Ngày 23/12, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam (29-31/12).
Triển lãm giới thiệu về quá trình lịch sử vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ người làm báo đã đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
[Nhà báo Lê Quốc Minh giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam]
Ở phần đầu tiên, triển lãm sẽ giới thiệu về Bác Hồ “Người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam” và Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ra đời ngày 15/4/1865, mở ra trang đầu cho sự phát triển của báo chí nước nhà.
Tờ báo nhằm trang bị lý luận, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đồng thời xuất bản Báo Thanh Niên. Tờ báo ra số đầu vào ngày 21/6/1925, phá vỡ thế độc quyền báo chí của thực dân Pháp, khai sinh dòng báo chí cách mạng Việt Nam.
Ở nội dung tiếp theo, ban tổ chức sẽ giới thiệu về quá trình vận động thành lập và những tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam, giai đoạn năm 1925-1945 với bước phát triển vượt bậc.
Ngày 27/12/1945, tại Hà Nội, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập. Hai năm sau, Đoàn Bảo chí Kháng chiến được thành lập, tập hợp báo giới trong một đoàn thể cứu quốc thống nhất, có tổ chức chặt chẽ, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh.
Ngày 21/4/1950, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra đời, với tên gọi ban đầu là Hội Những người viết báo Việt Nam. Nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng, là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội.
Tiếp đó, triển lãm cũng điểm lại hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và báo chí Việt Nam trong cuộc cách mạng và kháng chiến chống Pháp; Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước; Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới…
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay một số hiện vật tiêu biểu tại triển lãm bao gồm: Sổ tay ghi chép của nhà báo Nguyễn Tường Phượng; bộ ký giả của nhà báo Xuân Thủy sử dụng tại Đại hội lần thứ II năm 1959; bộ bàn ghế mây của nhà báo Hoàng Tùng; áo trấn thủ của Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Trần Công Mân do đồng nghiệp từ Bulgaria tặng; tài liệu họp báo quốc tế của phái đoàn Việt Nam tại Paris thời kỳ 1968-1973...
“Cùng với các hiện vật gốc về Hội Nhà báo Việt Nam trong 7 thập kỷ hình thành và phát triển, các hội viên, nhà báo và công chúng cả nước sẽ có dịp ôn lại những chặng đường lịch sử của đất nước, của báo chí nước nhà, qua đó hiểu hơn về những năm tháng làm báo gian nan, vất vả, nhiều mất mát, hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang và tự hảo của các nhà báo lớp trước,” ông nói.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 6/1/2022 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội./.
Cũng trong lễ khai mạc triển lãm, các đại biểu đã xem bộ phim tài liệu “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” nói về lịch sử của Hội nhà báo Việt Nam, khơi gợi tinh thần “nhà báo là chiến sỹ,” nêu bật vai trò của người làm báo qua các thời kỳ. Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết bộ phim dài 32 phút, là sự nỗ lực của Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Truyền hình Nhân Dân và các đơn vị liên quan. Bộ phim có nhiều tư liệu và hình ảnh quý giá, lần đầu tiên được công bố. Bộ phim sẽ được trình chiếu trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam đồng thời phát sóng trên các kênh của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để phục vụ công chúng. |