Thế giới năm 2015 đầy biến động với hàng loạt cuộc khủng hoảng và thách thức mới, trong đó phải kể tới cuộc khủng hoảng người di cư và nguy cơ khủng bố đe dọa an ninh toàn cầu.
Chính cuộc chiến chống kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến Nga và phương Tây xích lại gần nhau, đồng thời giúp Moskva phá thế bị bao vây cô lập và lấy lại vị thế cường quốc trong hàng loạt hồ sơ quốc tế quan trọng.
Tuy nhiên, những gì vừa diễn ra cuối năm như việc Mỹ bổ sung hàng chục cá nhân và tổ chức của Nga vào danh sách trừng phạt, hay Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva, một lần nữa cho thấy quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn còn quá nhiều mâu thuẫn.
Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, mà một trong những hiện thân là IS, Nga và Mỹ đã có lúc "sát cánh bên nhau." Sự kiện nổi bật cho xu thế đó là cuộc gặp tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ) giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Mặc dù cuộc gặp chỉ kéo dài 35 phút, song giới quan sát đã nhận thấy sự thay đổi thái độ của Washington trong tuyên bố của Nhà Trắng khi không còn những lời công kích Moskva liên quan đến vấn đề Syria và Ukraine.
Việc Moskva mở chiến dịch không kích chống IS tại Syria theo đề nghị của chính phủ Damascus đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố, buộc Mỹ và các đồng minh phải xem xét đến vai trò của Nga cũng như vấn đề hợp tác với Moskva trong các nỗ lực này.
Tổng thống Pháp Francoise Hollande thậm chí còn dự báo sẽ có một liên minh rộng lớn hơn bao gồm cả Nga và Mỹ trên cùng một mặt trận chống IS.
Với sự tham gia tích cực của Nga cùng những bước hợp tác ban đầu giữa Moskva và Washington, nhiều vấn đề quốc tế gai góc đã được giải quyết hoặc có những tín hiệu khả quan sau thời gian dài bế tắc.
Không thể không nhắc đến vai trò của Nga trong việc đạt được thỏa thuận khung cho chương trình hạt nhân của Iran, tháo gỡ mối lo ngại kéo dài hơn 11 năm qua về khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của nước này.
Cuộc khủng hoảng Syria cũng có những biến chuyển bước đầu khi Nga và Mỹ chia sẻ quan điểm chung về tiến trình chính trị tại Syria. Thay vì kiên quyết yêu cầu Tổng thống Syria Bashar Al-Assad phải ra đi thì nay cả Tổng thống Mỹ B.Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đều thừa nhận vai trò của ông Assad trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị ở quốc gia Trung Đông này.
Mặc dù sự căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã có dấu hiệu lắng dịu, song trên thực tế hai bên vẫn chưa tháo gỡ được những mâu thuẫn, bất đồng cơ bản.
Hiện, vẫn tồn tại hai liên minh riêng rẽ do Mỹ và Nga đứng đầu trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, và nguy cơ “va chạm” trực tiếp hoặc gián tiếp giữa máy bay của hai bên hoàn toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Thậm chí cho đến nay, Mỹ vẫn khẳng định chưa có kế hoạch liên kết với Nga để thành lập một liên minh chung trong cuộc chiến chống IS, kể cả sau chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 15/12 vừa qua.
Dù hai bên không còn nêu điều kiện về tương lai của Tổng thống Bashar Al-Assad, song đây vẫn là “hòn đá tảng” cản đường một liên minh toàn cầu chống IS cũng như là trở ngại đối với tiến trình chính trị nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria vốn bế tắc nhiều năm qua.
Hơn nữa, sự thiếu lòng tin giữa cơ quan tình báo Nga và Mỹ luôn khiến cho việc hợp tác giữa hai bên trở nên khó khăn.
Trong vấn đề Ukraine, bất chấp sự “nhượng bộ” của Moskva khi quyết định cho Kiev giãn thời hạn trả nợ, song Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Nga bằng việc gia hạn các biện pháp trừng phạt.
Moskva đã chỉ trích hành động trên của EU và Mỹ là sai trái, mang tính thù địch và Nga sẵn sàng có các biện pháp đáp trả. Trong khi đó, cho đến nay, việc thực thi thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn “giậm chân tại chỗ.”
Trong bối cảnh đó, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục triển khai các thành phần của hệ thống "lá chắn tên lửa" tại các nước Đông Âu sát biên giới Nga.
Mới đây nhất, Moskva đã lên án hành động của Mỹ bố trí các hệ thống phóng tên lửa Mk41 tại cơ sở của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania là vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
Dù quan hệ Nga-phương Tây có dấu hiệu “ấm lên” trong năm 2015, song trên thực tế, đó là sự “hợp tác trong đối đầu,” đặc biệt khi nhiều vấn đề quốc tế không thể giải quyết được nếu thiếu vai trò của một nước Nga ngày càng quyết đoán và mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Để Nga và phương Tây có thể hợp tác hiệu quả trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như cuộc khủng hoảng Syria, Ukraine, sự hoành hành của IS,… điều mấu chốt là các bên phải có sự nhượng bộ lẫn nhau, thu hẹp bất đồng và xây dựng được lòng tin chiến lược./.