Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có xuất bản.
Vượt qua khó khăn, ngành in, xuất bản và phát hành đã thực hiện nhiều hoạt động cũng như đề ra các chương trình ý nghĩa nhằm thúc đẩy văn hóa đọc; đồng thời hướng đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm 2022.
Nỗ lực vượt đại dịch
Năm 2021, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Trong hoàn cảnh đó, cơ quan chức năng cùng các đơn vị trong ngành sách đã tìm cách nỗ lực vượt qua với nhiều giải pháp tích cực.
Bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về tiền thuê nhà, đất; thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ các nhà xuất bản, cơ sở phát hành; xây dựng, triển khai một số chính sách phát triển xuất bản điện tử; ban hành Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đề án đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2026 trình Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19...
Cơ quan quản lý và các đơn vị trong ngành sách đã phối hợp nhiều hoạt động, chương trình có ý nghĩa, nhằm thúc đẩy phát triển triển văn hóa đọc. Có thể kể đến như sự kiện: Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8, khai mạc tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu cho nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc.
Tuần lễ hưởng ứng Ngày Sách với loạt sự kiện triển lãm, tọa đàm, trưng bày, giao lưu hấp dẫn được tổ chức, thu hút đông đảo độc giả tham gia.
Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2021 tiếp tục diễn ra tại sàn Book365.vn từ 17/4 đến 16/5, nối tiếp thành công của hội sách năm 2020. Hội sách trực tuyến quốc gia thành công khi có sự hưởng ứng của gần 100 đơn vị xuất bản, phát hành trong và ngoài nước
Trong một tháng diễn ra, hội sách có hơn 5,9 triệu lượt truy cập, cung cấp hơn 40.000 cuốn sách tới tay bạn đọc. Trong 27.000 đơn sách, hơn 60% đơn vận chuyển tới tỉnh thành xa, ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này chứng minh cho sự lan tỏa của hội sách tới bạn đọc vùng sâu, vùng xa-những nơi công chúng ít có điều kiện hưởng thụ sách như ở đô thị. Với thông điệp “Sách cho mọi nhà-đưa sách đi xa,” thông qua hội sách, nhiều tác phẩm hay, hữu ích đã tới bạn đọc cả nước.
[Ngành xuất bản thời COVID: Tìm hướng đi mới trong khó khăn]
Dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Hội Xuất bản Việt Nam đã cùng các đơn vị tổ chức thành công giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư.
Sự kiện diễn ra ngày 12/11/2021, tại Hà Nội, tôn vinh 24 tên sách, bộ sách. Là sự kiện được mong đợi của ngành xuất bản, giải thưởng theo sát đời sống, hơi thở xuất bản, không chỉ tôn vinh sách giá trị, còn trao giải cho các cuốn sách được đông đảo bạn đọc đón nhận; khẳng định được uy tín, vị thế đối với người làm sách và đông đảo công chúng.
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, nhiều đơn vị xuất bản đã có những hoạt động thiết thực đóng góp vật chất cũng như chia sẻ tinh thần với người dân đang sống trong khu giãn cách, phong tỏa. Một số đơn vị có nhân viên trực tiếp tham gia công tác chống dịch.
Nhiều đơn vị sách thực hiện chương trình cổ vũ, chăm sóc tinh thần người dân đang sống trong vùng giãn cách, phong tỏa, tiêu biểu là chương trình "Sách trao tay, học ngày giãn cách" do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.
Chương trình có sự hưởng ứng của hàng chục đơn vị xuất bản, phát hành, tặng hơn 10.000 ấn bản sách giấy, tạp chí đến tận tay người dân thành phố. Bên cạnh đó, các chương trình tặng sách của từng đơn vị riêng lẻ, tặng ebooks, sách nói cho người dân trong khu cách ly, phong tỏa.
Nhiều chương trình quyên góp, tặng thiết bị y tế chống dịch đã được thực hiện như quyên góp mua máy thở nhằm hỗ trợ bệnh nhân nặng của Công ty Cổ phần Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa); đấu giá sách đặc biệt góp quỹ chống dịch của Đông A; ATM gạo của Thái Hà Books và Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng…
Đáng chú ý, ngày 15/12/20121, Hội Xuất bản Việt Nam chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023. Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á thành lập năm 2005, tới nay có 9 thành viên. Mục tiêu của Hiệp hội là phối hợp, hỗ trợ cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hoạt động xuất bản của từng nước thành viên, cũng như hoạt động xuất bản ở khu vực và thế giới. Sự kiện này đã góp phần nâng tầm vị thế của ngành sách Việt Nam trong khu vực, quảng bá đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Đẩy mạnh mảng sách điện tử
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021, doanh thu xuất bản ước đạt 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 2.665 tỷ đồng của năm 2020, giảm mạnh so với doanh thu 4.326 tỷ đồng của năm 2019. Cục đã cấp 4.515 giấy xác nhận đăng ký xuất bản (giảm 11%), cấp 5 đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử cho các nhà xuất bản...
Biến khó khăn do đại dịch COVID-19 thành cơ hội, nhiều nhà xuất bản đã sớm triển khai việc xuất bản sách điện tử và bán hành trực tuyến. Bên cạnh phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các đơn vị xuất bản đã đầu tư làm nhiều đầu sách chất lượng phục vụ bạn đọc; trong đó các thể loại sách khoa học công nghệ, về chuyển đổi số, kỹ năng sống, hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm… được quan tâm xuất bản với số lượng lớn.
Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Chí Đạt cho biết trong năm 2021, nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông tập trung cải tiến, giới thiệu sách trên sàn thương mại điện tử sách giấy (Book365.vn) và nền tảng xuất bản điện tử (ebook365.vn); đưa kế hoạch chuyển đổi số vào chương trình hành động "Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển của nhà xuất bản."
Đặc biệt, cuốn "Cẩm nang phòng, chống COVID-19 trong đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động" (sách giấy và ebook) của đơn vị đã tạo tiếng vang khi có tới hơn 120.000 người đọc. Cuốn sách còn được một số bộ, trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố đăng tải, phổ biến rộng rãi. Trong số 601 đầu sách đơn vị đã thực hiện trong năm 2021, số lượng sách giấy là 319; ebook là 282. Tổng số ebook đạt 47% (kế hoạch được giao là 40%).
Một số mảng đề tài đã được các nhà xuất bản được chú ý đầu tư khoa học bài bản hơn như: xây dựng nông thôn mới; phổ biến chính sách, pháp luật, kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật; các ấn phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; lịch sử, văn học được xuất bản dưới nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện tranh dành cho thiếu nhi, cẩm nang bỏ túi... đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.
Thạc sỹ Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ: Nhà xuất bản đã tổ chức số hóa toàn bộ kho sách của nhà xuất bản từ năm 1946 đến nay là cơ sở dữ liệu cho việc xuất bản điện tử.
Trang Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn (thuviencoso.vn) ra mắt bạn đọc từ 2020 cung cấp miễn phí hơn 400 đầu sách của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã được xuất bản, phát hành (từ đầu năm 2009 đến 2020) và một số ấn phẩm có giá trị đã được xuất bản phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Đồng thời, nhà xuất bản đã xây dựng và vận hành trang sách điện tử Stbook.vn từ cuối năm 2020, đến nay đã xuất bản, phát hành gần 300 ấn phẩm điện tử, trong đó có nhiều ấn phẩm miễn phí. Tháng 9/2020, nhà xuất bản đã cho ra mắt Tủ sách điện tử Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (trên Stbook.vn) với khoảng 50 đầu sách điện tử miễn phí nhằm chủ động cung cấp thông tin chính thống, tin cậy của Đảng, Nhà nước.
Hiện, nhà xuất bản đang tiếp tục xây dựng các tủ sách giấy và điện tử: tủ sách chi bộ, tủ sách Nhà nước và pháp luật, tủ sách thông tin, đối ngoại, tủ sách giáo dục lý luận chính trị... nhằm giúp bạn đọc tiếp cận với các văn kiện, nghị quyết, tài liệu tham khảo học tập, các văn bản pháp luật hiện hành hay các tài liệu nghiên cứu, tham khảo...
Việc nhà xuất bản đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh xuất bản, phát hành sách điện tử phục vụ cán bộ, đảng viên, nhân dân đọc miễn phí sách lý luận, chính trị đã khẳng định vai trò, vị thế là đơn vị đi đầu, giữ vai trò chủ đạo trong công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị trong cả nước.
Tạo ra những cơ hội mới cho ngành xuất bản
Tuy có một số kết quả đáng ghi nhận nhưng trong năm 2021, lĩnh vực xuất bản, in và phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá. Quy mô, năng lực hoạt động của nhà xuất bản còn hạn chế. Chất lượng một số mảng sách chưa cao. Xuất bản điện tử phát triển còn chậm.
Hoạt động phát hành xuất bản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cơ sở phát hành bị gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài, doanh thu không có, khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh còn thấp. Chưa có nhiều đơn vị tham gia hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử. Ứng dụng công nghệ, phát triển xuất bản điện tử chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Năm 2022, ngành xuất bản, in, phát hành sẽ chú trọng phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung; xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể “Quảng bá sách giai đoạn 2021-2025,” Đề án “Phát triển sách nói trên các phương tiện giao thông công cộng” theo hình thức xã hội hóa;” phát triển mạng lưới xuất bản phẩm trên cơ sở hạ tầng của hệ thống điểm bưu điện thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam...
Định hướng đến năm 2025, ngành chú trọng triển khai kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo các nhiệm vụ được phê duyệt. Xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc sách, tinh thần truyền thống hiếu học của người Việt Nam phải ở mức cao của thế giới, mỗi năm xuất bản một số đầu sách có giá trị cao, tạo sức lan tỏa ra toàn quốc.
Bên cạnh đó, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; xây dựng Đề án “Chương trình sách Quốc gia;” phát triển một số nhà xuất bản trọng điểm, đủ năng lực dẫn dắt thị trường, tập trung chuyển đổi số các nhà xuất bản tiến tới hình thành một thị trường xuất bản năng động, lành mạnh, chất lượng; chuyển từ xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử.
Phấn đấu đến năm 2025, đạt 5,5 bản sách/người/năm, trong đó sách xuất bản điện tử trên số đầu sách đạt tối thiểu 15%; sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo giáo dục chiếm dưới 60%. Bảo đảm 90% địa phương có ít nhất 1 trung tâm phát hành sách.
Chia sẻ về sự phát triển trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử nhân loại có lẽ là sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số. Mọi thứ thực rồi sẽ có một phiên bản số. Sẽ có cả những thứ có trên môi trường số mà không có trong thế giới thực. Trong môi trường số ấy, mọi thứ sẽ có một đời sống mới, một cách thức quan hệ mới và có những giá trị mới được tạo ra theo một cách mới.
Chúng ta gọi sự di chuyển này là chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số lĩnh vực xuất bản là thế nào? Những vấn đề, những câu hỏi được nêu ở trên đều liên quan đến chuyển đổi số... Chúng ta nghĩ khác đi về sách chính là tương lai của sách. Tương lai ấy do chúng ta sáng tạo ra. Tương lai ấy có sáng lạn không? Mọi tương lai sẽ đều sáng lạn nếu chúng ta thay đổi...
Trong tay chúng ta có rất nhiều công cụ mới để tạo ra tương lai cho sách. Đó là công nghệ số, là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và chúng ta còn có một công cụ nữa, còn được coi như một nguồn lực, đó là thể chế và chính sách. Sự sáng tạo thể chế và chính sách cho sách cũng là vô hạ."
Sáng tạo tương lai thì không chỉ nhìn về tương lai mà còn là nhìn vào quá khứ. Ngành xuất bản nếu nhìn vào kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại sẽ tìm thấy không ít cách tiếp cận, lời giải cho những vấn đề mới. Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) phải là người định hướng, dẫn dắt, tạo ra thể chế, chính sách, tạo ra những nền tảng ban đầu cho sự chuyển đổi này.
Các nhà xuất bản, nhà in, các công ty phát hành sách chính là những người tạo ra tương lai cho sách. Một cái có thể làm ngay và dễ làm là hãy mang những xu thế của thời đại số, mà nhiều lĩnh vực khác đã áp dụng thành công cả chục năm nay vào ngành xuất bản. Nếu không làm nhanh, các công ty công nghệ hoặc các công ty sử dụng công nghệ sẽ thay chỗ. "Còn sách còn tri thức. Còn sách còn loài người," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ./.