Nhìn lại những đánh giá độc đáo của cụ Phan Huy Chú về người Hà Lan

Cuốn sách "Việt Nam - Amsterdam: Quan hệ lịch sử" do Cơ quan lưu trữ thành phố Amsterdam, Hà Lan, phát hành cho biết cụ Phan Huy Chú đã từng có những nhận xét thú vị khi ghé thăm thương điếm Hà Lan.
Nhìn lại những đánh giá độc đáo của cụ Phan Huy Chú về người Hà Lan ảnh 1Tranh vẽ thương điếm Hà Lan ở Batavia. (Nguồn: JHNA.org)

Cuốn sách "Việt Nam - Amsterdam: Quan hệ lịch sử" do Cơ quan lưu trữ thành phố Amsterdam, Hà Lan, phát hành cho biết cụ Phan Huy Chú đã từng có những nhận xét thú vị khi ghé thăm thương điếm Hà Lan.

Theo cuốn sách, vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, vua chúa Việt Nam thường cử sứ giả sang các thương điểm của người châu Âu ở châu Á. Các sứ giả này không chỉ mua sắm vũ khí và hàng hóa khác, mà còn phải nói lại cho nhà vua biết về những người châu Âu.

Mùa Đông năm 1833, một sứ bộ khởi hành trên ba thuyền buồm lớn từ Việt Nam sang Tân Gia Ba (Singapore) và Giang Lưu Ba (Batavia - Indonesia), những nơi là tổng hành dinh của Hà Lan ở phương Đông. Một trong các sứ giả hiện diện trên thuyền là nhà bác học nổi tiếng Phan Huy Chú. Cụ đã ghi lại chuyến công cán này trong tập Hải Trình Chí Lược, với những miêu tả sống động về người Hà Lan.

Phan Huy Chú đánh giá rất cao Batavia: "Từ bến cảng trở lên, nhà ngói chen chúc ước tới vài mươi dặm. Hai bên đường thì nhà lầu đối nhau, hàng hóa la liệt. Dọc theo phố có những con kênh thông với cảng; thuyền bè qua lại, trên xe ngựa nối nhau đi như dòng nước chảy; có những ông mặc áo trắng như tuyết ngồi trên xe có nệm hoa."

Phan Huy Chú để ý đến quần áo trắng vì ở Việt Nam khi ấy màu trắng gắn với tang tóc. Phan Huy Chú đánh giá cách giáo tiếp của người Hà Lan cũng khác hẳn phong tục của người Việt, vốn chịu ảnh hưởng Nho giáo và đề cao tôn ty đẳng cấp trong xã hội.

Cụ thấy người Hà Lan ở Batavia quý phụ nữ, coi trọng quần áo và đồ trang sức của nữ giới. "Mỗi khi ra ngoài, lúc lên xe thì chồng đỡ vợ lên trước. Khi có khách đến nhà chơi thì phụ nữ tiếp chuyện cười nói thân mật; không có thói phải lánh mặt trong buồng riêng, đó cũng là do tập tục vậy." Còn phụ nữ ở Việt Nam thì phải phục tùng chồng.

Phan Huy Chú nhận xét người Hà Lan có quan hệ rất giản dị: "Họ không chuộng đẳng cấp, quyền uy. Khi lên xe, khi ngồi ghế thì quan và dân đều ngang hàng nhau. Lúc chào nhau thì chỉ bắt tay nhau bằng tay phải để tỏ lòng kính trọng. Người dưới yết kiến người trên, không có khúm núm."

Cụ tỏ ra ngưỡng mộ những sản phầm công nghiệp của người Hà Lan. Cụ miêu tả những sản phẩm như máy cưa gỗ và tàu thủy chạy bằng hơi nước. "Không cần nhờ gió thổi vào cánh buồm: chỉ trong khoảnh khắc tàu chạy về hướng nào cũng được. Từ bờ biển trông ra xa, đã thấy thần kỳ," Phan Huy Chú viết về tàu thủy.

Cụ muốn giải thích hoạt động của nhiều loại máy lạ, nhưng không thể nào kể hết được: "Đồ dùng của Hà Lan đại khái đều tinh xảo. Ví như đồng hồ và tàu chạy bằng hơi nước đều gần như đạt cái khéo léo của tạo hóa. Máy móc bên trong tinh vi, bí mật khó hình dung được."

Phan Huy Chú chỉ có một đánh giá thấp duy nhất, khi nhận xét người Hà Lan không biết đến lễ giáo của Nho học.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục