình hình khủng bố năm 2021 không mấy sáng sủa, nội dung như sau:
Bạo lực ở các "điểm nóng" về khủng bố tại châu Phi đang ngày càng trở nên tồi tệ. Nguy cơ xảy ra các vụ tấn công đang gia tăng ở nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả ở một số quốc gia trước đây được coi là an toàn.
Xếp hạng quý 4/2020 đối với 198 quốc gia cho thấy khu vực phía Nam Sahara châu Phi hiện có 7/10 khu vực/quốc gia rủi ro nhất thế giới, khiến châu Phi trở thành lục địa ít có tiến bộ về an ninh nhất trên toàn thế giới.
Ngoài ra, 9 nước khác chứng kiến sự gia tăng đáng kể về tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công, điều đó cho thấy phạm vi và hiệu quả hoạt động của các nhóm khủng bố ở châu Phi đang ngày càng tăng.
Trong quý 4/2020, số vụ khủng bố trên toàn châu Phi tăng 13% so với quý trước đó, gây lo ngại lớn cho các chính phủ cũng như các công ty khai khoáng và năng lượng đang hoạt động ở khu vực.
Chỉ số Cường độ khủng bố của Verisk Maplecroft đánh giá trong 12 tháng qua, 4/5 quốc gia có tình trạng an ninh xấu đi nhanh nhất thuộc châu Phi.
[Tây Phi đối mặt nạn đói gia tăng do thánh chiến và bạo lực]
Burundi có mức tăng rủi ro lớn nhất (tụt 37 bậc, hiện đứng thứ 27 về mức độ nguy cơ). Côte d'Ivoire (thứ 30) và Tanzania (thứ 32) cũng chứng kiến sự tăng cao về nguy cơ; trong khi Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya, Mozambique và Senegal có mức độ an ninh giảm đáng kể.
Các quốc gia châu Phi duy nhất cho thấy sự cải thiện là Rwanda và Cộng hòa Trung Phi.
Khu vực Sahel và các nước lân cận thuộc nhóm có mức độ an ninh thấp nhất toàn cầu
Bạo lực kéo dài ở Burkina Faso, Mali, Niger, Nigeria và Cameroon không có dấu hiệu giảm bớt, nguy cơ đang lan rộng khắp Sahel và một khu vực rộng lớn hơn.
Nhiều quốc gia trong số này hiện là các địa điểm rủi ro nhất thế giới theo Chỉ số Cường độ khủng bố.
Afghanistan, Burkina Faso, Mali, Somalia và Syria được xếp vào các quốc gia có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu, tiếp theo là Cameroon (thứ 6), Mozambique (thứ 7), Niger (thứ 8) , Cộng hòa Dân chủ Congo (thứ 9) và Iraq (thứ 10).
Nền kinh tế lớn nhất châu Phi Nigeria được xếp hạng thứ 11. Tất cả những nước này đều được đánh giá có mức độ “rủi ro đặc biệt.”
Tây Phi hiện phải gánh chịu hàng loạt cuộc tấn công khủng bố, do tình hình an ninh ở khu vực Sahel xấu đi đáng kể và các cuộc tấn công của Boko Haram gia tăng ở Chad, Nigeria và Cameroon.
Mặc dù động cơ và khả năng quân sự của các nhóm khủng bố có sự khác nhau đáng kể, song Verisk Maplecroft nhận định rằng có khả năng các nhóm cực đoan hoạt động ở Tây Phi đang tìm cách khai thác những hạn chế của các chính phủ bị suy yếu bởi đại dịch COVID-19.
Rủi ro đối với các công ty nước ngoài gia tăng khi các mối đe dọa lan sang các quốc gia ven biển
Tình hình Tây Phi xấu đi đã gây ra một loạt rủi ro đối với các nhà khai khoáng trên toàn khu vực - không chỉ đối với tài sản của họ mà còn về nhân sự và các tuyến đường phân phối.
Các công ty khai khoáng hoạt động ở Sahel hiện phải đối mặt nhiều nhất với nguy cơ khủng bố - mặc dù đến nay các nhóm khủng bố đã hạn chế tấn công trực tiếp vào các địa điểm khai thác vàng và urani lớn.
Các nhóm thánh chiến hoạt động ở 3 nước thuộc khu vực Sahel là Mali, Burkina Faso và Niger có khả năng sẽ tiếp tục tránh tấn công trực tiếp vào các địa điểm khai thác, thay vào đó tập trung nguồn lực tấn công các cơ sở của chính phủ và quân đội nhằm làm suy yếu quyền lực của chính quyền và mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ.
Tuy nhiên, các nhà khai thác phụ thuộc vào các tuyến đường hậu cần từ các cảng ở bờ biển Tây Phi có khả năng phải đối mặt với nhiều cuộc phục kích và phong tỏa đường sá để thu phí khi hoạt động ở các nước Burkina Faso và Niger trong năm 2021.
Tương tự như Côte d'Ivoire tụt hạng trong bảng xếp hạng, Verisk Maplecroft dự đoán các nhóm cực đoan hoạt động tại Sahel sẽ tìm cách mở rộng hoạt động sang các quốc gia ven biển Tây Phi, có thể dưới dạng các cuộc tấn công gia tăng vào các cơ sở của chính phủ và quân đội dọc theo biên giới của trung tâm Sahel.
Tuy nhiên, theo dự đoán, rủi ro đối với tài sản của các công ty khai khoáng và dầu mỏ nằm xa các địa điểm này sẽ không đáng kể trong năm tới.
Những vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh ngày càng gây ra quan ngại lớn
Các nhà khai khoáng ở các nước đang diễn ra những chiến dịch khủng bố như Burkina Faso, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mali và Mozambique sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức đáng kể về rủi ro vật chất và danh tiếng do liên quan đến hoạt động của lực lượng an ninh sở tại.
Các chính phủ châu Phi dường như ưu tiên hơn cho cách tiếp cận chống khủng bố thiên về an ninh và những rủi ro tương đối kèm theo, do các hoạt động quân sự quy mô lớn thường có thể dẫn đến những vi phạm nhân quyền đáng kể đối với dân thường.
Với nguồn lực hạn chế có thể sử dụng để giải quyết những bức xúc về kinh tế xã hội của người dân vốn được đánh giá là nguyên nhân thúc đẩy các cuộc nổi dậy này, các chính phủ đang đối mặt với các nhóm khủng bố hoạt động trên lãnh thổ sẽ tăng cường các hoạt động quân sự trấn áp.
Do đó, nguy cơ các vụ vi phạm nhân quyền của lực lượng an ninh sẽ tiếp diễn trong năm 2021 - khiến nhiều quốc gia trong số này nằm trong danh mục “nguy cơ đặc biệt” theo Chỉ số nhân quyền và các lực lượng an ninh của Verisk Maplecroft.
Tuy nhiên, các nhà khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Mozambique sẽ hầu như vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào Chính phủ Mozambique để đảm bảo an ninh.
Do đó, các trường hợp vi phạm nhân quyền ngày càng tăng của lực lượng an ninh sẽ gây ra rủi ro lớn về uy tín cho các công ty liên kết chặt chẽ với các chính phủ sở tại.
Bức tranh về tình hình khủng bố năm 2021 không sáng sủa
Alexandre Raymakers, chuyên gia phân tích cấp cao về châu Phi của Verisk Maplecroft nhận định rằng rất ít khả năng các nhóm khủng bố hoạt động ở khu vực phía Nam Sahara châu Phi sẽ giảm hoạt động trong năm 2021.
Tình trạng suy thoái kinh tế, nguyên nhân chủ yếu là vì dịch COVID-19, đang làm cạn kiệt ngân quỹ của các chính phủ, các nước sẽ phải vật lộn để thực hiện các chiến lược chống khủng bố toàn diện cần thiết nhằm ngăn chặn những mối đe dọa an ninh này.
Ngay từ bây giờ, các công ty cần đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa để xác định các mối đe dọa mới xuất hiện và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh trong tương lai.
Chuyên gia Raymakers nói: “Đối với các nhà khai khoáng ở châu Phi, đây là điều bắt buộc”./.