Năm 2018 khép lại, "bức tranh ngân hàng" nhìn chung ghi nhận nhiều điểm sáng như dự trữ ngoại hối và kiều hối đạt mức kỷ lục, tăng trưởng tín dụng được kìm hãm, lợi nhuận cao... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số thách thức như lãi suất huy động tăng, thiếu vốn trung dài hạn...
Dự trữ ngoại hối quốc gia đạt mức kỷ lục hơn 63 tỷ USD
Vào tháng 6/2018, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố con số dự trữ ngoại hối lên tới 63,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước đến thời điểm công bố. Tuy nhiên, từ tháng Sáu đến nay, con số này đã không được Ngân hàng Nhà nước cập nhật thêm lần nào.
[Khát vốn dài hạn, ngân hàng dồn dập phát hành trái phiếu]
Những tháng đầu năm, khi cung cầu ngoại tệ khá thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước tranh thủ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đặc biệt, từ 7/2/2018, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng để trì hoãn việc đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ, góp phần kiểm soát nguồn tiền cung ứng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Từ tháng Sáu, thị trường ngoại tệ chịu các áp lực từ diễn biến tiêu cực trên thế giới và tâm lý nhà đầu tư trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định thị trường, đảm bảo các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt.
Tỷ giá trung tâm tăng tới 400 đồng
Sáng ngày 28/12 - ngày làm việc cuối cùng trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm VND/USD thêm 20 đồng lên mức 22.825 đồng, cũng là mức cao nhất trong năm 2018.
Như vậy, so với đầu năm, mức tăng của tỷ giá trung tâm VND/USD tròn trịa ở 400 đồng, tương đương 1,78%, hoàn thành mục tiêu kiểm soát tỷ giá tăng không quá 2% Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra từ đầu năm, đánh dấu một năm tiếp tục điều hành thị trường ngoại hối thành công, dù đã có những thời điểm thị trường chịu không ít áp lực và có những nghi ngờ nhà điều hành sẽ khó "gìm cương" tỷ giá.
Nếu so với mức tăng 1,2% trong cả hai năm gần nhất là 2016 và 2017 thì mức tăng 1,78% trong năm 2018 là cao hơn, tuy nhiên điều này là cần thiết trong bối cảnh các đồng nội tệ của các quốc gia khác đã bị phá giá khá mạnh so với USD, vô tình khiến tiền đồng bị tăng giá so với các ngoại tệ khác, gây áp lực lên năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Lượng kiều hối về nước đạt 15,9 tỷ USD
Theo thông tin từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong năm 2018, lượng kiều hối gửi về nước ước đạt 15,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước. Đáng chú ý, 12 năm trở lại đây, lượng kiều hối gửi về nước liên tục tăng ổn định trong khoảng 10-15% mỗi năm.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 4,5 triệu người, có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, 80% sinh sống tại các nước phát triển. Bên cạnh đó, có gần 3.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động, đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018.
Tín dụng thấp nhất trong 4 năm
Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 4 năm, chỉ đạt khoảng 14-15% (theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia). Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hãm tốc độ tăng trưởng tín dụng là hợp lý khi quy mô tín dụng/GDP hiện nay khá cao khoảng 135%. Hơn nữa, thực tế cho thấy, dù tăng trưởng tín dụng thấp, nền kinh tế vẫn đạt được mức tăng trưởng khá cao, GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tín dụng được hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cùng với các lĩnh vực ưu tiên, trong khi đó kiểm soát chặt hơn ở nhóm có nhiều rủi ro như chứng khoán và bất động sản...
Ban hành Nghị định 116 về tín dụng “tam nông” hạn chế tín dụng đen
Ngày 7/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Điểm mới ở Nghị định 116 là tăng gấp đôi mức cho vay không cần tài sản bảo đảm đối với hộ nông dân, chủ trang trại. Cùng một loạt cơ chế mới như: cho vay tối đa 70% tổng mức dự án (không thế chấp), cho phép dùng tài sản trên đất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới…) để thế chấp, Chính phủ muốn trợ lực cho mục tiêu “nông nghiệp sạch” và “ứng dụng công nghệ cao” đã đề cập nhiều lần trước đó.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng này góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng khách hàng thiếu vốn sản xuất kinh doanh và không có tài sản bảo đảm phải tìm đến các nguồn vốn khác như tín dụng đen.
Lợi nhuận vẫn cao
Mặc dù tăng trưởng tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng nhưng năm 2018 vẫn ghi nhận những mức lãi kỷ lục ở nhiều nhà băng.
Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính, lợi nhuận sau thuế của hệ thống các tổ chức tín dụng năm qua tăng khoảng 40%. Cùng với đó, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn với giá trị xử lý được tăng 30% so với năm ngoái.
Nhiều ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu
Bên cạnh cuộc đua lãi suất, một cuộc đua song song khác để huy động vốn diễn ra trong năm qua là việc nhiều nhà băng phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn.
Điển hình là BIDV phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu, VietinBank phát hành 450 tỷ đồng Ngân hàng MB phát hành thành công trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. VIB phát hành trái phiếu thành công huy động được 2.800 tỷ đồng và muốn làm tiếp đợt 2... HDBank tiếp tục huy động thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm sau đợt phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trước đó...
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do các ngân hàng đang "khát" vốn dài hạn để cải thiện lại hệ số an toàn vốn tối thiểu. Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, việc này chỉ giải quyết tình thế, không phải là giải pháp lâu dài được. Vì nếu lạm dụng phát hành trái phiếu sẽ tạo ra rủi ro cho ngân hàng trong tương lai, ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi huy động vốn trung-dài hạn thường có lãi suất cao.
Lãi suất huy động tăng mạnh
Cùng với sự đi lên của tỷ giá thì lãi suất cũng tăng mạnh trong năm vừa qua. Đầu tiên phải kể đến trên thị trường liên ngân hàng, suốt từ tháng Tám tới cuối năm, các ngân hàng phải vay mượn nhau với lãi suất đắt đỏ, trong đó kỳ hạn qua đêm thường xuyên duy trì trên 4,5%/năm, thậm chí có những kỳ hạn dài lãi suất lên đến trên dưới 6%/năm.
Ở thị trường 1, tức là thị trường phục vụ dân cư và tổ chức, lãi suất huy động vốn cũng được đẩy tăng lên tục trong 5 tháng cuối năm với quy mô rộng khắp. Tại thời điểm cuối tháng 12, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng ở nhiều ngân hàng lên đến kịch trần 5,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến hơn 7%/năm, một số ngân hàng đẩy lên cao tới 7,2 – 7,5%/năm; còn lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên nhiều ngân hàng tăng lên tới hơn 8%/năm.
Mặc dù lãi suất đầu vào tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn được đa số các ngân hàng giữ nguyên cho đến hết năm 2018 đối với các lĩnh vực chủ chốt như sản xuất kinh doanh, cho vay nông nghiệp, công nghệ cao... Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, BOT thì lãi suất cho vay có nhích nhẹ từ 1-1,5% vì Ngân hàng Nhà nước có chủ trương siết vốn vào những lĩnh vực này. Các chuyên gia cũng thừa nhận nếu lãi suất huy động vẫn tăng ở đầu năm 2019 thì khó có thể giữ nguyên được lãi suất đầu ra ở các mức như năm trước./.