Nhìn lại những điểm "sáng" và "tối" của hiệp định NAFTA 2.0

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã phân tích những điểm 'sáng' và 'tối' của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Quốc kỳ Canada, Mexico và Mỹ tại vòng 3 tái đàm phán NAFTA ở Ontario, Canada ngày 24/9/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đã đăng bài phân tích về Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), của chuyên gia William Reinsch.

Nội dung như sau:

Phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ phần lớn là thở phào nhẹ nhõm, song hiệp định mới này cũng bao gồm nhiều rào cản thương mại mới. Đàm phán về việc thay thế NAFTA luôn bao gồm 2 phần - nâng cấp và "thuốc độc."

Nâng cấp là những điều khoản đã khiến NAFTA vững mạnh bước vào thế kỷ XXI - một chương về thương mại kỹ thuật số, cải tiến sở hữu trí tuệ... Những thứ đó là cần thiết, được ủng hộ mạnh mẽ và được đưa vào thỏa thuận, đây là tin tốt cho mọi người.

Một tin tốt nữa là không ai phải uống quá nhiều cái gọi là "thuốc độc." Chương 19 và 20 về giải quyết tranh chấp vẫn hầu như không thay đổi, mặc dù có thể được đánh số lại. Điều khoản quy định thời gian và điều kiện để thỏa thuận kết thúc được thỏa hiệp hợp lý và cơ cấu cẩn thận nhằm đảm bảo việc xem xét lại thỏa thuận sẽ không xảy ra cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời nhiệm sở. Các điều khoản về mua sắm hiện tại của chính phủ có vẻ được giữ nguyên đối với Canada, còn Mexico thì không.

Một nội dung thay đổi đáng kể là điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước (ISDS) sẽ dần dần bị rút bỏ đối với Canada và bị cắt giảm đáng kể đối với Mexico. Mặc dù Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer rất hài lòng về điều này, nhưng bên được lợi nhiều nhất là Canada, quốc gia vốn là "bị cáo" thường xuyên nhất trong các vụ kiện ISDS.

Bây giờ, các công ty Mỹ bị ảnh hưởng sẽ phải tìm cách giải quyết tại các tòa án ở Canada. Điều khoản về môi trường đối với xe ôtô có vẻ như bị bỏ qua khiến các nhà sản xuất xe hơi rất hài lòng.

Về mặt tiếp cận thị trường, Chính quyền Trump đang khoe khoang về việc gia tăng tiếp cận thị trường sữa của Canada là một chiến thắng thực sự, nhưng những thiệt hại đối với nông dân Mỹ tước việc Canada và Mexico đánh thuế các sản phẩm thép của Mỹ còn vượt xa những lợi nhuận thu được từ ngành sữa. Và hàng rào thuế quan đó còn nguyên vẹn ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Tương tự, các quy tắc mới về xuất xứ của xe ôtô có thể dẫn đến gia tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ - nhưng với cái giá phải trả là giá xe cao hơn.

Ở điểm này, Chính quyền Trump xứng đáng nhận được sự tín nhiệm cho một động thái thông minh. Không thể đạt được sự đồng thuận về những yêu cầu cụ thể liên quan đến linh kiện ôtô do Mỹ sản xuất, Mỹ quay ra yêu cầu về tỷ lệ phần trăm sản phẩm do các công nhân kiếm được nhiều hơn 16 USD/giờ lao động. Vì công nhân Canada và Mỹ đã có mức lương tối thiểu đó, nên điều này buộc Mexico phải nhập nhiều thiết bị ôtô của Mỹ và Canada cho ôtô sản xuất tại Mexico, chứ không phải là khuyến khích Mexico tăng lương cho người lao động. Điều đó làm tăng giá xe và khiến ngành công nghiệp ôtô của Mỹ ít có sức cạnh tranh hơn trên toàn cầu.

Nói cách khác, điều này khuyến khích các công ty từ bỏ nỗ lực tuân thủ các yêu cầu về xuất xứ trong USMCA để chịu thêm mức thuế 2,5%.

Chính quyền Trump dự đoán rằng bằng cách thêm các nội dung về đánh thuế vào USMCA, có thể kiềm chế các nhà sản xuất ôtô Canada và Mexico xuất khẩu xe sang Mỹ ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, điều đó sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào trong ngắn hạn, bởi mức thuế quan chưa được áp dụng khi tiến trình đánh giá các vấn đề liên quan an ninh quốc gia theo Điều 232 của Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa hoàn thành, đồng thời do các giới hạn cho phép tăng trưởng còn khá cao so với mức xuất khẩu hiện tại. Sau này, những quy định này có thể trở thành rào cản đáng kể.

[Tổng thống Mỹ ca ngợi Canada, Mexico là đối tác thương mại "tuyệt vời"]

Các điều khoản về ôtô được thực hiện cùng nhau giống như thí nghiệm với một quả bóng bay. Nếu bạn đẩy nó xuống ở một nơi, nó sẽ xuất hiện ở nơi khác. Nếu bạn đẩy xuống nơi thứ hai, nó sẽ xuất hiện ở vị trí thứ ba.

Cuối cùng, khi bạn để quả bóng bay tuột khỏi ngón tay, nó có thể bật ngược lên. Đây chính là bài học dành cho những người đang cố gắng buộc người khác bỏ qua thực tế khách quan của thị trường. Đó được gọi là lý thuyết "bóng bay trong thương mại" - vấn đề trái ngược với lý thuyết "xe đạp trong thương mại" nổi tiếng hơn nhiều.

USMCA có hơn 1.100 trang tiếng Anh và các chuyên gia vẫn còn phải nghiên cứu nhiều nữa. Giống như những người tiền nhiệm, Chính quyền Trump nhận ra ngay những điểm tốt ban đầu của thỏa thuận, song dần dần sẽ khám phá ra những điều khoản có vấn đề. Dù thế nào đi chăng nữa, Chính quyền Trump cũng vẫn xứng đáng nhận được sự biểu dương khi kết thúc được một thỏa thuận với sự tham gia của cả Canada và Mexico, mặc dù những cải thiện còn khiêm tốn.

Thực tế, nỗ lực xây dựng bức tường kinh tế bao quanh khắp nước Mỹ không được thực hiện chính là tin tốt, mặc dù Chính quyền Canada và Mexico có thể xứng đáng được tín nhiệm nhiều hơn Chính quyền Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục