Nhìn lại một nhiệm kỳ nhiều dấu ấn vượt khó, đổi mới của tổ chức công đoàn

Những con số ấn tượng về các chính sách chăm lo, hỗ trợ và xây dựng quan hệ lao động cho thấy nỗ lực rất lớn để các cấp công đoàn vững vàng bước qua một nhiệm kỳ đặc biệt với nhiều khó khăn đan xen.
Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế-xã hội thế giới và trong nước, sự phát triển nhanh và tác động từ mặt trái của mạng xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 đến việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.

Trong bối cảnh đó, Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023 đã liên tục đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình hình.

Chi hàng nghìn tỷ đồng tiền hỗ trợ

Nhìn lại nhiệm kỳ 2018-2023, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, có những diễn biến mới phát sinh, không thuận lợi so với dự báo, song với sự nỗ lực, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên, người lao động cả nước, hoạt động công đoàn tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Theo ông Trần Thanh Hải, một trong những dấu ấn rõ nét nhất là lần đầu tiên tổ chức công đoàn đã ban hành các gói hỗ trợ dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đoàn viên, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm… từ nguồn tài chính công đoàn với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng với hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.

Các cấp công đoàn đã tổ chức triển khai 5 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ,” “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19...

Trao sổ tiết kiệm của tổ chức công đoàn cho con công nhân, lao động mất người thân do đại dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Đến khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát, từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, nhiều đoàn viên, người lao động vẫn tiếp tục bị giảm giờ làm việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch và tình hình chính trị-kinh tế thế giới. Để tiếp tục chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023. Dự kiến, sẽ có hơn 90.000 đoàn viên, người lao động tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền ước khoảng 145 tỷ đồng.

Trong suốt những giai đoạn khó khăn, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp tận tụy, bám sát cơ sở, đi sâu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ cho công nhân, lao động; tổ chức kịp thời các hoạt động an sinh, hỗ trợ thiết bị y tế giúp người lao động duy trì cuộc sống, an toàn trong dịch bệnh.

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ đột xuất, các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động thường niên vẫn tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn như “Tết Sum vầy,” “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở.

Riêng “Tết Sum vầy,” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỷ đồng. Tháng Công nhân được triển khai cùng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà hơn 3,8 triệu lượt công nhân, lao động.

Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động thường niên ngày càng phát triển, mở rộng quy mô. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14.000 người lao động được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng. Việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, bước đầu xây dựng mô hình “Bữa ăn công đoàn.”

Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” tiếp tục được mở rộng, định kỳ được rà soát, đánh giá, bổ sung các đối tác mới với những ưu đãi phục vụ trực tiếp lợi ích của đoàn viên, người lao động. Hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được duy trì với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.

Vững vàng xây dựng quan hệ lao động ổn định

Trong giai đoạn 2018-2023, hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cũng là điểm nhấn thể hiện rất rõ nét về kết quả của sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Công đoàn cơ sở các loại hình chủ động và thể hiện rõ vai trò trong tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.

Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc tại Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Thông qua các hoạt động thương lượng, đối thoại, vai trò làm chủ của đoàn viên, người lao động tiếp tục được phát huy thông qua tổ chức công đoàn và dân chủ trực tiếp, góp phần tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định vai trò quan trọng của công đoàn trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ trong nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước đều rất quan tâm đến công đoàn, thông qua việc ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Ban hành Bộ Luật Lao động năm 2019 với nhiều điểm có lợi hơn cho đoàn viên, người lao động...

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, nhiệm kỳ 2018-2023 là một nhiệm kỳ đặc biệt, công đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, thể hiện năng lực thích ứng của mình trong bối cảnh rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Minh chứng rõ nét là tình hình chung về quan hệ lao động khá là ổn định, cụ thể, các cuộc ngừng việc đã giảm 53% so với nhiệm kỳ trước.

"Đặt trong bối cảnh khó khăn, chúng ta thấy rằng, đây là con số rất ấn tượng, là nỗ lực rất lớn của các cấp công đoàn và thực sự công đoàn đã vững vàng bước qua khó khăn trong một nhiệm kỳ đặc biệt," ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Trong giai đoạn nhiều khó khăn đan xen, công đoàn đã đóng vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Các cấp công đoàn phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục